Chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, nhân dân đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

06:09, 05/09/2019

Phạm Đình Nghị
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt sự hưởng ứng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, nên sau 9 năm triển khai thực hiện, đến tháng 7-2019 có 209/209 xã, thị trấn, 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỉnh Nam Định đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; cùng với tỉnh Đồng Nai, là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 30-40% số xã đạt tiêu chí NTM; Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) tiếp tục đề ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, triển khai toàn diện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM, xác định đây là một định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”. Ðể cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIX, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận về dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, chỉ rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để các cấp chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng. HÐND tỉnh các khóa XVII và XVIII đã ban hành 35 nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn; trong đó có một số nghị quyết về cơ chế chính sách xây dựng NTM, làm cơ sở để UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực triển khai thực hiện. Trong 9 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện 82 kế hoạch, 160 quyết định về Chương trình xây dựng NTM; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc tiến độ xây dựng NTM gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kết thúc giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm để nhân rộng cho giai đoạn 2016-2020; từ năm 2016 đến nay, hàng năm UBND tỉnh đều sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về xây dựng NTM, đồng thời ban hành kế hoạch xây dựng NTM với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ cụ thể từng năm cho từng huyện, thành phố. Các sở, ngành của tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM; ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc các huyện, xã thực hiện các tiêu chí chuyên ngành theo quy định; thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh công nhận các xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. Các huyện, thành phố đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh thành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng NTM ở các xã, thị trấn. Cấp xã tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM ở địa phương mình. Ban chỉ đạo và Bộ phận giúp việc xây dựng NTM được thành lập đồng bộ từ tỉnh đến xã, đến thôn, xóm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khởi công Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Ảnh: PV
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khởi công Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Ảnh: PV

Xác định xây dựng NTM là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia của mọi người dân, do vậy tỉnh đã gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, các ngành, lĩnh vực; tỉnh phát động sâu rộng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp và những người con quê hương thành đạt đóng góp, ủng hộ xây dựng NTM với phương châm dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, coi đây là một giải pháp quan trọng, từ đó cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở đều có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Kết quả, từ năm 2011 đến tháng 6-2019, tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt 21.920 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách 26,3%, vốn tín dụng 35,9%, vốn doanh nghiệp 11,9%, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 17,1%, vốn lồng ghép 4,9%, vốn khác 3,8%. Ngoài ra các thành phần kinh tế, các hộ dân đã đầu tư gần 86 nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; các hộ nông dân đã tự nguyện đóng góp 2.897ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng), hiến 206ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi... Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nỗ lực huy động nguồn lực của địa phương, đến 31-12-2018 trên địa bàn toàn tỉnh không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Một số kết quả nổi bật

 

* Ðến tháng 7/2019 có 100% xã, thị trấn, 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

* Ðến 31-12-2018 toàn tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

* Nông dân đã góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi,...

* Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 75,6 triệu đồng năm 2010 lên 129,5 triệu đồng năm 2015 và 145,2 triệu đồng năm 2018.

* Ðã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất, hoàn thiện nhãn hiệu sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 150 sản phẩm nông nghiệp, như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger,…

* Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến nay còn dưới 2%.

* Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần.

* Trên địa bàn nông thôn có hơn 5.000 doanh nghiệp (tăng hơn 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010), giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn lao động; có 130 làng nghề (tăng 51 làng nghề so với năm 2010) với hơn 52 nghìn hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động.

* Có 36 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đợt 1 năm 2019.

*  96,86% số người dân được lấy ý kiến đều hài lòng về kết quả xây dựng NTM.

Thành tựu nổi bật trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2010-2020 là đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là nông thôn Nam Ðịnh đã có sự khởi sắc rõ nét. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Ðiều kiện sống, làm việc và các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách pháp luật của Nhà nước. Diện mạo nông thôn thay đổi khá toàn diện, nhiều miền quê trong tỉnh đã thực sự trở thành miền quê đáng sống, được nhiều địa phương trong cả nước tới tham quan, học tập. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực từ coi trọng sản lượng sang chất lượng nông sản, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang tiêu dùng kết hợp sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng theo chuỗi đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần tích cực tạo thêm nhiều sinh kế mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng giá trị và lao động khu vực phi nông nghiệp. Thu nhập của người dân nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn có sự thay đổi đáng kể, hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... tiếp tục phát triển. Chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện; chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày một tốt hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ; các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế được đảm bảo; trẻ em ở độ tuổi mầm non, học sinh các cấp học được thụ hưởng cơ sở hạ tầng giáo dục khang trang, sạch đẹp, gần 1/4 thế kỷ Nam Ðịnh là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Công tác phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng. Công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn đã trở thành hoạt động thường xuyên ở các địa phương. Môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Các mô hình như: nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác, trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường được các địa phương nhân rộng. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt kết quả tích cực. Qua khảo sát lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với 96,86% số dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM, Chương trình xây dựng NTM ở Nam Ðịnh đã thực sự là chương trình của người dân, vì cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Thanh Thúy
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Thanh Thúy

Sau 9 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nam Ðịnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng:

Một là: Kế thừa thành tựu và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ðảng bộ tỉnh thống nhất trong ý chí và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung chương trình xây dựng NTM.

Hai là: Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM, với quan điểm xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”; phát động rộng khắp phong trào “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện Chương trình.

Ba là: Luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, phát hiện đúng khâu đột phá (chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp), khuyến khích cách làm hay, sáng tạo ở địa phương, cơ sở; lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM; chọn những sản phẩm, ngành nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Bốn là: Khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng NTM; Nam Ðịnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được các mục tiêu xây dựng NTM. Với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, tỉnh đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Năm là: Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông thôn. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, triển khai thực hiện xây dựng NTM tại địa phương. Ðảm bảo giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp tạo động lực cho các phong trào thi đua và huy động các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ xây dựng NTM.

Về định hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng NTM đến năm 2025, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia trách nhiệm của người dân. Gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương, các ngành, các lĩnh vực. Mục tiêu NTM Nam Ðịnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối đồng bộ với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, giàu bản sắc, quan hệ cộng đồng gắn bó. Người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 10 mô hình NTM kiểu mẫu cấp xã, thôn; huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao. Ðến năm 2025, toàn tỉnh có trên 70% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 huyện trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Một góc làng quê nông thôn mới xã Nam Cường (Nam Trực). Ảnh: Viết Dư
Một góc làng quê nông thôn mới xã Nam Cường (Nam Trực). Ảnh: Viết Dư

Ðể đạt được các mục tiêu trên, Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần phát huy thành tựu đã đạt được, vận dụng các bài học kinh nghiệm thành công và khắc phục những hạn chế tồn tại của giai đoạn vừa qua; tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng NTM với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

2. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, trong đó đặc biệt coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

3. Ðẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, ngành nghề ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực, làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ mới và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt. Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc...

4. Xây dựng và giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp” để mỗi địa phương đều trở thành vùng quê đáng sống.

5. Phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội: Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về giáo dục đào tạo. Quan tâm chăm lo chế độ chính sách đối với người có công, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội với tinh thần “để không ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

6. Ðẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn văn minh, hiện đại. Tiếp tục có cơ chế tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.

7. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu và hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo các cấp về xây dựng NTM.

 8. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp xã, từng bước trẻ hóa, chuẩn hóa, đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu hợp lý và đủ khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả điều hành của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ngành trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và xây dựng NTM... Xây dựng chính quyền vì nhân dân và doanh nghiệp, kiến tạo và phục vụ, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

9 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm nỗ lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tạo nền tảng quan trọng, vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, nông nghiệp, nông thôn Nam Ðịnh nói riêng, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra. Phát huy tinh thần, khí thế đó và những thành tựu đã đạt được, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên toàn tỉnh, tạo sự bứt phá phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới, để mọi miền quê Nam Ðịnh đều là những miền quê đáng sống./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com