Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, Nghị quyết 32/NQ-CP, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã với việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định cơ bản sắp xếp xong các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo tiêu chí theo quy định, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của cả nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Hải Toàn (Hải Hậu). |
Ngày 14-8-2019, HĐND huyện Hải Hậu khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp bất thường) thảo luận, biểu quyết về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính Hải Toàn vào xã Hải An. Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, huyện Hải Hậu đã xây dựng Đề án số 68/ĐA-UBND ngày 22-7-2019; theo đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hải Toàn và Hải An là 2 xã có lịch sử hình thành gắn liền với nhau, cùng nhau chung 1 xã trước tháng 6-1956. Theo kết quả lấy phiếu ý kiến của cử tri xã Hải Toàn đạt 82,92%, xã Hải An đạt 99,53%, tỷ lệ chung đạt 91,22%, Hội đồng nhân dân 2 xã đã có nghị quyết đồng ý sáp nhập 2 xã thành xã Hải An. Đồng chí Mai Văn Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu khẳng định: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng "thấu lý đạt tình", nên trong quá trình triển khai thực hiện, phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, không gây xáo trộn lớn và bất ổn về chính trị - xã hội. Việc sắp xếp phải gắn với đổi mới, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, đến Quốc hội. Huyện quan tâm tạo mọi điều kiện như bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tháng 8-2019, Hội đồng nhân dân huyện Nghĩa Hưng khóa XVIII (nhiệm kỳ 2016-2021) tổ chức kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) để thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng. Đề án đã được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, có 100% cử tri của 2 đơn vị xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng tham gia bỏ phiếu và được 99,1% cử tri 2 xã đồng thuận. Sau khi lấy phiếu cử tri, Hội đồng nhân dân của 2 xã đã họp và thảo luận biểu quyết tán thành chủ trương sáp nhập xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng, với tỷ lệ nhất trí: xã Nghĩa Phúc đạt 91,6% tổng số đại biểu, xã Nghĩa Thắng đạt 100% tổng số đại biểu. Về nội dung đề án sáp nhập: Nhập toàn bộ diện tích, dân số xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng để thành lập xã mới, với tên đơn vị hành chính sau sắp xếp là xã Phúc Thắng huyện Nghĩa Hưng; địa điểm làm việc tại Trụ sở xã Nghĩa Thắng hiện nay. Đồng chí Hà Lan Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Việc tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban tập trung chỉ đạo thực hiện các bước chặt chẽ, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. 100% đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tham dự kỳ họp đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng. Kết quả trên thể hiện sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tổ chức tuyên truyền vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các phương án sắp xếp đơn vị hành chính của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố; 193 xã, 16 thị trấn, 20 phường; 3.674 thôn, xóm, tổ dân phố. Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 32 của Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 6/PA-UBND tỉnh ngày 8-7-2019 về "Tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021". Theo đó, UBND tỉnh tiến hành rà soát, đối chiếu về tiêu chuẩn sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo quy định tại Nghị quyết 1211/NQ-UBTVQH13, tỉnh Nam Định không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Có 5 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện đạt dưới 50% cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên (dưới 15km2) và quy mô dân số (dưới 4.000 người). Giai đoạn 2019-2021, tỉnh triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập 5 xã, gồm: Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Yên Xá, Yên Thành (Ý Yên); Xuân Thượng (Xuân Trường); Hải Toàn (Hải Hậu) vào các xã, thị trấn liền kề đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Năm 2019, xây dựng Đề án; năm 2020, tiến hành thực hiện xong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã: xã Nghĩa Phúc vào xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng); xã Yên Thành vào xã Yên Nghĩa; xã Yên Xá vào thị trấn Lâm (Ý Yên); xã Xuân Thượng vào xã Xuân Thủy; xã Hải Toàn vào xã Hải An (Hải Hậu). Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo quy định phải đảm bảo thống nhất và đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn; tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã với việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức trong quá trình sáp nhập một cách thỏa đáng, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định cơ bản sắp xếp xong các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo tiêu chí theo quy định, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của cả nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Ý Yên có 2 đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập là Yên Thành và Yên Nghĩa. UBND huyện đã ban hành Đề án 02/ĐA-UBND ngày 26-7-2019 về việc sáp nhập đơn vị hành chính xã Yên Thành với xã Yên Nghĩa và Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 26-7-2019 về việc sáp nhập đơn vị hành chính xã Yên Xá với thị Trấn Lâm. Theo đó, xã Yên Thành có diện tích tự nhiên 5,679km2, dân số 3.316 người; xã Yên Xá có diện tích tự nhiên 2,041km2, dân số 3.693 người. Hai xã trên không đạt 50% cả 2 tiêu chí diện tích và quy mô dân số, thuộc diện phải sáp nhập đơn vị hành chính với đơn vị hành chính liền kề. Xã Yên Xá sẽ nhập toàn bộ diện tích, dân số với thị trấn Lâm để thành lập đơn vị hành chính mới. Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là 6,863km2, dân số của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là 14.394 người. Xã Yên Thành sẽ nhập toàn bộ diện tích, dân số với xã Yên Nghĩa để thành lập đơn vị hành chính mới. Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là 10,756km2, dân số của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là 7.644 người. Theo lộ trình, năm 2020, huyện Ý Yên tổ chức thực hiện sáp nhập các xã, thị trấn ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực; tổ chức Đại hội Đảng bộ thị trấn Lâm và Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo tiến độ thời gian theo đúng quy định.
Sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị cấp xã, huyện Nghĩa Hưng có 24 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên 258,88km2, quy mô dân số 180.048 người; huyện Ý Yên có 30 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên 246,124km2, quy mô dân số 229.759 người; huyện Xuân Trường có 19 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên 116km2, quy mô dân số 167.188 người; huyện Hải Hậu có 35 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên 228,140km2, quy mô dân số 260.328 người. Theo Phương án số 6, giai đoạn 2022-2030, xây dựng kế hoạch, đề cương đề án quy hoạch tổng thể và lộ trình việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phù hợp với đề án Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
Bài và ảnh: Việt Thắng