Tác phẩm "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mẫu mực sự trong sáng tiếng Việt

03:08, 30/08/2019

Trong di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm Di chúc là một văn kiện đặc biệt, đã trở thành một trong những “Bảo vật quốc gia”. Tác phẩm Di chúc kết tinh hài hòa những nhân tố thiên tài: Tầm vóc tư tưởng vĩ đại, tấm lòng nhân ái bao la, bản lĩnh cách mạng kiên cường và nhân cách văn hóa lịch lãm.

Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng ngôn ngữ tiếng Việt. Người khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”(1). Người luôn ý thức ngôn ngữ là một phương diện quan trọng của văn hóa mỗi dân tộc, thể hiện đời sống tinh thần, tầm vóc trí tuệ, bản lĩnh cốt cách của một  dân tộc. Trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, Người luôn ứng xử với ngôn ngữ như một hành vi văn hóa. Người đã để lại một sự nghiệp báo chí và văn học giàu giá trị với những tác phẩm phong phú về thể loại, đa dạng trong sáng tạo, độc đáo về phong cách nghệ thuật. Bên cạnh những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp (“Vi hành”, “Con rồng tre”, “Đường Kách mệnh”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, …), bằng tiếng Trung Quốc (“Nhật ký trong tù”, “Thơ (chữ Hán) của Hồ Chủ tịch”…) là những tác phẩm Bác viết bằng tiếng Việt. Từ những vần thơ vui xuân chúc Tết, những bức thư gửi thanh niên, thiếu niên, quân đội, công an, các cụ phụ lão… ; đến những tác phẩm chính luận viết bằng tiếng Việt: “Tuyên ngôn độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”(1946), “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”(1966) và “Di chúc”…, Bác đều trực tiếp viết - chỉnh sửa và hoàn chỉnh. Đây là những minh chứng xác thực nhất về một trong những năng lực thiên tài của Bác trong sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ tiếng Việt.

Trong phong tục truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, thông thường những người có hiểu biết văn hóa và có điều kiện nhất định, trước khi qua đời thường sử dụng hình thức viết di chúc (hoặc chúc thư). Mục đích là để căn dặn những việc cần thiết mà người còn sống phải tiếp tục quan tâm thực hiện, thể hiện trăn trở suy ngẫm về cuộc đời, có thể là việc truyền ngôi vị (nếu là vua chúa), phân chia tài sản cho người thân… Di chúc thường thường được làm trước lúc người lập di chúc cảm thấy sắp đến thời điểm “lâm chung”. Người lập di chúc có thể viết bằng thơ ca, văn vần hoặc văn xuôi; có thể nhờ người khác viết hộ rồi ký hoặc điểm chỉ xác nhận chủ thể; cũng có thể nhờ cơ quan pháp luật lập di chúc, thậm chí có thể sử dụng hình thức văn bản nói có ghi âm và ghi hình…, cốt sao đảm bảo giá trị trung thực và tính hợp pháp của bản di chúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn hình thức Di chúc bằng cách viết văn bản văn xuôi. Đọc văn bản Di chúc của Bác để lại, chúng ta ngỡ ngàng nhận thấy đây không phải là những lời lẽ một chúc thư bình thường, theo kiểu các bậc đế vương xưa - khi những “lời vàng ý ngọc” di chúc lại thường chỉ chăm chú vào việc truyền ngôi báu, phân chia quyền lực, phân chia bạc vàng châu báu… Di chúc của Bác là tư tưởng tình cảm của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đến bạn bè khắp năm châu. Đây là những lời tâm tình tràn ngập yêu thương và trách nhiệm về vận mệnh dân tộc, về Đảng, của một lãnh tụ cách mạng lão luyện, nhà yêu nước vĩ đại trọn đời vì nước vì dân; cũng là lời bộc bạch chân tình của một Con Người đích thực, thật gần gũi, giản dị, khiêm tốn, tự tin và lạc quan. Di chúc của Bác đã sáng tạo thể loại văn Di chúc trở thành một tác phẩm chính luận - trữ tình, tạo nên sức truyền cảm lớn, ghi đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc, cũng như lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ai đọc cũng hiểu và cảm nhận được những điều Bác viết, Bác nghĩ, Bác căn dặn - chia sẻ - tâm tình và ai cũng cảm thấy việc thực hiện những điều Bác căn dặn là việc làm cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta có thể đọc liền một mạch văn bản, rồi thong thả đọc lại từng chữ từng dòng, sẽ thấy thấm thía những lời Di chúc, trong đó có sự nhất quán trong tư tưởng, sự kiên định trong bản lĩnh, sự tha thiết ân tình trong tình cảm. Bác không sử dụng từ ngữ trừu tượng, bi quan, không để câu chữ nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa (nghĩa phái sinh). Bác có ý thức vận dụng sáng tạo các hình thức diễn tả bằng lựa chọn từ ngữ giàu hàm lượng thông tin, các hình thức ẩn dụ, so sánh, các kiểu câu điệp từ điệp ngữ… làm cho những điều Bác cần di chúc lại, được biểu đạt một cách tường minh, khúc triết.

Khi diễn tả điều khó nói nhất về việc “sắp phải đi xa”, Người đã nhắc đến Đỗ Phủ - nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường với câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là “người thọ 70 xưa nay hiếm”, rất quen thuộc với người Việt, để làm “cái cớ - tiền đề” chuyển tải ý tứ của Người: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó không có gì lạ. Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa? Vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng tiền bối khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.(2)

Đoạn văn này Bác viết bằng 5 câu. Chỉ có một câu ngắn: “Điều đó không có gì lạ”. Còn bốn câu dài kiểu câu phức hợp để diễn tả mạch lạc lý do Bác viết Di chúc. Điều đáng chú ý ở câu thứ nhất, Bác đã sáng tạo từ cặp câu có hai vế chính phụ “tuy…, nhưng”. Theo diễn đạt thông thường, hai vế sẽ là: “tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Bác đã đảo trật tự hai vế đưa vế chính “tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt” lên trước, cho vế phụ “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây” xuống sau. Chỉ là một sáng tạo nhỏ nhưng đã làm rõ dụng ý của Bác: “Sự sáng suốt” là nhân tố chủ đạo của người viết “Di chúc”. Bản lĩnh là ở đó, nếu hai phần câu văn chính phụ thay đổi ngược lại, vẫn nguyên ý diễn đạt ấy, nhưng tâm thế sẽ rất khác nhau. Trong bút tích, Người đã sửa chữ 70 tuổi thành 70 xuân (Khi người ta đã ngoài 70 xuân). Nếu nghĩ từ đời tư của Bác, từ xuân ẩn dấu một nụ cười hồn nhiên trẻ trung - đôn hậu - hóm hỉnh. Bác đã trải qua 79 mùa xuân, với biết bao gian khổ và thành công, để đón nhận sự ra đi vào “cuộc trường sinh” thật nhẹ nhàng thanh thản…  Câu văn thứ tư là một câu hỏi tu từ, từ “phục vụ” được Bác nhắc lại (điệp từ) tới ba lần: “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa ?” Với câu hỏi này, chúng ta hiểu sự tha thiết cống hiến vô hạn của Bác, nhưng ý thức sẵn sàng đối diện với quy luật sinh tử nghiệt ngã của một đời người. Bác viết “ai mà đoán biết…”, thế là ai cũng hiểu Bác đang biểu đạt sự chủ động hoàn toàn hoàn cảnh và cuộc đời.

Trong Di chúc, còn hai lần nữa Bác sử dụng câu văn có nhắc đến từ “phục vụ” nói trên: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”(khi nói về Đảng); “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.” (khi nói về việc riêng). Nếu nghĩ đơn giản thì chỉ cần dùng từ “phục vụ” một lần ý vẫn rõ, nhưng sự điệp lại ba lần từ “phục vụ”, gắn với ba đối tượng “Cách mạng (giai cấp), Tổ quốc, Nhân dân”, là một dụng ý của Bác khi khẳng định trách nhiệm “phục vụ” của người cán bộ cách mạng đối với ba đối tượng chính yếu nhất, không thể tách rời, không thể sao nhãng.

Khi nói về sự đoàn kết trong Đảng, Bác dùng hai câu văn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Câu đầu Bác khẳng định đoàn kết là một truyền thống “cực kỳ quý báu…”, câu thứ hai Bác căn dặn về yêu cầu thiết yếu để giữ gìn sự đoàn kết. Người đã sử dụng sáng tạo hình ảnh so sánh - ẩn dụ (mô hình so sánh A như B), rất gần gũi dễ hiểu nhưng hàm lượng thông tin thẩm mỹ vô cùng sáng và sâu xa. Cuộc sống của mỗi người có đôi mắt khỏe mạnh tinh tường, và sẽ ra sao khi con ngươi của mắt không được giữ gìn bị đui… Đã có nhiều cách so sánh về đoàn kết được dân gian đúc kết “một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nhưng hình ảnh so sánh  “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng/ như giữ gìn con ngươi của mắt mình” quả là mới mẻ, làm rõ đặc tính, tác dụng bảo vệ sự đoàn kết, cũng như hậu quả của sự mất đoàn kết.

Tầm vóc tư tưởng trong Di chúc còn thể hiện sâu sắc trong nhãn quan cách mạng về “Đảng cầm quyền”. Bác dành một mục để nói về Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là đoạn văn mẫu mực tuy ngắn gọn, nhưng khái quát được đặc điểm và tính chất căn bản nhất về Đảng ta. Rất thấm thía trước mỗi lời dặn được chung đúc từ tư tưởng, đạo đức và trái tim của người cộng sản mẫu mực. Bác khẳng định rõ vai trò của Đảng ta là Đảng cầm quyền. Nhưng để xứng đáng với sứ mệnh lịch sử ấy thì mỗi đảng viên phải nhận thức và hành động đúng với vinh dự và trách nhiệm được trao: Người lãnh đạo - Người đầy tớ trung thành. Bác chủ động đặt hai ý song song trong nội hàm từ “xứng đáng” “Người lãnh đạo” thì dễ thấy, còn “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì chỉ có ở một Đảng chân chính của nhân dân lao động và của dân tộc. Bằng kinh nghiệm từ chính cuộc đời cách mạng của Bác, khi mọi sự việc đã diễn ra từ thực tiễn của thế giới và trong nước, những điều Bác nhắc nhở trong Di chúc quả là sản phẩm của trí tuệ mẫn cảm và minh triết. Bác dùng tới bốn lần từ “thật” để làm rõ phẩm chất đích thực của đạo đức cách mạng.

Đoạn nói Về việc riêng cũng rất đặc biệt. Đây là một trong những đoạn tiêu biểu cho văn phong của Bác, đó là sự cô đọng, hàm súc: “VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Chỉ có ba câu, với 79 chữ, ứng với 79 tuổi của Bác. Bác nhắc lại và khẳng định lý tưởng và hành động suốt đời của Bác là vì Tổ quốc, Cách mạng và Nhân dân.

Tiếp cận từ góc độ một văn bản mẫu mực về ngôn ngữ tiếng Việt, bài viết này mong muốn được góp phần minh họa cho giá trị toàn diện, đặc sắc và bất hủ của tác phẩm Di chúc. Tìm hiểu Di chúc của Bác chúng tôi tâm niệm chính là một cách để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Thạc sĩ Nguyễn Công Thành
Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định

--------------------

(1). Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2011. tập 13, trang 465.

(2). Các dẫn chứng trích trong Di chúc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2016.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com