Thực hiện chương trình công tác, trong những tháng đầu năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai giám sát một số chuyên đề liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị. Đó là giám sát quy hoạch phân khu chức năng hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ (Thành phố Nam Định); tình hình và tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý đến năm 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hai bên đường dẫn cầu Tân Phong đến năm 2025. Đây là ba tuyến đường vành đai, cửa ngõ của thành phố có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đô thị, góp phần đưa Thành phố Nam Định sớm trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý đến năm 2025 đã được HĐND tỉnh khóa XVII thông qua tại kỳ họp thứ 14 ngày 15-7-2015. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 4.050ha, thuộc Thị trấn Mỹ Lộc và 7 xã: Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) và một phần xã Lộc Hòa (Thành phố Nam Định). Quy hoạch được lập có 8 phân khu với các chức năng dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, trung tâm chính trị của huyện, khu đô thị. Năm 2018, UBND tỉnh đã 3 lần phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp với phát triển thực tế. Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong đến năm 2025 được HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua tại kỳ họp thứ sáu ngày 6-7-2018. Đồ án quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2152 ngày 3-10-2018. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch là 810ha, gồm khu vực phía bắc sông Đào, thuộc xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và phía nam sông Đào, thuộc xã Nam Mỹ và một phần xã Điền Xá (Nam Trực), kết nối bởi cầu Tân Phong. Đối với quy hoạch phân khu chức năng hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ, đồ án quy hoạch chi tiết hai bên Quốc lộ 10 giai đoạn II, đoạn từ cầu vượt sông Đào đến Quốc lộ 21 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2380 ngày 19-10-2007. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2084 ngày 22-11-2011 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 và thực hiện Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch hai bên tuyến đường này tại Quyết định số 1416 ngày 25-9-2012 là quy hoạch phân khu chức năng hai bên đường Lê Đức Thọ. Quy hoạch thu hẹp ranh giới và diện tích giảm 153ha do đưa Khu công nghiệp Nghĩa An ra ngoài quy hoạch, để lại 4 phân khu chức năng có diện tích là 509,87ha bao gồm phân khu thương mại, dịch vụ đất cơ quan, đất ở, đất cây xanh tập trung và đất bến xe, bãi xe.
Thành phố Nam Định trong xu thế phát triển, hiện đại. |
Trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, ngay sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch của tỉnh, UBND các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan nhận bàn giao hồ sơ quy hoạch, tiến hành công bố công khai quy hoạch. Căn cứ quy hoạch được duyệt, các sở, ngành liên quan đã triển khai xúc tiến, thu hút đầu tư, tham mưu UBND tỉnh xem xét chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến thời điểm Thường trực HĐND tỉnh giám sát, ngoại trừ quy hoạch phân khu hai bên đường dẫn cầu Tân Phong mới công khai quy hoạch, hai tuyến đường còn lại đã có một số dự án đầu tư. Trong đó, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý có 12 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh được UBND tỉnh đồng ý cho lập thủ tục đầu tư hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư, một số dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Tuyến đường Lê Đức Thọ hiện nay đã có 14 dự án được UBND tỉnh đồng ý cho lập thủ tục đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư. Trong 10 dự án đã và đang triển khai có 4 dự án đã được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng một phần như dự án cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp của Công ty Cổ phần Nam Hải Minh; dự án khu sản xuất chế biến và hệ thống kho lưu trữ muối của Công ty Cổ phần Muối và thương mại Nam Định; dự án bến xe phía Nam và các dịch vụ vận tải hành khách của Công ty Cổ phần Trường Duy; dự án cơ sở sản xuất và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới của Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ điện thông. Tuyến đường dẫn cầu Tân Phong từ khi quy hoạch được phê duyệt đến nay, việc thực hiện mới chỉ ở bước công khai quy hoạch. Công tác thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về quy hoạch đã được Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố kiểm tra và hướng dẫn. Đối với các đơn vị triển khai xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND huyện, thành phố xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Hùng, xã Lộc Hòa (Thành phố Nam Định); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thanh Tùng; hộ ông Trần Trung Hiếu, thôn Đại Thắng, xã Nam Mỹ (Nam Trực) vi phạm về quy hoạch, xây dựng sai phép. Qua quá trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh xác định một số tồn tại, hạn chế như quy hoạch hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong chưa được tổ chức cắm mốc quy hoạch, chưa có biển công khai quy hoạch. Chưa có tuyến đường nào được triển khai lập quy hoạch chi tiết phân khu chức năng tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch được duyệt ở các tuyến đường còn thấp; trong đó tuyến đường Nam Định - Phủ Lý đã và đang triển khai xây dựng trên diện tích 46,99ha tương ứng 8,37% diện tích toàn khu quy hoạch; tuyến đường Lê Đức Thọ đã và đang triển khai xây dựng diện tích 16,66ha tương ứng 3,27% diện tích toàn khu quy hoạch. Chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các trục đường chính trong khu quy hoạch được duyệt. Các dự án đầu tư hầu hết chỉ tập trung tại các khu đất tiếp giáp tuyến đường hiện có là Đại lộ Thiên Trường, Quốc lộ 10, Quốc lộ 21B, đường Lê Đức Thọ, tỉnh lộ 490C. Đây cũng là khó khăn trong việc thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Qua khảo sát thực tế phần lớn diện tích đất đã được điều chỉnh từ chức năng dịch vụ thương mại sang dịch vụ thương mại hỗn hợp ở quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ, chủ đầu tư các dự án này chủ yếu xây dựng cơ sở sản xuất là chính dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch phân khu chức năng được duyệt. Có dự án đầu tư sử dụng đất sai mục đích như cơ sở sản xuất Trang Anh đầu tư xây dựng xưởng sản xuất dép nhựa trên đất quy hoạch là đất thương mại dịch vụ tại tuyến đường bộ Nam Định - Phủ Lý. Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Đoàn Văn Nho ở xã Nghĩa An (Nam Trực) đã chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà vườn trên đất quy hoạch là đất thương mại dịch vụ thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Đức Thọ. Một số dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến việc làm thủ tục cho thuê đất và tiến độ triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, mới có 9/13 dự án sản xuất kinh doanh thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý và 10/14 dự án sản xuất kinh doanh thuộc quy hoạch hai bên đường Lê Đức Thọ được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất. Một số dự án đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ triển khai xây dựng của chủ đầu tư còn chậm. Tại tuyến đường Lê Đức Thọ, một số dự án dừng triển khai hoặc không tiếp tục triển khai như: Dự án khu liên hiệp dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thúy Đạt; dự án trung tâm kinh doanh các mặt hàng nông sản, dịch vụ thương mại tổng hợp, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Minh Giang.
Để nâng cao hiệu quả quy hoạch phân khu các tuyến đường trên, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung theo quy hoạch phân khu các tuyến đường trên, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ theo quy hoạch được duyệt; chỉ đạo UBND các huyện, Thành phố Nam Định lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu chức năng thuộc đề án quy hoạch phân khu các tuyến đường trên theo đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị để có cơ sở thu hút đầu tư và quản lý theo quy hoạch được duyệt, giảm thiểu việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ; chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, Thành phố Nam Định khi tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải tiến hành rà soát, xem xét cụ thể, đảm bảo cho việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải phù hợp và không làm phá vỡ quy hoạch phân khu chức năng được duyệt; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu nghiên cứu xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư đảm bảo thu hút được doanh nghiệp thực sự có năng lực đầu tư theo quy hoạch, không thu hút doanh nghiệp không có năng lực đầu tư, giảm thiểu tình trạng để lãng phí đất đai; tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư và nhu cầu sử dụng đất của từng dự án cụ thể đảm bảo tiến độ đầu tư đã được cấp phép đầu tư, sử dụng đất đai tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra xử lý dứt điểm các vi phạm về quy hoạch và sử dụng đất; dự án quá thời hạn không đưa đất vào sử dụng hoặc dự án chỉ sử dụng đất một phần để lãng phí đất đai, dự án sử dụng đất sai mục đích thì phải xử lý thu hồi lại đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và thành phố rà soát các dự án còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư có phương án giải quyết phù hợp để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chuyển nhượng đất trồng lúa cho người không có hộ khẩu tại địa phương và không có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, tránh tình trạng gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ này nhằm góp phần xây dựng, hình thành không gian đô thị Thành phố Nam Định phát triển bền vững trong tương lai./.
Bài và ảnh: Xuân Thu