50 năm trước, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng. Người từ giã chúng ta, để lại không phải bạc, vàng, châu báu mà là một bản Di chúc triệu triệu lần quý giá hơn - bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ!
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham quan Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Bác với Đảng bộ và nhân dân Nam Định” 8-2019. Ảnh: Viết Dư |
Một sự trùng hợp thật kỳ diệu. Cũng ngày 2-9-1945, Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nêu lên một chân lý: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Và Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Rồi cũng ngày 2-9-1969, Người đi vào “thế giới người hiền” với lời dự báo có tính khẳng định, như một tất yếu lịch sử: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn”.
Nửa thế kỷ đã qua! Di chúc của Bác Hồ vẫn in sâu và lắng đọng trong lòng mỗi người chúng ta, từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ.
Là người suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Bác từ biệt thế giới này không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Và Bác nói lên điều mong muốn cuối cùng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Để thực hiện được điều mong muốn cuối cùng đó, trước hết phải có người lãnh đạo vững vàng, sáng suốt, có chí lớn, có tầm nhìn cao. Vì vậy, Di chúc “trước hết nói về Đảng”, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Căn dặn Đảng phải chăm lo giáo dục và đào tạo thanh niên thành những người thiết kế, xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”, Bác nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Với các tầng lớp nhân dân, vốn “rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”, “luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”, Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tiên liệu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn kéo dài, đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người, Bác đặc biệt dặn dò: “Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.
50 năm trước, cả nước ta khóc Bác. Bạn bè khắp năm châu bàng hoàng xúc động. Trời đất cũng nao lòng, “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Khóc và xúc động từ sâu lắng của con tim. Khóc trong đau thương nhưng đó là tiếng khóc bi hùng và bi tráng. Đã vang lên từ Quảng trường Ba Đình 5 lời thề của Đảng do đồng chí Lê Duẩn tuyên đọc. Đã tỏ rõ tại nơi đây, trong rừng cánh tay giơ cao của hàng chục vạn con người quyết tâm thực hiện những điều Bác Hồ căn dặn, Đảng và nhân dân ta thề “mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
Mùa xuân năm 1975, hơn 5 năm sau ngày Bác đi xa, đất nước ta đã sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối.
Năm 1976, Đại hội IV của Đảng hoạch định chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với mong muốn vượt qua thời kỳ quá độ trong một thời gian không dài.
Năm 1982, trước những khó khăn mới nảy sinh, cùng với những tín hiệu và nhân tố đầu tiên của đổi mới, Đại hội V của Đảng đã điều chỉnh bước đi ấy.
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng mới của sự phát triển bằng việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện. Từ đó đến nay, Đảng ta đã liên tiếp tiến hành 6 kỳ đại hội. Và cứ mỗi kỳ đại hội ấy, lại thêm một mốc son trên con đường đổi mới, với những quyết sách mang tầm chiến lược.
Đại hội VII (năm 1991) công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VIII (năm 1996) hoạch định chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trong vòng vài ba thập niên, cho đến năm 2020 đưa nước ta căn bản trở thành một nước công nghiệp.
Đại hội IX (năm 2001) của Đảng, đại hội mở đầu thế kỷ 21, đã đưa ra cái nhìn tổng quát về thế kỷ 20 với những thành tựu rực rỡ mà cách mạng nước ta và dân tộc ta đã giành được, đồng thời hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội X (năm 2006) thông qua việc tổng kết 20 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã đề ra quyết sách thực hiện trước thời hạn các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010.
Đại hội XI (năm 2011) lại đánh dấu cột mốc mới trên con đường đổi mới và phát triển đất nước với việc công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển). Theo đó, từ năm 2011 đến giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XII (năm 2016) trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; đồng thời nhìn lại 30 năm đổi mới, đã đề ra quyết sách chiến lược “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Điểm nhấn đáng chú ý của cả hai Đại hội XI và XII là gắn liền với nhiệm vụ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đã để lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh với khâu then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thế là gần 90 năm qua, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, của Bác Hồ, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đổi mới, nếu kể từ Đại hội VI trở đi, trong hơn 30 năm, chúng ta cũng đã vượt qua biết bao ghềnh thác, giành được những thành tựu đáng tự hào, làm thay đổi cơ bản và toàn diện bộ mặt của đất nước, thực hiện hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên thế giới, làm tăng lên nhiều sức mạnh tổng hợp của quốc gia, tạo ra thế và lực mới để tiếp tục đi lên với những triển vọng tốt đẹp. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản và từng bước được hoàn chỉnh và hoàn thiện.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta có thể ngẩng cao đầu báo cáo với Bác về những thắng lợi và thành tựu giành được. Song, chúng ta cũng xin nhận lỗi với Bác rằng, chúng ta còn chưa làm được nhiều điều Bác dặn. Trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng quyền làm chủ của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm, chúng ta còn vấp phải nhiều sai lầm và khuyết điểm. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, sự vi phạm các nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt, sự lạm dụng quyền lực, tệ quan liêu và tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có những tác động tiêu cực đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là để Đảng ta khắc phục sai lầm và khuyết điểm, khôi phục và phát huy những phẩm chất cao đẹp vốn có, thực hiện đúng Di chúc của Bác Hồ, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bất hủ. Bản Di chúc đó sống mãi và sáng mãi trong lòng Đảng và nhân dân ta, trong mọi không gian và thời gian trên đất nước ta./.
HÀ ĐĂNG
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương