Thành phố Nam Định từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc, sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hải Phòng. Trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh, Thành phố Nam Định luôn được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội của tỉnh. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay bộ mặt đô thị của thành phố đã có nhiều đổi thay tích cực.
Thành phố Nam Định đang trên đà phát triển trở thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. |
Thành phố Nam Định hình thành từ hương Tức Mặc, nơi phát tích của triều đại phong kiến nhà Trần và vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông đổi tên hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường và xây dựng cung điện để các Thái Thượng Hoàng về trông coi việc nước. Ngày 17-10-1921, toàn quyền Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc đã ra nghị định thành lập Thành phố Nam Định. Sau ngày giải phóng thành phố 1-7-1954 cho đến những năm 1980, Thành phố Nam Định là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc, sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hải Phòng. Năm 1978, Thành phố Nam Định được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh, Thành phố Nam Định luôn được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ngày 24-9-1998, Thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại II. Trải qua chặng đường phấn đấu, phát triển, năm 2011, Thành phố Nam Định đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, sớm hơn 2 năm so với dự kiến.
Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp căn cơ nhằm mở rộng, chỉnh trang khuôn viên đô thị; hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân nhằm từng bước xây dựng thành phố phát triển, xứng đáng với vị thế của đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Định cho biết: “Bên cạnh yếu tố con người, bề dày truyền thống, Thành phố Nam Định được công nhận vị thế đô thị lớn, đóng vai trò trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thể hiện tại Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ”. Ngày 22-11-2011, Thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg, ngày 22-11-2011 và công nhận là đô thị loại I. Cùng với các văn bản quyết định quan trọng của Trung ương, ngày 9-6-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tập trung xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: “Xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao...”. Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU về tập trung xây dựng, phát triển thành phố được ban hành, Thành ủy Nam Định đã tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó Thành ủy đã ban hành Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 11-11-2016 về quản lý phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND, ngày 12-10-2016 về xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đảng bộ, chính quyền Thành phố Nam Định xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ 2016-2020 và những năm tiếp theo, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND thành phố, các phòng, ban, các xã, phường để triển khai thực hiện theo tiến độ đề ra, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ thực hiện.
Trên lĩnh vực mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã tiến hành lập đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và huyện Mỹ Lộc về Thành phố Nam Định theo quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg, ngày 22-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Hiện nay, UBND thành phố đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan rà soát các quy hoạch và các quy định của pháp luật để thành lập mới phường Lộc Hòa, phường Mỹ Xá. Về tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, thành phố đã cơ bản hoàn thành di dời các đơn vị đang hoạt động tại khu nhà máy Dệt, tạo mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị Dệt may Nam Định trên tổng diện tích 24,81ha. Dự án đã triển khai giai đoạn một trên diện tích 8,4ha với tổng doanh thu ước tính khoảng 368 tỷ đồng, hoàn thành giữa năm 2017. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục xây dựng giai đoạn hai với diện tích 6,6ha và triển khai các thủ tục để thực hiện khu trung tâm dịch vụ thương mại trong khu đô thị dệt may. Thành phố đã hoàn thành xây dựng cầu Tân Phong và đường dẫn nối Quốc lộ 21 với Quốc lộ 10 qua cầu Tân Phong; nút giao đường Võ Nguyên Giáp với Quốc lộ 10. Dự án xây dựng tuyến đường trục trung tâm phía Nam Thành phố Nam Định, đoạn nối từ tỉnh lộ 490C đến vị trí giao với đường dẫn cầu Tân Phong đã khởi công, bảo đảm tiến độ. Dự án xây dựng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông tại khu đô thị mới Hòa Vượng đến nay đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm học mới 2019-2020. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, kêu gọi các nhà đầu tư để sớm thực hiện. Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đã tiến hành khởi công với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, hoàn thành trước năm 2020.
Trong công tác chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao công tác quản lý đô thị, quản lý môi trường, xác định danh mục, tập trung đầu tư chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố, các công trình công cộng trên địa bàn. Thành phố tích cực phát động phong trào “Toàn dân giữ gìn nếp sống văn minh đô thị” đến từng phường, xã, khu dân cư, tổ dân phố. Duy trì lực lượng lập lại trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị; kết quả cho đến nay, cơ bản những tuyến phố trong nội thành đã tháo dỡ tấm đan, tấm trượt; nhiều tuyến phố không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hàng năm, tỉnh và thành phố đều tiến hành duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, đèn trang trí, chiếu sáng đô thị; hệ thống thoát nước; công viên cây xanh đảm bảo xanh - sạch - đẹp; lập kế hoạch danh mục cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố, các công trình công cộng theo thứ tự ưu tiên phát triển của đô thị.
Với vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của hệ thống chính quyền các cấp; sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp nhân dân nên Thành phố Nam Định đã vươn lên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố được nâng lên; ý thức xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông”, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Không gian đô thị và cảnh quan môi trường thành phố đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đèn trang trí, chiếu sáng đô thị; hệ thống thoát nước; công viên cây xanh; các công trình công cộng bảo đảm xanh - sạch - đẹp hướng tới xây dựng thành phố trung tâm vùng trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Xuân Thu