Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời suốt đời phấn đấu, hy sinh quên mình vì sự phát triển giàu mạnh, bền vững của đất nước và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn Ðảng ta, nhân dân ta về điều ấy.
Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta sau khi kháng chiến thắng lợi phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người đã viết: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Lời căn dặn đó là nguồn động lực to lớn để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; lại trở thành nguồn sáng soi đường, sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ, động viên chúng ta đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược toàn thắng, non sông thu về một mối, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðây cũng chính là thời kỳ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta phải trải qua nhiều thách thức nghiêm trọng. Ðặc biệt, những ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, cùng một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khác khiến nhân dân ta hàng giờ, hàng ngày phải vật lộn, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu đói, lương thực trung bình tính trên đầu người liên tục giảm, bội chi ngân sách lớn... Cùng với đó, những tác động từ diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới đã đặt Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt.
Tại Ðại hội IV của Ðảng, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn trình bày chỉ rõ, hậu quả của chiến tranh và các tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới đã gây ra cho đất nước ta nhiều khó khăn. Ðể khắc phục những khó khăn ấy, Nghị quyết Ðại hội IV của Ðảng xác định, chúng ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện thuận lợi và nguồn lực cả trong nước và quốc tế để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật, củng cố quốc phòng, an ninh. Trong hầu hết các văn kiện sau này, vấn đề huy động nguồn lực để đẩy mạnh hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước luôn được Ðảng ta nhấn mạnh. Nhờ đường lối đúng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đất nước ta đã có những đổi thay kỳ vĩ. Ðặc biệt, đường lối đổi mới do Ðại hội VI của Ðảng đề ra đã kịp thời đưa đất nước chuyển mình sang giai đoạn lịch sử mới với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một nền kinh tế tập trung bao cấp, chúng ta đã dần chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trên cơ sở phát huy các thành phần kinh tế, giải phóng sức lao động, tạo động lực cho phát triển. Bằng sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng, từ đống tro tàn đổ nát bởi chiến tranh, những thành phố, công trình, nhà máy nhanh chóng mọc lên thể hiện một sức sống mãnh liệt. Ðất nước ta từng bước thoát khỏi tình trạng một nước chậm phát triển. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh; thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua từng năm. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng được xây dựng vững chắc. Vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới từng bước được nâng cao, được cộng đồng quốc tế ghi nhận...
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước chậm phát triển. Hậu quả nặng nề bởi chiến tranh vẫn hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống của người dân. Trong đó, những vấn đề lớn nổi lên chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều là tình trạng ô nhiễm bom mìn; ô nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân da cam (CÐDC)/dioxin. Mức độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ ở Việt Nam hiện còn rất nặng nề và nghiêm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 40 năm sau chiến tranh, hơn 100 nghìn người đã trở thành nạn nhân của bom mìn còn sót lại ở Việt Nam. Các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân. Nguy cơ mất an toàn bởi bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh hiện vẫn rất cao. Theo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, đến năm 2018 diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ là hơn 6,1 triệu héc-ta, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Ðể làm sạch bom mìn sau chiến tranh đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, với thời gian kéo dài tới hơn 100 năm. Bên cạnh đó, CÐDC/dioxin do Mỹ sử dụng đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chất độc hóa học tồn lưu, đặc biệt CÐDC/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo bởi CÐDC/dioxin. Không chỉ gây hậu quả nặng nề về sức khỏe cho những người trực tiếp bị phun rải, chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, còn di chứng đến các thế hệ con cháu của họ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 75 nghìn nạn nhân CÐDC thuộc thế hệ thứ hai và khoảng 35 nghìn nạn nhân thế hệ thứ ba, trên thực tế di chứng CÐDC/dioxin đã truyền sang thế hệ thứ tư.
Nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh như lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực và hiệu quả. Ðặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, khóa XI đã ra Chỉ thị số 43 và mới đây Ban Bí thư, khóa XII đã ban hành Văn bản số 6792 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giải quyết chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nhà nước, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách và đang tiếp tục bổ sung, sửa đổi nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc, giúp đỡ với nạn nhân CÐDC. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân CÐDC/dioxin...
Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở Việt Nam cũng có những vấn đề đặt ra. Có thể thấy công việc giải quyết kể cả về môi trường và chính sách chăm lo cho những người là nạn nhân bom mìn và CÐDC/dioxin còn rất nặng nề, dai dẳng, thế nhưng chúng ta chưa có mục tiêu, lộ trình, bước đi cụ thể và thật phù hợp trong từng giai đoạn. Sự quan tâm, chăm lo cho công tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đều, chưa thường xuyên. Việc huy động các nguồn lực cho khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân bom mìn, nạn nhân CÐDC/dioxin và khắc phục hậu quả môi trường chưa mạnh mẽ. Cộng đồng quốc tế chưa hiểu hết hậu quả nặng nề bởi chiến tranh mà nhân dân ta phải gánh chịu. Do đó việc vận động các quốc gia, các tổ chức quốc tế chung tay, đồng hành với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh chưa được nhiều.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; trong đó, một việc rất quan trọng là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực cho công việc đầy tính nhân văn này. Hoạt động đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chiến tranh, nhất là nạn nhân CÐDC/dioxin cần phải được phối hợp chặt chẽ, kiên trì, tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh khác nhau. Công tác tuyên truyền trong giai đoạn này cần hướng vào việc giúp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về hậu quả do chiến tranh gây ra ở Việt Nam. Mặt khác, cần gắn chặt giữa tuyên truyền với vận động nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm giúp đỡ nạn nhân bom mìn, nạn nhân CÐDC/dioxin. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CÐDC/dioxin cần đẩy lên với tần suất, mức độ cao hơn. Qua tuyên truyền phải làm cho Quốc hội, Chính phủ Mỹ nhận thức rõ vấn đề, không chối bỏ và ngày càng có trách nhiệm cụ thể, thiết thực hơn trong việc đồng hành cùng Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh./.
Theo qdnd.vn