Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Ðổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động công đoàn
Tại hội trường, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình tiến hành xây dựng tờ trình, các bộ đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá sự cần thiết, tính khả thi cũng như kế hoạch, chương trình cụ thể khi gia nhập Công ước số 98. Bộ trưởng nêu rõ, việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết; các quy định của Công ước số 98 hoàn toàn có thể thực thi hiệu quả, phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ có một số tổ chức đại diện người lao động khác được thành lập, hoạt động là vấn đề mà nhiều đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có việc sửa đổi pháp luật liên quan và chủ trương về quản lý, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể khi gia nhập. Theo Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Luật Công đoàn và các luật liên quan. Còn các tổ chức khác của người lao động chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động với mục đích đơn thuần về quan hệ lao động. Các cơ quan chức năng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan quyền tham gia, thành lập tổ chức đại diện người lao động; điều kiện tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như tổ chức của người lao động tại cơ sở; điều lệ, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức...
Về nội dung nêu trên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, đây cũng là thời cơ, thách thức đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ do Ðảng và Nhà nước giao. Cơ quan này đang trình cấp có thẩm quyền về việc xây dựng đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó sẽ tập trung vào nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; tập trung việc chăm lo lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích là điểm tập hợp để người lao động đến với tổ chức công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở...
Các ý kiến phát biểu của đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98; cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp chủ trương của Ðảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan lao động trong Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO. Ðồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), tham gia Công ước số 98, chúng ta xây dựng khuôn khổ pháp luật bảo đảm cho quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ các tổ chức, cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng...
Một số đại biểu đề nghị cần quan tâm việc phối hợp tốt giữa ba bên gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm toán
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ða số các đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước. Các đại biểu: Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Ðỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cùng một số đại biểu Quốc hội có ý kiến rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước có nhiều quy định mới chưa có trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử phạt vi phạm hành chính... Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung điều, khoản sửa đổi trong Luật Kiểm toán Nhà nước để thay thế, bổ sung các điều, khoản bị sửa đổi trong các luật có liên quan theo đúng quy định. Về nội dung bổ sung quy định để kiểm toán Nhà nước thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật cần quy định rõ hành vi vi phạm bị xử phạt; xây dựng mức phạt tối đa, mức phạt và thẩm quyền xử phạt…
Các đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ không đồng tình về quy định bổ sung thẩm quyền cho Tổng Kiểm toán Nhà nước được ký thông tư liên tịch với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân Tối cao để quy định phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu cho rằng, nội dung này chưa phù hợp nội dung được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc bổ sung căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng không cần thiết, vì nội dung này đã được thể hiện cụ thể trong Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành. Thông thường khi có dấu hiệu vi phạm, sai phạm, bất thường thì các cơ quan chức năng sẽ có kiến nghị kiểm toán.
Ðại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cùng một số đại biểu cho rằng, quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như trong dự thảo luật chưa đủ vì mới chỉ dừng lại ở góc độ phối hợp giữa kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp. Trước khi báo cáo Quốc hội, kiểm toán Nhà nước chủ trì phối hợp Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm để tránh chồng chéo.
Về vấn đề bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, giải trình ý kiến về một số vấn đề các đại biểu quan tâm, đồng chí Hồ Ðức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Kiểm toán Nhà nước vốn là một cơ quan có chuyên môn trong tài chính, kế toán có thể tham gia việc giám định tư pháp. Vì vậy, nếu có quy định trong luật thì kiểm toán Nhà nước sẽ làm được việc này.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân. Sau khi nghe thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Thứ bảy, ngày 8-6-2019: Các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng.
Chủ nhật, ngày 9-6-2019, Quốc hội nghỉ.
Hôm nay, thứ hai, ngày 10-6-2019: Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức./.
PV