Một trong những vấn đề dư luận xã hội bày tỏ sự quan ngại thời gian gần đây là một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện vi phạm chuẩn mực đạo đức, vướng vào tệ nạn xã hội. Nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời thực trạng này thì không chỉ làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ mà còn tác động tiêu cực đến việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Nỗi lo về tình trạng đạo đức xuống cấp, vi phạm tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng lệch chuẩn xã hội, nó thường được biểu hiện dưới những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật, gây hậu quả xấu đối với đời sống xã hội. Tệ nạn xã hội không những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần, đạo đức của con người, mà còn làm rạn nứt hạnh phúc gia đình, làm mọt ruỗng văn hóa và gây mất trật tự an toàn xã hội.
Băn khoăn trước thực trạng một bộ phận người dân trong xã hội, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có những biểu hiện, hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc và đạo đức xã hội, mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng “cảm thấy xót ruột khi đạo đức xã hội xuống cấp”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đã nhấn mạnh rằng: Đạo đức là nền tảng tinh thần của xã hội. Càng phát triển kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm chăm lo giữ gìn văn hóa, đạo đức, vì đó là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Không nghiêm khắc rèn luyện bản thân, nhân cách cán bộ, đảng viên sẽ “xuống dốc” không phanh
Không ai phủ nhận những giá trị tích cực mà nền kinh tế thị trường đã mang lại cho xã hội và con người. Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường “cộng sinh” với lối sống lai căng, văn hóa độc hại du nhập từ bên ngoài vào khiến tệ nạn xã hội có nguy cơ trỗi dậy và làm băng hoại đạo đức xã hội. Cán bộ, đảng viên cũng là con người nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động của môi trường xã hội ở cả mặt tốt và mặt xấu, ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, trước sự “cám dỗ, mê hoặc” của những “chiếu bài, ván bạc” hay lời “mời gọi quyến rũ” từ vũ trường, nhà hàng, khách sạn, thậm chí chiêu bài “mỹ nhân kế” làm chao đảo cả một triều chính xưa kia cũng có thể tái diễn để trở thành “cái dây thòng lọng” đối với bất cứ cán bộ, đảng viên nào thiếu bản lĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu nghiêm khắc với chính mình.
Nếu như những năm tháng chiến tranh, cán bộ, đảng viên có mục tiêu lớn nhất là cùng nhân dân, bộ đội kề vai sát cánh bên nhau để đánh đuổi kẻ thù ra khỏi giang sơn bờ cõi, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; hay trong thời bao cấp còn nhiều khó khăn, nhà nhà, người người phải lo toan cái ăn, cái mặc hằng ngày thì cán bộ, đảng viên ít nhiều vẫn giữ được sự trong trẻo của tâm hồn, sự trong sáng của lương tâm, sự lành lặn của đạo đức, do đó ít bị tha hóa, biến chất. Còn thời nay, điều kiện kinh tế, cuộc sống vật chất đã đầy đủ, sung túc hơn xưa; môi trường xã hội thông thoáng, cởi mở hơn; các phương tiện nghe nhìn, truyền thông, văn hóa giải trí, mạng xã hội đã làm cho con người được tận hưởng tiện ích, thoải mái gấp nhiều lần… nhưng cũng làm người ta dễ trở nên “lóa mắt” trước những “cạm bẫy” từ sự hào nhoáng, giả tạo và lệch chuẩn xã hội mà không phải ai cũng dễ nhận diện, phát hiện để tránh xa. Thế nên, có người ví von rằng, thời đại công nghệ có thể tạo bàn đạp, bệ đỡ cho con người vươn tới chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, nhưng cũng có thể là chiếc xe “không phanh” lót đường cho sự sa ngã, xuống cấp đạo đức nếu con người buông lơi, thỏa thích với những ham hố tầm thường của mình.
Không ngẫu nhiên mà từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta không chỉ coi đạo đức là một trong 4 trụ cột trong công tác xây dựng Đảng, mà còn đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm siết chặt kỷ cương, củng cố văn hóa, chấn chỉnh đạo đức trong Đảng. Bởi sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên khiến nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng và chế độ, đồng thời làm cho nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội có nguy cơ lung lay từ gốc rễ.
Cán bộ, đảng viên nhân đôi trách nhiệm trong việc xây dựng nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh
Với tư cách là lực lượng dẫn dắt xã hội phát triển văn minh, tiến bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ có trách nhiệm xây dựng nền tảng tinh thần đạo đức xã hội lành mạnh mà còn phải là lực lượng tiên phong trong đấu tranh, phòng ngừa, đẩy lùi, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội.
Muốn làm tốt việc này, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng học tập, thấm nhuần những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dân tộc; tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan; gương mẫu chấp hành nội quy, quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa tại cộng đồng nơi cư trú; vận động gia đình, người thân và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phường, xã văn minh...
Để tệ nạn xã hội xâm nhập vào một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy và chính quyền các cấp không thể vô can. Vì vậy, đi đôi với việc đề cao vai trò tự giác, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần quan tâm chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa bổ ích nhằm tạo ra không gian sống tích cực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đó, cần làm tốt công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; phối hợp với chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú; tránh để “khoảng trống trận địa quản lý” khiến cán bộ, đảng viên vi phạm tệ nạn xã hội mà không biết.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều nước trên thế giới thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục. Nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa, đạo đức xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế mới có thể khắc phục được.
Để không lặp lại “vết xe đổ” đó, chúng ta càng phải chú trọng quan tâm xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức lành mạnh cho xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống chính trị, vào mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và cá nhân. Đây là “bức tường thành” có thể phòng ngừa hiệu quả các tệ nạn xã hội. Nhất là trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc sẽ góp phần bảo đảm cho xã hội nói chung, mỗi người nói riêng được phát triển tiến bộ, cân bằng, bền vững.
Nhớ lại lời người xưa dạy, muốn giáo dục, dạy bảo, động viên được quân sĩ, người làm tướng phải tự mình làm gương về đạo đức, nhân cách. Do vậy, một trong 8 điều mà danh tướng Trần Quốc Tuấn cảnh báo đối với những người làm tướng là phải tránh xa “hoang dâm tửu sắc”, tức là tránh xa ăn uống nhậu nhẹt quá đà và quan hệ nam nữ bất chính, vì vướng vào điều đó sẽ làm mất tư cách của người làm tướng và có hại cho tinh thần quân sĩ, có hại cho xã tắc, vương triều. Đạo làm tướng mà Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đề cập từ cách đây hơn 700 năm, nói rộng ra cũng là đạo làm cán bộ lãnh đạo thời nay mà bất cứ ai trong bộ máy công quyền cũng không được phép làm ngơ!
Theo hanoimoi.com.vn