Để kinh tế tư nhân thật sự là động lực của nền kinh tế

04:05, 31/05/2019

Từ sau Đại hội XII của Đảng, với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; nền kinh tế nước ta đã có bước chuyển quan trọng, đạt được những kết quả khả quan. Riêng trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10, chúng ta vui mừng ghi nhận sự phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng. Từ 665 nghìn doanh nghiệp năm 2017, tăng lên 730 nghìn vào năm 2018; và tới quý I năm 2019 này là 743.409 doanh nghiệp. Tăng vốn đăng ký ước tăng từ 1.295.911 tỷ đồng năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng năm 2018. Mỗi năm có thêm 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra. Quy mô của nhiều doanh nghiệp được mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Phong trào khởi nghiệp nở rộ, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2018. Đúng như lời Bác Hồ  trong thư gửi công thương và doanh nhân ngày 13-10-1945: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguồn: Internet

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận sự đóng góp ngày càng tăng lên của khu vực kinh tế tư nhân, hiện đang chiếm 42,1% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể hiện chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách Nhà nước năm 2017 và 38,2% trong năm 2018; và như vậy vượt đáng kể so với mức 29,43% năm 2016, là năm chưa ban hành Nghị quyết 10 về tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân.

Thực tiến sống động nêu trên là minh chứng của “ý Đảng hợp lòng dân” nên đã khơi gợi mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, không cam chịu nghèo hèn, quyết tâm bứt phá, vượt lên rào cản, nắm bắt thời cơ, vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đồng lòng chung sức, sáng tạo cách làm mới, phù hợp điều kiện nước ta. Tinh thần ấy, ý chí ấy đã được thể hiện rõ nét trong các cuộc thảo luận chuyên đề trong “Diễn đàn kinh tế tư nhân” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì vào ngày 2-5-2019 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Chúng ta vui mừng khi được chứng kiến cuộc đối thoại chân tình, bình đẳng giữa các  nhà doanh nghiệp tiêu biểu của nhiều ngành nghề với các Thứ trưởng, Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều cơ quan hoạch định chính sách... Nét mới và nét khác biệt so với nhiều diễn đàn kinh tế trước đó là các doanh nghiệp không sa đà “kể khó”; các ngành không tập trung “thanh minh”, mà cả hai phía đều mong muốn tìm ra các biện pháp vừa trọng tâm, vừa đột phá để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lên tầm mới, tương xứng tiềm năng còn ẩn chứa ở nhiều doanh nghiệp cũng như nguồn vốn còn khá phong phú trong dân...

“Mẫu số chung” trong các ý kiến thảo luận, tranh luận ở các phiên hội thảo chuyên đề cũng như phiên toàn thể - đó là tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, (nhất là thủ tục hành chính), cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh bình đẳng; bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn... Còn nhiều việc cần làm; còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với ý trí thông minh, sáng tạo của các doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta hy vọng vào sự bứt phá mới giống như những năm đầu đổi mới đất nước đã ra đời Nghị quyết 10 về “khoán sản phẩm trong nông nghiệp”./.

Hồng Vinh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com