Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV của tỉnh tích cực đổi mới hoạt động giám sát, đi vào những vấn đề cụ thể, những vấn đề còn nhiều bức xúc trong đời sống, xã hội. Qua đó, đã giúp các cấp chính quyền kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, đồng thời đưa ra kiến nghị góp phần xây dựng một số chính sách, pháp luật của Trung ương phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của các địa phương.
Đoàn ĐBQH của tỉnh giám sát thực tế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định). |
Căn cứ Chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và tình hình thực tế của tỉnh, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát với nội dung tập trung vào các vấn đề về kinh tế - xã hội nổi cộm, việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề bức xúc mà cử tri có nhiều kiến nghị... Nổi bật như các chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh. Trong các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH của tỉnh mời Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ngành liên quan tham gia Đoàn giám sát. Để cuộc giám sát đạt hiệu quả, trước khi nghe các đơn vị báo cáo, Đoàn tổ chức đi thực tế, nghe các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về hoạt động của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Qua đó, chất lượng các cuộc giám sát được nâng cao, việc đánh giá sát với thực tiễn; các kiến nghị sửa chữa, khắc phục vi phạm đảm bảo đúng người, đúng việc được các đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, kịp thời thực hiện. Gần đây nhất, tại cuộc giám sát “Kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020” và “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở với người có công với cách mạng” trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn chiếm gần 3% tổng số hộ nghèo; tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 giảm chậm hơn so với các xã, thị trấn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng giai đoạn 2016-2020 ở một số xã, thị trấn còn lúng túng, sai sót, tiến độ thực hiện chưa kịp thời; kinh phí đầu tư cho giảm nghèo của các địa phương còn thiếu; việc triển khai hỗ trợ nhà đến các hộ người có công với cách mạng còn chậm... Đồng thời, Đoàn kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ về nhà ở với người có công với cách mạng. Đoàn cũng đã đề xuất các biện pháp như: Tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về giảm nghèo theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện, có thời hạn; hỗ trợ hộ nghèo theo chiều thiếu hụt; mở rộng, tăng cường mức hỗ trợ đối với hộ mới thoát nghèo để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo; đề xuất điều chỉnh Nghị định số 136/2013/NĐ-CP để trẻ em bị nhiễm HIV, người bị nhiễm HIV không còn khả năng lao động, người đơn thân nuôi con nhỏ, người cao tuổi cô đơn, thuộc diện hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Đoàn cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 31-5-2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; nghiên cứu chuyển đổi hình thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo thông qua thanh toán trực tiếp cho cơ quan điện lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết kịp thời các sai sót ngay tại cơ sở, địa phương và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Bên cạnh việc tổ chức giám sát theo chương trình, kế hoạch của Đoàn, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã phối hợp và tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành trên địa bàn tỉnh cũng như tại các địa phương trong cả nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tổ chức thực hiện 12 cuộc giám sát, khảo sát và phối hợp tham gia 7 cuộc giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thông qua các cuộc giám sát, khảo sát Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tổng hợp gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi những bất cập trong chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực được giám sát. Đồng thời, gửi tới UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh các ý kiến, kiến nghị về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi giám sát tại địa phương nhằm phát huy các kết quả tích cực và xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật.
Đồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh cho biết: Thời gian tới, Đoàn ĐBQH của tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đơn vị có liên quan để tiến hành các cuộc giám sát. Đồng thời có kế hoạch sớm và cụ thể để tạo điều kiện cho các ĐBQH có thể tham gia đầy đủ hơn các cuộc giám sát; nâng cao chất lượng những kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Phối hợp và tham gia với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi về giám sát và làm việc trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH của tỉnh góp phần để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm và đi vào cuộc sống./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng