Nguyễn Văn Ty
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh,
Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là Tổng điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn được Tổng cục Thống kê thực hiện theo quy trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc, theo Quyết định số 722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-6-2018 về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 8 do Tổng cục Thống kê tiến hành (các cuộc Tổng điều tra trước đây thực hiện vào các năm 1960 và 1974 ở miền Bắc, 1976 ở miền Nam và 1979, 1989, 1999, 2009 trên toàn quốc).
Thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, làm căn cứ để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Bên cạnh đó, thông tin thu thập được từ cuộc Tổng điều tra này sẽ sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và phục vụ cho các mục đích khác của công tác thống kê.
Đối tượng điều tra của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ có đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, bao gồm: Tất cả những người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định như đi xuất khẩu lao động, đi du lịch, học tập, công tác; những thành viên của hộ đã chết từ ngày 16-2-2018 (tức là ngày 01 Tết Âm lịch Mậu Tuất) đến 31-3-2019. Đối tượng điều tra của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 còn bao gồm nhà ở của các hộ dân cư.
Nội dung cuộc Tổng điều tra bao gồm các thông tin về dân số (như: số người, giới tính, tuổi, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, mức độ sinh, chết và phát triển dân số, trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề, tình trạng di cư, tình trạng khuyết tật, tình trạng lao động - việc làm); và thông tin về thực trạng nhà ở của hộ (như: tình trạng sở hữu nhà ở, quy mô diện tích nhà ở, năm sử dụng, kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính, nguồn nước và nhiên liệu chính đang sử dụng, một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư).
Thời gian thu nhập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1-4-2019. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7-2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II năm 2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV năm 2020.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sử dụng 2 phương pháp thu thập thông tin, đó là phỏng vấn trực tiếp và điều tra trực tuyến. Phỏng vấn trực tiếp là việc điều tra viên đến hộ dân cư để hỏi và ghi thông tin về tình hình dân số và nhà ở của hộ. Điều tra trực tuyến là việc các hộ dân cư tự nguyện đăng ký tự cung cấp thông tin. Cuộc Tổng điều tra sử dụng ba hình thức thu thập thông tin: Phiếu điện tử (CAPI), phiếu trực tuyến (Webform) và phiếu giấy. Ở tỉnh ta, ngoài số ít hộ dân cư tự cung cấp thông tin, còn lại do điều tra viên dùng phiếu điện tử đến các hộ dân cư để trực tiếp điều tra.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn được thành lập. Ban Chỉ đạo của tỉnh gồm 13 thành viên do đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực; các Ủy viên là lãnh đạo các ngành: Thống kê, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Trong tháng 10 năm 2018 các ngành, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác vẽ sơ đồ nền xã, phường, thị trấn và phân chia địa bàn điều tra. Toàn tỉnh có 229 xã, phường, thị trấn; 3.680 thôn, xóm, tổ dân phố (gồm 739 tổ dân phố khu vực thành thị và 2.941 thôn, xóm khu vực nông thôn) được phân chia thành 4.954 địa bàn điều tra (gồm 4.072 địa bàn điều tra hộ bình thường và 882 địa bàn đặc thù). Công tác lập bảng kê được tập trung thực hiện trong tháng 11 và tháng 12 năm 2018. Toàn tỉnh tiến hành lập bảng kê số nhà, số hộ và số người tại 4.072 địa bàn điều tra hộ bình thường và 882 địa bàn đặc thù. Kết quả tổng hợp sơ bộ: Toàn tỉnh hiện có 567,8 nghìn hộ và 1.728,1 nghìn người, giảm 97,7 nghìn người so với cách đây 10 năm (dân số thời điểm 1-4-2009 bao gồm cả lực lượng công an, quân đội phân bổ là 1.825,8 nghìn người). Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2019, các địa phương đã hoàn thành công tác tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng điều tra phục vụ cho công tác thu thập thông tin tại địa bàn. Toàn tỉnh tuyển chọn 229 tổ trưởng và 2.040 điều tra viên. Bên cạnh lực lượng điều tra trực tiếp, toàn tỉnh huy động 1.412 cán bộ là thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo các cấp tham gia chỉ đạo và giám sát thực hiện các khâu công việc của cuộc Tổng điều tra ở cơ sở. Từ cuối tháng 2 và trong tháng 3, các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cho cán bộ tham gia công tác điều tra. Đến ngày 25-3-2019, toàn tỉnh đã tổ chức 50 lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên, tổ trưởng điều tra, Ban Chỉ đạo và Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về cuộc Tổng điều tra. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch Tổng điều tra để người dân hiểu và tích cực hợp tác với cán bộ điều tra. Hình thức tuyên truyền chủ yếu trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, logo tại các nơi công cộng; tổ chức họp dân ở thôn, xóm, tổ dân phố...
Để thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: treo băng rôn; dán các biểu trưng lô-gô, pa nô, áp phích tại trụ sở, trường học, bệnh viện; tuyên truyền trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở; xe cổ động; họp dân ở thôn, xóm, tổ dân phố, tổ chức cho học sinh cổ động... Rà soát, cập nhật bảng kê tại các địa bàn điều tra nhằm điều chỉnh những biến động về số nhà, số hộ, số nhân khẩu xảy ra trong thời gian từ khi lập bảng kê hộ đến trước thời điểm điều tra. Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành tổng kiểm tra công tác chuẩn bị trước thời điểm Tổng điều tra 1-4-2019. Bố trí lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra, phân công lực lượng kiểm tra, giám sát tại các xã, phường, thị trấn. Triển khai công tác điều tra thực tế đồng loạt trong toàn tỉnh từ 7 giờ sáng ngày 1-4-2019 và phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào ngày 25-4-2019. Các huyện, thành phố tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra vào sáng ngày 1-4-2019, sau đó các lực lượng tham gia Tổng điều tra về thu thập thông tin tại các địa bàn điều tra. Công tác kiểm tra, giám sát phải được Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện ở tất cả các nhiệm vụ công tác, kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh và uốn nắn các tồn tại hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều tra.
Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 có khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, liên quan đến tất cả mọi người dân và lần đầu tiên sử dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của các tổ chức chính trị, xã hội và sự ủng hộ của nhân dân; với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo và sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo các cấp, chắc chắn cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được thực hiện thắng lợi trên địa bàn tỉnh./.