Chuyển biến trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

08:03, 19/03/2019

Thực hiện Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đưa các nội dung, chính sách pháp luật đến với nhân dân, tạo điều kiện cho mọi công dân đều được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 12-6-2017, triển khai thực hiện thống nhất việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tiêu chí 18.5 của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; trình tự thủ tục đánh giá công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28-7-2017 của Bộ Tư pháp… Đồng thời giao Sở Tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm một số tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, gắn với việc triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức quán triệt, tập huấn triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tới Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, lãnh đạo UBND, công chức Tư pháp - Hộ tịch, Trưởng công an của 229 xã, phường, thị trấn.

Cán bộ xã Nam Toàn (Nam Trực) tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tới người dân.
Cán bộ xã Nam Toàn (Nam Trực) tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tới người dân.

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, các địa phương đã tích cực thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định, nhằm góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020 theo tiến độ đã đề ra. Trong đó, đã quán triệt, tích cực triển khai các nội dung, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể trong việc đánh giá, công nhận. Chú trọng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trực Ninh, đơn vị đi đầu của tỉnh trong việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng chí Nguyễn Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Trực Ninh cho biết: Xác định việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cùng với việc chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, UBND huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Hội đồng đánh giá cấp xã; thường xuyên tổ chức họp, đánh giá, báo cáo với Hội đồng đánh giá cấp huyện kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức biên soạn, cấp phát hàng nghìn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” và tờ gấp pháp luật tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cũng như những nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới... Qua kết quả chấm điểm năm 2018, các xã, thị trấn đã cơ bản đảm bảo 5 tiêu chí về đánh giá tiếp cận pháp luật, bao gồm: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đến hết năm 2018, huyện Trực Ninh đã có 21/21 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Với việc tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đến nay toàn tỉnh có 225/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 98,25% tổng số xã, phường, thị trấn của tỉnh. Việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ mới, do đó việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn những vướng mắc, bất cập như việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân theo quy định tối thiểu là 15% tổng số thủ tục hành chính của năm trước liền kề đối với UBND cấp xã là quá lớn. Nhiều địa phương có dân số đông, giao dịch hành chính nhiều, có năm thực hiện gần 10 nghìn thủ tục hành chính, trong đó chủ yếu là chứng thực bản sao đúng với bản chính (khoảng 90%). Do đó, việc lấy khoảng 1.500 ý kiến đánh giá sự hài lòng là một khó khăn đối với công chức thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho triển khai thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo, nhất là về nguồn kinh phí. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật cho người dân, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quan tâm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, hòa giải cơ sở; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, qua đó nhận diện những quy định bất cập của pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung và thay thế… nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com