Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

03:01, 22/01/2019

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 và UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1-7-2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu “Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp”. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Để cụ thể hóa Nghị quyết 05 và Kế hoạch 58, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng không ngừng nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư doanh nghiệp trong tiếp cận, tìm kiếm cơ hội, thực hiện các thủ tục đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh. Ảnh: Thành Trung
Các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh. Ảnh: Thành Trung

Thực hiện cam kết đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tỉnh đã thẳng thắn phân tích, nhận diện những điểm yếu kém trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó có giải pháp thiết thực để khắc phục. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, không để tình trạng cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng gây “khó dễ” khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí không chính thức. Tháng 7-2017, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để đảm bảo nhà đầu tư đến Nam Định chỉ phải tiếp xúc, giao dịch với một đầu mối duy nhất, được hỗ trợ, giải quyết từ khâu nghiên cứu, khảo sát, thực hiện dự án, đến khi đi vào hoạt động. Tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư, tăng cường phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp với các sở, ngành liên quan. Các sở, ngành, các địa phương tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng tham mưu, giải đáp công việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước. UBND tỉnh đã ban hành 3 bộ thủ tục hành chính về đất đai áp dụng cho 3 cấp tỉnh, huyện, xã; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cấp, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp; ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính các cấp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.867 thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến; trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2 và trên 300 thủ tục đạt mức độ 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện hệ thống “một cửa” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tỉnh chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã giảm từ 1/4 đến 1/3 so với trước, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các công trình lớn, quan trọng. Đối với các khu công nghiệp, tỉnh chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch theo hướng lâu dài, ổn định, phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, hình thành những đô thị mới, đô thị vệ tinh phục vụ phát triển các khu công nghiệp và tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các khu công nghiệp chưa được lấp đầy để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn. Toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp là các khu công nghiệp: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và Dệt may Rạng Đông với tổng diện tích mặt bằng trên 1.110ha. Đi đôi với đầu tư củng cố hệ thống các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp địa phương cũng đặc biệt được quan tâm phát triển. Hạ tầng giao thông của tỉnh đã và đang được đầu tư tích cực theo hướng nâng cao khả năng kết nối liên vùng. Các tuyến giao thông đường bộ từ Thành phố Nam Định đến trung tâm 9 huyện và các thị trấn đều được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III, IV đồng bằng; tất cả các xã đều có đường nhựa đến trung tâm. Hệ thống lưới điện trọng tâm, điện nông thôn, các khu vực dân cư, các làng nghề, các cụm công nghiệp cũng đặc biệt được quan tâm. Về hệ thống viễn thông, thông tin di động, tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật số hiện đại và phủ sóng tới 10/10 huyện, thành phố, hệ thống internet băng thông rộng và đạt tiêu chuẩn quốc tế... Đặc biệt, phải kể đến sự chủ động đầu tư mạnh mẽ hệ thống hạ tầng các khu vực kinh tế trọng điểm nhằm tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng, phát triển hạ tầng Thành phố Nam Định từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng và khu trọng điểm phát triển kinh tế biển Rạng Đông. Tại đây, ngoài Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông quy mô hơn 1.000ha (giai đoạn 1 gần 600ha) là khu công nghiệp xanh, sạch, bền vững, còn có các công trình cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối đô thị Rạng Đông với hành lang kinh tế, kỹ thuật đô thị Quốc lộ 21, Quốc lộ 10; cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (đầu mối giao thông đường thủy pha sông biển có tiềm năng xây dựng cảng nước sâu đô thị Rạng Đông); tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hiện tỉnh cũng đang tập trung hoàn tất các thủ tục, sớm đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cầu vượt sông Đáy nối đô thị Rạng Đông với hành lang kinh tế, kỹ thuật, đô thị Quốc lộ 10 đi Thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và các vùng đô thị lân cận; dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định tại huyện Hải Hậu, cơ sở công nghiệp năng lượng quy mô lớn với phạm vi phục vụ vùng duyên hải Bắc Bộ. Những nỗ lực và giải pháp đồng bộ kể trên đã giúp tỉnh đạt bước tiến đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư. Năm 2017, Nam Định đứng thứ 7/59 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI. Năm 2018, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục được đánh giá đạt kết quả khả quan trên cả nước; đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 98 dự án, tổng vốn đăng ký là 2.121,2 tỷ đồng và 192,8 triệu USD. Trong đó cấp mới cho 73 dự án đầu tư trong nước và 13 dự án FDI. Có một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hải Phát… đã và đang nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Ảnh: Thanh Thúy
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Ảnh: Thanh Thúy

Để Nam Định là “điểm đến” hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, tỉnh xác định năm 2019 tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó tỉnh chủ trương quyết liệt cải tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện; triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Triển khai thực hiện hiệu quả các Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đề cao trách nhiệm đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm, đặc biệt chú trọng vào các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... với các dự án ưu tiên, kêu gọi đầu tư như: Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, công nghiệp dược phẩm và sản xuất dược liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, dệt may, da giày, điện, điện tử.

Những nỗ lực cụ thể hóa các cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng nhằm đón bắt cho được làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, tạo đột phá trong phát triển kinh tế./.

Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com