Bảo đảm quyền con người - Bản chất của chế độ chính trị tại Việt Nam

08:12, 14/12/2018

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Từ những văn kiện đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ mục tiêu cơ bản và lâu dài của cách mạng Việt Nam là bảo đảm quyền con người (QCN) cho người dân Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng thông qua tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã vạch ra đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động, giải phóng xã hội, để người cày có ruộng, người dân được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền.

Một nhà nước sinh ra vì con người 

Ngày 2-9-1945, trước hàng triệu quốc dân đồng bào Việt Nam và toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó khẳng định rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Tinh thần “tự do” và “độc lập” là tinh thần xuyên suốt bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta. Nhà nước của chúng ta là nhà nước sinh ra để giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc, chiến đấu và liên tục phấn đấu để mang lại những quyền, những giá trị nhân bản nhất cho con người, đó chính là tự do, là độc lập, là bình đẳng, là sung sướng, là hạnh phúc. Bản chất của Nhà nước ta là nhà nước vì con người.

Những giá trị về QCN ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ những câu mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Như thế, ngay từ khi khai sinh, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam) đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, vì con người của các nhà nước trong lịch sử thế giới; giá trị vì con người mà Nhà nước Việt Nam xây dựng cũng là những giá trị chung của nhân loại. Không những thế, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam còn có hai điểm có tính đi trước, nổi trội hơn bản Tuyên ngôn thế giới về QCN.  

Thứ nhất, Tuyên ngôn Độc lập của nước ta với nhiều tư tưởng tiến bộ về QCN đã ra đời trước (năm 1945), Tuyên ngôn thế giới về QCN ra đời sau (năm 1948). Thứ hai, Tuyên ngôn thế giới về QCN không đề cập đến cơ sở chính trị rất quan trọng để thực hiện QCN là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu không có độc lập dân tộc, không toàn vẹn lãnh thổ thì rất khó để người dân có thể được sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Những bài học của các nước trên thế giới trong lịch sử và cho tới tận ngày nay đã cho thấy rõ điều này. Trong khi đó, trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, QCN, sự bình đẳng của mỗi cá nhân được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với quyền dân tộc, đó là quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết.

Do đó, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên để kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1945-1975 chính là để tạo ra nền tảng chính trị vững chắc nhằm bảo đảm được QCN cho nhân dân Việt Nam.  

Lấy con người là trung tâm của sự phát triển

Từ Đại hội VI của Đảng, với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên mọi lĩnh vực, nhận thức về vị trí, vai trò của con người cũng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Một trong 4 bài học kinh nghiệm được đúc kết tại Đại hội VI là toàn Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6-1991), trong đó khẳng định mục tiêu: Xây dựng Nhà nước XHCN, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư khóa VII một lần nữa khẳng định, QCN là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Và quan trọng hơn, vấn đề QCN xuất phát từ chính mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực. Vì vậy, bảo vệ và phát huy QCN là trách nhiệm chung mà tất cả các cấp, các ngành và địa phương phải tích cực, chủ động thực hiện.

Đại hội X của Đảng tiếp tục vạch ra đường lối phát huy dân chủ, khẳng định “dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời nhấn mạnh “xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân”.

Tại Đại hội XII, Đảng đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới về xây dựng, phát triển con người. Những quan điểm này không chỉ là sự bổ sung về mặt lý luận, mà còn được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cụ thể trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước: Một là, xây dựng con người toàn diện là một trong những nhiệm vụ tổng quát 5 năm 2016-2020. Hai là, xây dựng con người được đề cập tại 4 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII. Ba là, gắn mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng con người. Bốn là, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa.

Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Thông báo Kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-7-2010, của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới (Chỉ thị số 44). Kết luận của Ban Bí thư thể hiện tính nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện QCN, xác định con người là trung tâm của sự phát triển; đồng thời là bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về lĩnh vực xây dựng, phát triển con người và QCN.

Các nghị quyết của Đảng về những vấn đề liên quan đến QCN được cụ thể hóa trong pháp luật Việt Nam. Kế thừa các Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992), nhất là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 2013 đã hoàn thiện, bổ sung những nội dung mới về QCN và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa QCN ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về QCN. Nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về QCN, thể hiện qua Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Những quy định của pháp luật Việt Nam đã nói lên rằng, tôn trọng và bảo đảm QCN thuộc bản chất, xuyên suốt lịch sử Việt Nam đương đại (từ năm 1945 đến nay).

Cuộc sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao

Từ thời kỳ đổi mới đến nay, công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước mang lại cho Việt Nam rất nhiều thành tựu, nhờ đó có điều kiện để bảo đảm tốt QCN trên các mặt. Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao về các thành tựu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, tăng trưởng kinh tế ngày càng gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn, hoàn thành và vượt mức Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo trước 10 năm… Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. Ở khu vực thành thị, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, với tầng lớp trung lưu mở rộng. Khác với một số quốc gia chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị dẫn tới chênh lệch giàu nghèo rất nghiêm trọng, Việt Nam rất quan tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Trong đó, giai đoạn 2008-2018, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mức sống người dân ở nông thôn không ngừng được nâng cao. Đối với vùng sâu, vùng xa, những nơi gặp thiên tai, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm cấp gạo cứu đói khi giáp hạt, khi thiên tai, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 30a, Chương trình 135...

Cùng với việc phát triển kinh tế đất nước, hầu hết các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, chỉ số phát triển con người… ở Việt Nam đều có sự tiến bộ. Quyền của các nhóm yếu thế như quyền của phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người cao tuổi… có những bước tiến rõ rệt. Theo Báo cáo “Các chỉ số phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện và công bố ngày 17-10-2018 cho thấy: Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua. Về chỉ số HDI, Việt Nam hiện thuộc nhóm trung bình cao, với chỉ số 0,694 trong năm 2017, đứng thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia.

Tự do ngôn luận, văn hóa, tôn giáo được quan tâm

Tại Việt Nam, các quyền công dân về bầu cử, ứng cử, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận… được bảo đảm. Việt Nam có thể được xem là một quốc gia internet. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2018, hơn 60% người dân sử dụng internet (xếp thứ 16 thế giới về số lượng người dùng internet). Đặc biệt, thời gian sử dụng internet của người Việt Nam lên tới 7 giờ/ngày. Hầu hết người sử dụng internet tại Việt Nam đều sử dụng mạng xã hội, khi có tới 60 triệu người dùng facebook, 40 triệu người dùng zalo. Qua đó có thể thấy, Nhà nước ta rất quan tâm đến quyền được tiếp cận thông tin và thể hiện quan điểm của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Việc phát triển văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam được coi trọng. Đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Cùng với đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng, Nhà nước đề ra. Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ triển khai sâu rộng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Thực hiện đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành việc rà soát, thống kê và hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người, đặc biệt là 10 dân tộc, gồm: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Bố Y, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao. Nhờ đề án này, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhiều nghi lễ đặc sắc, nhiều lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số được khôi phục, trình diễn trong những ngày hội văn hóa ở mọi miền đất nước. Những ngày hội văn hóa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ của các dân tộc Việt Nam... cũng tạo cơ hội cho các dân tộc thiểu số nêu cao lòng tự hào dân tộc, tự khẳng định những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình và đó cũng là một cách để bảo đảm quyền văn hóa nhìn từ chiều sâu nhân văn nhất.

Cùng với tạo điều kiện cho văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy, các cấp chính quyền cũng triển khai những việc làm thiết thực để đồng bào từng bước cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đến nay, hơn 90% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và hơn 80% số hộ được xem truyền hình. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 thứ tiếng dân tộc được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thường xuyên tổ chức. Trong đó nổi bật là các hoạt động kỷ niệm Đại lễ Phật đản; các ngày lễ Noel, Halloween... dần trở thành những sự kiện tôn giáo, văn hóa quen thuộc không chỉ đối với người theo đạo mà cả với người dân không theo đạo. Sự kiện kỷ niệm 500 năm Tin lành Phúc âm tại Hà Nội vào cuối năm 2017 có sự tham gia của hơn 10 nghìn người là một ví dụ.

Bảo đảm tốt QCN Việt Nam ở nước ngoài cũng là một thành tựu nổi bật trong lĩnh vực QCN của Việt Nam. Việt Nam chú trọng công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho kiều bào ổn định địa vị pháp lý, hội nhập vào sở tại, tập trung hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tiếng Việt, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc; thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài…

Bảo đảm quyền con người là hành trình không ngừng của mọi quốc gia

Việt Nam không những bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các QCN trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam đã hai lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2001-2003 và khóa 2014-2016.

Việt Nam tham gia rất tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về QCN, như: Phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước về quyền của người khuyết tật. Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đặc biệt là việc triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Tích cực đóng góp, thúc đẩy các vấn đề về giáo dục, văn hóa tại Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Để bảo đảm tốt QCN cần sự nỗ lực không ngừng ở tất cả quốc gia. Chúng ta có thể thấy ngay cả những nước luôn đề cao vấn đề nhân quyền, như Mỹ, Pháp cũng đang gặp rất nhiều vấn đề về việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Ví dụ, nạn phân biệt chủng tộc vẫn rất nặng nề trong xã hội Mỹ, gây ra nhiều vụ xung đột gần đây giữa người da màu và cảnh sát da trắng. Ba tuần gần đây, nước Pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng do hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình đập phá, đòi giảm thuế xăng dầu; nguyên nhân sâu xa được cho là xuất phát từ bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội Pháp.  

Có thể thấy, vì con người, bảo đảm QCN là bản chất của Nhà nước Việt Nam, chế độ chính trị tại Việt Nam. Mặc dù nền kinh tế còn những hạn chế, nhưng Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm các QCN theo chuẩn mực quốc tế. Những thành tựu trên lĩnh vực này của Việt Nam là rất rõ ràng, khách quan, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xem xét vấn đề này không thể tách rời phạm trù quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia cũng như truyền thống văn hóa, lịch sử và trình độ phát triển của đất nước. Mặt khác, quyền không tách rời nghĩa vụ, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Không chỉ xã hội phải vì con người mà con người cũng phải vì xã hội. Mỗi cá nhân cần phải nỗ lực đóng góp để đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, từ đó sẽ có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho nhu cầu, quyền lợi của mỗi cá nhân./.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com