Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, sáng 16-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào báo cáo việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020), dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) 2018 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2019-2021.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản thống nhất báo cáo của Chính phủ; nhấn mạnh trần nợ công và bội chi cương quyết giữ như định hướng. Phần tăng thu thì được chi, còn cân đối phải đảm bảo trần 2 triệu tỷ đồng. 10 nghìn tỷ đồng chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh thì chuyển sang chống sạt lở sông, biển của đồng bằng sông Cửu Long.
Trong dự phòng của Trung ương về đầu tư công thì UBTVQH đưa ra nguyên tắc, tiêu chí thứ tự ưu tiên, giao Chính phủ điều hành, trong đó có phần vốn dành cho quy hoạch, xây dựng dự án cho giai đoạn tới và lưu ý dự án. Nhấn mạnh công trình phải thực sự cấp bách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lưu ý các công trình giao thông ở phía Bắc và phía Nam. Cùng với đó, những khoản chi cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng nên ưu tiên.
Về khoản chi kiên cố hoá trường lớp học, lẽ ra hoàn thành vào 2015 nhưng chưa hoàn thành nên đề nghị cho kéo dài đến hết năm 2019 và các địa phương có trách nhiệm triển khai cho được.
Liên quan ngân sách, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ xem lại Nghị định 126 vì có những điểm chưa đúng luật ngân sách, cần phải sửa. Ví dụ như tiền thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) khi cổ phần hoá thì Nghị định quy định nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN là sai với Điều 35, 37 Luật NSNN. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nộp ngân sách Trung ương khoản thu hồi từ DN do ngân sách Trung ương đầu tư, nộp ngân sách địa phương những khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, từ năm 2019, tất cả thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất thu tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại, bao gồm cả đất do doanh nghiệp Nhà nước thuê hay có sở hữu tài sản trên đất, trừ trường hợp nhỏ, lẻ hay giao đất thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, công trình quan trọng.
Nếu cần thiết tạo điều kiện đấu thầu thì NSNN ứng vốn giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù cho người dân, sau đó thì hoàn trả NSNN.
“Nhà nước thất thoát nhiều lắm trong vấn đề đất đai, không hẳn do tham nhũng mà do cơ chế quản lý của chúng ta. Làm cái này được sẽ quản lý tài nguyên quốc gia. Giờ người ta giàu lên từ cái này, đại gia bất động sản từ cái này. Cái gì liên quan đất đai Nhà nước là phải đấu giá công khai” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong thực hiện nghị quyết về đầu tư công trung hạn. Đây là bước chuyển tích cực theo hướng đổi mới và cơ cấu lại đầu tư công. Mặc dù mới triển khai, còn một số vướng mắc, song đầu tư công 3 năm qua có chuyển biến tích cực.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư tuỳ tiện, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt vốn ứng trước và phân bổ hằng năm. Đầu tư và phân bổ có tầm nhìn dài hạn. Kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đi vào nề nếp. Dù giải ngân có khó khăn nhưng điều này cũng tạo ra sự thận trọng hơn, chặt chẽ trong quản lý đầu tư công.
Tuy nhiên, UBTVQH cũng nhận thấy cân đối nguồn lực mới đảm bảo 53% nhu cầu, lựa chọn ưu tiên và thủ tục còn bất cập, phân bổ còn chậm, bố trí nguồn vốn chưa hợp lý, điều chỉnh kế hoạch có mặt chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc; kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng cơ bản chưa thực sự nghiêm.
Về kiến nghị điều chỉnh bổ sung, UBTVQH nhất trí trình Quốc hội theo hướng giữ nguyên trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng, gắn với kế hoạch bội chi 5 năm cũng như trần nợ công và không thay đổi mục tiêu này. Tuy nhiên trần đầu tư công không bao gồm khoản tăng thu; Điều chỉnh giảm nguồn vốn bố trí cho công trình trọng điểm quốc gia từ 80 nghìn tỷ đồng xuống 70 nghìn tỷ đồng, dành 10 nghìn tỷ đồng cho dự án quan trọng, chống sạt lở...
Bổ sung vốn cho Quỹ phát triển HTX 350 tỷ đồng, bổ sung 2 dự án của Bộ Công an và dự án của Bộ GTVT; Tiếp tục đầu tư tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh tới Nghệ An nhưng phải đảm bảo cân đối nguồn lực, phân kỳ đầu tư...
Về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, UBTVQH đánh giá Chính phủ có nhiều cố gắng, bám sát nghị quyết Quốc hội và thực hiện khá tốt mục tiêu cụ thể. Các định hướng lớn như đảm bảo tiến độ thu, tỷ lệ huy động, đạt kế hoạch trong nghị quyết; Quản lý thu, chống thất thu có mặt chuyển biến tốt, cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian xuống 117 giờ là cố gắng rất lớn.
Bên cạnh đó, cơ cấu chi theo hướng tích cực, tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, đảm bảo khoản chi lương, an sinh xã hội. Kỷ luật chi tiêu tài chính được tăng cường hơn, kiểm soát bội chi và trần nợ công trong mục tiêu đề ra./.
PV