WEF ASEAN 2018: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững nông nghiệp Việt Nam

06:09, 14/09/2018

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh có bài viết về kết quả phối hợp triển khai giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới trong nông nghiệp, triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Trồng rau theo phương pháp thủy canh trong nhà lưới của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh). Ảnh: Ngọc ánh
Trồng rau theo phương pháp thủy canh trong nhà lưới của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh). Ảnh: Ngọc Ánh

Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực đang là những thách thức chung trên toàn thế giới. Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đề ra mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2050. Những mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP). Sáng kiến tầm nhìn mới về nông nghiệp của WEF đang được tiến hành tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Đây có thể được xem là một sáng kiến toàn cầu. Cho tới nay, 21 nước trên thế giới đã thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nâng cao các tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp bền vững

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là đối tác quan trọng, hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Bắt đầu tham gia sáng kiến này từ năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng trong đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu chính của đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam là nâng cao các tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ chính sách và xây dựng các quy trình canh tác và thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Bộ NN và PTNT với các đối tác liên quan, bao gồm các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Đến nay, đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam đang triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. Đồng chủ trì các Nhóm công tác PPP ngành hàng là các đơn vị chuyên ngành của Bộ NN và PTNT và các Tập đoàn/Công ty đa quốc gia, đại diện cho các thành viên khác trong ngành hàng gồm: các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; Hiệp hội ngành hàng; địa phương vùng triển khai các Nhóm công tác; viện nghiên cứu; đại diện các cơ quan chứng nhận quốc tế và người sản xuất. Các Nhóm công tác PPP ngành hàng đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xử lý các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết như: xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững như: chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever… Kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế như: 4C, UTZ, Rainforest Alliance, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao. Xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững quốc gia cho cà phê, chè, hồ tiêu, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới…

Song song với đó, các Nhóm công tác PPP ngành hàng còn triển khai nhiều mô hình thực địa thí điểm và nhân rộng giống mới và các biện pháp kỹ thuật bền vững, thân thiện với môi trường như: mô hình sản xuất cà phê của Nestlé, sản xuất chè của Unilever, lập phương án tăng năng suất và thu nhập cho nông dân. Đến nay, gần 220 nghìn nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các mô hình này đảm bảo các tiêu chí kinh tế - xã hội, môi trường nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các Nhóm công tác PPP ngành hàng của Việt Nam được WEF thừa nhận đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt và được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF tại châu Á.

Thành tựu của các Nhóm công tác PPP ngành hàng

Nhóm công tác PPP về chè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến nâng cao chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia trong Nhóm công tác PPP về chè đã đầu tư 440 nghìn ơ-rô để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23 nghìn nông dân ở 6 tỉnh. Đào tạo doanh nghiệp về chứng chỉ Rainforest Alliance (RA), trong đó có 18 doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ RA, cung cấp hơn 32 nghìn tấn chè sản xuất bền vững cho thị trường xuất khẩu; tăng sản lượng chè tươi thu hoạch lên 20% so với trước khi tham gia tập huấn; tăng thu nhập lên 113% cho nông dân trồng chè. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Bộ tài liệu Đào tạo bền vững quốc gia cho ngành chè, thiết lập và vận hành thành công các tổ đội nông nghiệp để kiểm soát việc sử dụng các yếu tố đầu vào hợp lý.

Nhóm công tác PPP về cà phê đã triển khai được tổng cộng 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai), đem lại tác động tích cực đến 130 nghìn ha (20% tổng diện tích gieo trồng cà phê cả nước); năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17% (trong giai đoạn 2015-2016); thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%; mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.

Nhóm công tác PPP về hồ tiêu và gia vị đã triển khai tập huấn cho hơn 120 nghìn nông dân về sản xuất hồ tiêu bền vững và hoàn thiện Bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững. Nhóm cũng đang xúc tiến việc thành lập Ban điều phối ngành hàng hồ tiêu hỗ trợ tham mưu về điều phối hoạt động và nguồn lực của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu tại Việt Nam.

Nhóm công tác PPP về thủy sản đã hỗ trợ xây dựng 25 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, 74 liên kết đầu vào và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, năm 2018 cũng có thêm hai chương trình mới bắt đầu đi vào hoạt động, hỗ trợ giải quyết các vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý (IUU), truy xuất nguồn gốc, quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng, từ năm 2010 đã hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác, sử dụng giống FL2215, FL2007 kháng bệnh và ưu điểm vượt trội của hai giống này so với các giống khác là trồng được cả trong mùa mưa. Đến nay, hai giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ NN và PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất. Sử dụng hệ thống tưới phun sương làm tăng năng suất khoai tây của người nông dân trong dự án PepsiCo tại Lâm Đồng lên gấp gần 3 lần (năm 2007 năng suất là 7-8 tấn/ha, năm 2017 năng suất 22 tấn/ha và năm 2018 năng suất 24 tấn/ha). Năm 2017 đã sử dụng 5.131 tấn khoai tây trong nước phục vụ sản xuất tại nhà máy của PepsiCo.

Nhóm công tác PPP về lúa gạo, mặc dù mới được thành lập vào cuối năm 2017 nhưng hoạt động của Nhóm đã có những kết quả tốt. Đã có một số dự án thí điểm được triển khai tại địa phương như dự án của Công ty Bayer phối hợp cùng Vinafood2 và dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính do Tổ chức Phát triển Hà Lan hỗ trợ. Dự án của Bayer mới ở giai đoạn bắt đầu trong khi dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện đã mang lại những hiệu quả tích cực về năng suất, chất lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các dự án mới ở giai đoạn thí điểm với quy mô khiêm tốn.

Nhóm công tác PPP về hóa chất nông nghiệp là nhóm xuyên suốt phối hợp với các Nhóm công tác PPP ngành hàng khác như chè, hồ tiêu và gia vị, cà phê giải quyết các vấn đề quản lý sử dụng hóa chất trong các ngành hàng, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện các bộ tài liệu quốc gia về sản xuất bền vững chè, hồ tiêu, cà phê, lồng ghép nội dung về hóa chất nông nghiệp. Biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn thành lập tổ đội bảo vệ thực vật tập trung” để nhân rộng mô hình này lên toàn ngành chè. Xây dựng ứng dụng “Phần mềm tra cứu thuốc Bảo vệ thực vật”. Phần mềm này được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin giúp cho người nông dân, các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả và hợp lý.

Triển vọng hợp tác trong thời gian tới

Bộ NN và PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo ba trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; chủ lực cấp tỉnh; đặc sản lợi thế vùng/miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; phát triển bao trùm; đảm bảo xanh, sạch. Vì vậy, rất cần thiết tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP. Bộ NN và PTNT mong muốn WEF, thông qua Sáng kiến Tăng trưởng châu Á - Grow Asia, tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu của Việt Nam là nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương. 

Cuối cùng, nhằm hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước thuộc mạng lưới Grow Asia. Qua đó tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển nền nông nghiệp xanh và cảnh quan bền vững, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com