“Bước đi ngắn” nguy hiểm là hình ảnh từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII vào tháng 10-2016 để cảnh báo hiện tượng một số cán bộ từ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nguyên nhân của sự sa ngã ấy có một phần quan trọng do mỗi cá nhân thiếu tự giác, thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, nhân cách, danh dự, coi đó như những điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Bài học hạt gạo
Thông tin một số cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến sa ngã, sai phạm được UBKT Trung ương nêu rõ trong thông báo sau mỗi kỳ họp gần đây thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận; trong đó, có cả một số cán bộ cao cấp từng được rèn luyện, trưởng thành, có nhiều cống hiến, chiến công. Những ngày vừa qua, tại hai phiên tòa xét xử liên quan đến một số cán bộ quân đội, công an, trong phát biểu của một số bị cáo cho thấy sự ăn năn, hối tiếc khi con đường dẫn đến những hậu quả khôn lường bắt nguồn từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên và có khi chỉ bắt đầu từ một chút suy nghĩ giản đơn, thiếu nghiêm cẩn với chính bản thân mình. Những sai phạm đó sẽ được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Song bài học trước tiên có thể rút ra là nếu như mỗi người đều tự giác tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì đã không xảy ra hậu quả khôn lường.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đặt ra yêu cầu: Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng trong lao tù đã có bài thơ với những chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc về sự rèn luyện của mỗi con người: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan, rèn luyện mới thành công.
Nhìn ở góc độ xây dựng Đảng, những câu thơ trên chính là triết lý rèn luyện tu dưỡng đạo đức suốt đời của người cách mạng. Chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc chiến đấu suốt đời như thuốc đắng giã tật, vượt lên những đớn đau, thử thách. Gạo đem vào giã bao đau đớn chính là tự rèn mình, trau mình, chống những thói hư tật xấu trong chính bản thân mình, để trau dồi đạo đức cách mạng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Từ vấp ngã đến trượt dài
Với một số trường hợp cán bộ suy thoái và vi phạm gần đây, nguyên nhân xét cho cùng là do mỗi người thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên dẫn đến tự biến chất chứ không phải do thế lực nào lôi kéo. Có trường hợp cá biệt như Trịnh Xuân Thanh, khi đã suy thoái nghiêm trọng thì tự rời bỏ hàng ngũ, làm đơn xin ra khỏi Đảng, sau đó chạy ra nước ngoài để trốn tội và còn để các đối tượng xấu có thông tin, tài liệu xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên internet.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh khi bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đúng vậy, từ suy thoái tư tưởng chính trị sẽ dẫn tới cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Và khi đã có quyền lực trong tay, một số cán bộ có thể dẫn dắt hình thành những lợi ích nhóm để tham ô, nhũng nhiễu. Khi đồng tiền được đặt lên trên lý tưởng cách mạng, họ có thể chệch hướng, phản bội như nhiều lãnh đạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Đó là những ví dụ cho thấy tác hại khôn lường của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong một số vụ án gần đây, có những cán bộ từng lập nhiều chiến công, kinh qua rèn luyện thử thách, từng là tấm gương cho cấp dưới, nhưng khi ở vị trí có quyền lực cao lại không giữ được mình, bị lôi kéo bởi sự cám dỗ của những thế lực xấu để rồi trượt dài trên con đường sai phạm. Có những trường hợp vi phạm khiến dư luận, đồng chí, đồng đội giật mình, ngỡ ngàng đến khó tin khi “đạn bọc đường” lại có thể làm gục ngã những con người từng vững vàng trong bao sóng gió.
Chúng ta thêm thấm thía câu chuyện của một số người vấp ngã, trong đó có cả người từng được phong tặng danh hiệu cao quý. Thế nhưng, vì thiếu bản lĩnh và không tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, họ đã vi phạm pháp luật. Sự rèn luyện, tu dưỡng không chỉ dừng ở bản thân mỗi người không vi phạm mà còn bao hàm cả tinh thần trách nhiệm, không buông lỏng quản lý, giữ vững nguyên tắc để cấp dưới không vi phạm, không xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Trong một số vụ án gần đây, có những cán bộ cấp cao từng phải nuối tiếc chỉ vì một chút lơi lỏng, họ đã để cấp dưới vi phạm nghiêm trọng dẫn đến họ “vô phúc đáo tụng đình”. Giá như mỗi người lãnh đạo luôn rèn mình, kiên định những nguyên tắc bất di bất dịch với tinh thần dĩ công vi thượng, coi việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh thì đâu xảy những cái “giá mà” như vậy.
Bài học mà Bác Hồ căn dặn năm xưa từ câu chuyện hạt gạo nghĩ đến con người “gian nan rèn luyện mới thành công” vẫn còn nguyên giá trị. Song rèn luyện để đi đến thành công vẫn chưa đủ, phải rèn luyện, tu dưỡng tự giác thường xuyên không một phút lơi lỏng, đừng để “ngã mà không biết” như Bác từng căn dặn bộ đội, công an sau chiến tranh, trước giờ phút về tiếp quản Thủ đô. Người còn chỉ rõ: “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”.
Rèn luyện, giữ mình - việc cần làm suốt cả cuộc đời
Thực tế cho thấy, với mỗi cán bộ, đảng viên, dù trưởng thành bao nhiêu, dù ở cương vị cao bao nhiêu thì vẫn phải rèn luyện, giữ mình nghiêm túc bấy nhiêu. Và sự rèn luyện, giáo dục không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy mỗi cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của mỗi gia đình; trong đó, phải đặt lên hàng đầu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy, tổ chức Đảng. Nếu như mỗi tổ chức, trực tiếp là người đứng đầu đề cao trách nhiệm, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, không buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát thì cán bộ, đảng viên rất khó vi phạm và trượt dài trên vũng bùn sai phạm, đến mức từ suy thoái chuyển thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Những câu chuyện ấy giúp chúng ta thêm rút ra những bài học đắt giá để quán triệt và thực hiện thật tốt những nội dung giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra. Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện trên do cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến...
Nhanh chóng khắc phục những “lỗ hổng” trên là trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp và cả hệ thống chính trị. Còn với mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên thì phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời. Nhận biết rõ những ranh giới, lằn ranh… của pháp luật, kỷ luật và lương tâm, đạo đức thì sẽ không để xảy ra những vấp ngã, không phải ân hận thốt lên “giá mà” một cách chua xót, muộn màng! Cùng với đó phải kể đến trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi tổ chức và toàn xã hội phải quản lý, giáo dục chặt chẽ những thành viên trong gia đình mình, tổ chức mình. Không để mỗi cá nhân xa rời ngôi nhà chung của mình cũng là cách tốt nhất để họ không dẫn đến những sai phạm đáng tiếc./.
Theo qdnd.vn