Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ trật tự xã hội và cuộc sống người dân

06:08, 03/08/2018

Từ rất nhiều sự kiện nghiêm trọng liên quan đến an ninh mạng đã xảy ra, từ nhiều số liệu đáng quan ngại về vấn đề này đã công bố,... chính quyền các quốc gia ngày càng nhận thức và chú trọng đầy đủ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ an ninh mạng.

Trong bối cảnh đó, việc một số ý kiến trong nước và nước ngoài phản đối Luật An ninh mạng của Việt Nam chính là hành động thiếu thiện chí, vô trách nhiệm với xã hội và con người. Vì ý muốn hẹp hòi (thậm chí đen tối), họ đã và đang cố tình cản trở sự phát triển an toàn, lành mạnh của Việt Nam.

Ngày 1-4-2015, trước các cuộc tiến công mạng ngày càng gây tổn hại cho nước Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó là Ba-rắc Ô-ba-ma đã ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia với các hoạt động tiến công mạng, có thời hạn đến ngày 1-4-2018. Sau 3 năm, khi tiến công mạng tiếp tục là một mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế nước Mỹ (như tháng 2-2018, đại diện Chính phủ Mỹ công bố báo cáo thống kê thiệt hại do tiến công mạng tại Mỹ vào năm 2016 lên đến khoảng 57-109 tỷ USD), ngày 27-3-2018, Tổng thống Ðô-nan Trăm đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia với hoạt động tiến công mạng đến sau ngày 1-4-2018. Và mới đây, một bài báo trên news.zing.vn cho biết, theo The Verge, ngày 17-7-2018, Quốc hội Mỹ đã có kết luận buộc Facebook phải mạnh tay hơn nữa, thậm chí xóa các trang vi phạm pháp luật; Quốc hội Mỹ cũng chỉ rõ một số trang thu hút nhiều lượt xem chuyên đưa thông tin giả, thuyết âm mưu không được kiểm chứng như Infowars, Milkshakes,… có thể kích động bạo lực; các nhà lập pháp Mỹ cũng gây áp lực buộc Facebook phải xóa nhiều trang khác, hầu hết đều liên quan quan điểm chính trị ở Mỹ…

Tại châu Á, ngày 20-7-2018, đại diện Chính phủ Xinh-ga-po cho biết, hệ thống dữ liệu của SingHealth - tổ chức bảo hiểm y tế lớn nhất nước này, bị tin tặc tiến công. Cụ thể, từ tháng 5-2015 tới tháng 7-2018, tin tặc tiếp cận, đánh cắp dữ liệu cá nhân thuộc về 1,5 triệu người dùng của SingHealth, gồm địa chỉ, số nhận dạng bệnh nhân đã tới các phòng khám, bệnh viện; đặc biệt, thông tin đơn thuốc của 160 nghìn bệnh nhân cũng bị đánh cắp. Ðiều đáng nói, Xinh-ga-po luôn được đánh giá là một trong các quốc gia đứng đầu thế giới về bảo vệ an ninh mạng. Theo đại diện Chính phủ Xinh-ga-po, đây là một cuộc tiến công mạng có chủ ý, ảnh hưởng hơn 25% dân số Xinh-ga-po, hướng đến mục tiêu cụ thể, không phải công việc của tin tặc hoặc băng nhóm tội phạm thông thường mà đã được lên kế hoạch hoàn hảo.

Ở một phương diện khác, ngày 25-7-2018, Facebook ra thông báo đã xóa bỏ 196 trang, 87 tài khoản cá nhân dựa trên nền tảng của mạng xã hội này ở Bra-xin. Ðây là các trang, tài khoản được một nhóm chính trị cánh hữu sử dụng để lan truyền tin giả (fake news) trước cuộc bầu cử tổng thống Bra-xin tổ chức vào tháng 10-2018. Ðáng chú ý, các trang bị khóa thuộc một mạng lưới sử dụng các tài khoản giả trên Facebook, chủ nhân của những trang này giấu kín bản chất, nguồn gốc nội dung đăng tải nhằm cố tình tạo ra sự chia rẽ, truyền bá thông tin sai lệch. Hành động kiên quyết của Facebook là kết quả của việc tháng 6-2018, Facebook Google ký một thỏa thuận với Tòa án bầu cử tối cao ở Bra-xin để đấu tranh chống nạn lan truyền, phổ biến tin giả…

Với Việt Nam trong xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, với số người sử dụng cũng như các ứng dụng trong cuộc sống tăng mạnh…, vấn đề an ninh mạng ngày càng trở nên quan trọng. Bên cạnh cơ hội phát triển, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy lớn và khôn lường. Ðáng chú ý, tội phạm mạng, tiến công mạng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ tinh vi, phức tạp vào các hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT và TT, năm 2017, internet Việt Nam bị đe dọa bởi hơn 10 nghìn vụ tiến công mạng, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng. Cũng theo VNCERT, từ đầu năm 2018 đến tháng 5-2018, đã có 4.035 sự cố tiến công mạng vào Việt Nam. Gần đây, VNCERT cho biết, tới cuối tháng 7-2018, Trung tâm này ghi nhận nhiều hình thức tiến công có chủ đích của tin tặc vào hệ thống thông tin thuộc một số ngân hàng và hạ tầng quốc gia quan trọng tại Việt Nam. Ðể tiến hành các cuộc tiến công, tin tặc thực hiện các thủ thuật lừa đảo, kết hợp các biện pháp kỹ thuật cao nhằm qua mặt hệ thống bảo vệ an toàn thông tin để chiếm quyền điều khiển máy tính của người sử dụng, qua đó tiến công các hệ thống máy tính nội bộ chứa thông tin quan trọng. Ngày 26-7-2018, BKAV đã thông báo hệ thống giám sát vi-rút của doanh nghiệp này phát hiện một loại mã độc gián điệp nằm vùng là BrowserSpy. Ðây là loại vi-rút máy tính rất nguy hiểm vì có khả năng theo dõi người dùng, thu thập nội dung tìm kiếm, đọc trộm email và lịch sử truy cập web, lấy cắp thông tin cá nhân, mật khẩu Gmail, Facebook, tài khoản ngân hàng… Theo BKAV, đến nay đã có hơn 560 nghìn máy tính tại Việt Nam bị theo dõi bởi mã độc BrowserSpy, và số lượng đang tiếp tục tăng lên…

Các sự kiện thời sự kể trên cũng đủ cho thấy rõ tiến công mạng đã trở thành dạng tội phạm gây mất an ninh quốc gia, thiệt hại kinh tế và mất an toàn bảo mật cá nhân, trở thành nỗi lo toàn cầu… An ninh mạng của Chính phủ điện tử không chỉ là nguy cơ hay rủi ro, mà trở thành mối đe dọa xuyên biên giới, đã và đang là một vấn nạn mà từ Chính phủ đến cá nhân ở các quốc gia phải đối diện. Và thực tế cũng cho thấy, ngày nay mọi lĩnh vực hoạt động xã hội luôn có thể là đối tượng của tiến công mạng. Tiến công mạng không chỉ nhắm vào kinh tế, quốc phòng, công nghệ, khoa học,… mà các vấn đề về quan điểm chính trị, chế độ xã hội, văn hóa, giáo dục, hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, điều hành hàng không, giao thông,… cũng là đối tượng của tiến công mạng. Ðiều này đòi hỏi để bảo vệ an ninh quốc gia, chính quyền các nước phải xây dựng, ban hành văn bản pháp luật không chỉ để chống tiến công mạng, mà còn để tổ chức, quản lý, điều hành, xử lý hoạt động liên quan đến internet, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của xã hội, bảo vệ công dân. Ðó là cơ sở lý giải vì sao văn bản pháp luật về an ninh mạng là một hệ thống liên quan mọi lĩnh vực hoạt động xã hội và con người khi sử dụng internet, như Ðiều 1 Luật An ninh mạng của Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019) xác định phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”; và khái niệm an ninh mạng được giải thích cụ thể tại Ðiều 2: “là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trên thực tế, việc Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng được đông đảo chuyên gia và cộng đồng sử dụng internet đánh giá là động thái cần thiết giúp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong không gian mạng cũng như bảo đảm an toàn cho người dùng trước những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng hiện nay…

Tuy nhiên, vì biết rằng khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, các hoạt động thiếu trong sáng, xấu xa của mình có nguy cơ sẽ phải đối diện với pháp luật trực tiếp hơn nên các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã lớn tiếng phản đối bất chấp các lợi ích trong lĩnh vực hoạt động xã hội, con người mà Luật An ninh mạng đề cập. Các cá nhân, tổ chức này chỉ chú tâm vào một điều luật liên quan hoạt động của họ để tiến hành chiến dịch phủ nhận, vu cáo, xuyên tạc. (Ðáng tiếc là, một số chính phủ, tổ chức quốc tế cũng hùa theo họ, cố tình gây sức ép). Chẳng hạn, nêu ý kiến trên RFI ngày 12-6-2018, một người được gọi là “nhân sĩ, trí thức” đã bày tỏ điều “lo ngại nhất” là Luật An ninh mạng “đánh tráo khái niệm… để bịt miệng người dân… không làm lợi cho quốc gia cái gì, mà lại làm lạc hướng đi…”. Nói như vậy, chứng tỏ vị “nhân sĩ” này không hề quan tâm các nội dung quan trọng khác của Luật An ninh mạng, bỏ qua vấn đề khi Luật có hiệu lực thì kinh tế, văn hóa,… của đất nước được bảo vệ như thế nào. Ðồng thời, chính ông ta đã đánh tráo khái niệm, sử dụng xảo thuật biến bộ phận thành toàn thể, để từ một điều luật trong Luật An ninh mạng không đáp ứng ý muốn của ông ta mà phủ nhận toàn bộ văn bản Luật. Theo lối tiếp cận phiến diện của người này thì Việt Nam không cần bảo vệ an ninh mạng, kẻ xấu tha hồ tiến công vào hệ thống hạ tầng cơ sở của đất nước, tiến công ngân hàng ăn cắp tiền bạc, làm rối loạn sự điều hành của chính quyền điện tử, kích động bạo lực, buôn bán hàng giả, cổ súy chủ nghĩa khủng bố, gây tai nạn hàng không. Mọi cá nhân sử dụng Internet tại Việt Nam vì thế phải chấp nhận việc luôn đứng trước nguy cơ bị kẻ xấu lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt email, Facebook… Từ xảo thuật của ông ta thì những kẻ đang công khai hoặc ẩn danh, mạo danh để tung tin giả, truyền bá luận điệu sai trái, chống phá đất nước, kích động chống đối, truyền bá sản phẩm phản văn hóa đầu độc thế hệ trẻ, tiến công vào nền tảng văn hóa dân tộc,… có thể tự tung tự tác trên internet mà không bị trừng trị. Ðáng tiếc, những dạng luận điệu như vậy lại làm lạc hướng suy nghĩ của một số người, để hùa theo lên tiếng phản đối, phê phán. Dù rằng nhiều người trước đó chưa hề tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng về Luật An ninh mạng để nhận thức rằng luật này là một trong các công cụ pháp luật trực tiếp bảo vệ xã hội họ đang sống, bảo vệ chính họ và người thân.

Xã hội văn minh là xã hội ở đó mọi công dân đều có tinh thần và ý thức thượng tôn pháp luật. Muốn đất nước ổn định và phát triển, cùng với nỗ lực của chính quyền, của mọi công dân, ngành nghề và đoàn thể, thì ý thức tuân thủ pháp luật phải là một trong các yếu tố giữ vai trò chi phối, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản quyết định sự phát triển an toàn, lành mạnh của xã hội. Nếu cố tình đi ngược lại hoặc phá hoại các nguyên tắc đó là vô trách nhiệm đối với xã hội, con người. Ðồng thời, phải khẳng định Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, không chính phủ nước nào, không tổ chức, cá nhân nào có thể tự cho mình quyền can thiệp vào chủ quyền bất di bất dịch đó. Cho nên, những ai đang cố gắng tìm mọi cách vu khống, bịa đặt hay xuyên tạc kêu gọi “bất tuân Luật An ninh mạng” nên dừng lại, đừng tự biến mình thành đối tượng bị pháp luật xử lý./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com