Phát biểu của đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại Lễ kỷ niệm

07:06, 11/06/2018

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh;

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý; Thưa toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, tôi vui mừng, phấn khởi về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc gắn với việc tuyên dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước hết, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí những lời chúc tốt đẹp nhất.

Kính thưa các vị đại biểu! Thưa các đồng chí!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các phong trào thi đua yêu nước. Người không chỉ khởi xướng, phát động mà còn là tấm gương mẫu mực trong quá trình triển khai, thực hiện các phong trào thi đua. Người dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; “Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”; “Người người thi đua; ngành ngành thi đua”; “Người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác”; “Thi đua chính là để lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi cho làng, cho nước”... Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta ôn lại những lời dạy của Người về thi đua ái quốc; điểm lại những công việc mà chúng ta đã làm được trong thời gian qua, biểu dương, tuyên dương những tập thể và cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; góp phần làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

Kính thưa các vị đại biểu! Thưa các đồng chí!

Như các đồng chí đã biết: Ngày 11-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là thời điểm lịch sử, đánh dấu kỷ niệm 1.000 ngày quốc dân, đồng bào toàn dân, toàn diện kháng chiến. Sau thời điểm lịch sử đó, dưới sự hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những kỳ tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng; Từ đó, thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ở cấp nào, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đều xuất hiện những cách làm hay, cách làm sáng tạo, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Chỉ tính riêng những năm gần đây; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp, các ngành đã phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực đã mang lại hiệu quả cao như diễn văn kỷ niệm đã nêu.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào thi đua, yêu nước đã thực sự trở thành động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh như: Đến nay, toàn tỉnh có 200/209 xã, thị trấn và 5 huyện đạt chuẩn NTM, là tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng NTM; Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2017 đạt trên 2,2 tỷ đô la, là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm; ngành GD và ĐT 22 năm liên tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua các phong trào thi đua; nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” đã xuất hiện. Do vậy, chúng ta ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của nhiều người dân trong việc tự nguyện hiến, góp hàng nghìn héc-ta đất, tự nguyện tháo dỡ công trình, góp công, góp của để làm đường giao thông và xây dựng các công trình NTM. Chúng ta biểu dương tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hải Hậu đã đi đầu phong trào xây dựng NTM; Sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong quá trình thi đua dạy tốt, học tốt; Thành tích nổi bật của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an tỉnh) trong quá trình điều tra, triệt phá các ổ nhóm, đường dây ma túy... Những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu đó, cùng với rất nhiều các gương “người tốt, việc tốt” khác chính là “những bông hoa đẹp” trong vườn hoa “nghìn việc tốt”, đã góp phần làm cho bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến, anh hùng của đất và người Nam Định được tỏa sáng.

Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình phát động, triển khai các phong trào thi đua, yêu nước; đồng thời nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân được tuyên dương khen thưởng tại hội nghị này. Đề nghị tất cả chúng ta nhiệt liệt chúc mừng.

Kính thưa các vị đại biểu! Thưa các đồng chí!

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh vẫn còn những hạn chế, thiếu sót như trong diễn văn Lễ kỷ niệm đã nêu như: Một số nơi phong trào thi đua yêu nước còn mang tính hình thức; Xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn; Chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất còn hạn chế... Các hạn chế, tồn tại này cần phải được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có những giải pháp hữu hiệu, sớm khắc phục trong thời gian tới.

Từ những bài học kinh nghiệm của 70 năm qua, thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tôi đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tăng cường vai trò và sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với MTTQ và các đoàn thể để đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua thiết thực; hướng công tác thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những việc lớn, việc khó của tỉnh, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, như: Xây dựng NTM; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII; công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu tiêu cực trong thực thi công vụ... Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức và chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Coi trọng và tập trung đề nghị khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp làm việc, lao động, nhất là đội ngũ trí thức, giáo viên, nông dân, công nhân lao động... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm hay, mô hình điển hình tiên tiến; biểu dương những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu để cổ vũ nêu gương và lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua.

Thứ tư, làm tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức công tác thi đua, khen thưởng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu về tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Thứ năm, kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử. Càng học Người, càng biết ơn Người; chúng ta càng cần phải thi đua. Theo đó, người người cần ra sức thi đua, ngành ngành cần nỗ lực thi đua, tạo sự đồng tâm, hiệp lực; nỗ lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, để từng bước xứng đáng là trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Xin chúc phong trào thi đua của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa! Chúc các đồng chí và các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công! Xin trân trọng cảm ơn!



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com