Thông qua ba dự thảo Luật và hai dự thảo Nghị quyết, thảo luận một dự án Luật

07:06, 13/06/2018

Sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự thảo: Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi).

Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng 

Với 86,86% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. 

Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Theo đó, chính sách của Nhà nước về an ninh mạng là ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng và tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng. 

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương 

Với 95,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). 

Luật có 10 chương và 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý Nhà nước về cạnh tranh. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, có ý kiến đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm.

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Tuy nhiên, Luật quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau: Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý nếu được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này. Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11. 

Tố cáo bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp 

Với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi). 

Luật gồm 9 chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. 

Theo đó, về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành. 

Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật). 

Liên quan đến bảo vệ người tố cáo, Luật quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Khi có căn cứ về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. 

Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Chấn chỉnh kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công 

Với 95,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. 

Quốc hội quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002. 

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách Nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng. 

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nghiên cứu, thực hiện các đề xuất được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1024/BC-UBTCNS14 ngày 18-5-2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016. 

Giám sát về phòng cháy, chữa cháy và quản lý sử dụng đất đai tại đô thị 

Với 92,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. 

Nghị quyết nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 đồng thời tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. 

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. 

Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. 

Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề bức xúc, nổi lên từ kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. 

Phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học và sửa đổi các điều về kỹ thuật./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com