Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 6-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiến hành chất vấn Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.
Chất vấn nhiều vấn đề nóng của giáo dục và đào tạo
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho biết việc phân luồng giáo dục nghề nghiệp thời gian qua chưa tốt, còn nhiều giải pháp mang tính xử lý tình huống, thực trạng hơn 200 nghìn người tốt nghiệp đại học không có việc làm đã gây lãng phí lớn cho xã hội.
Giải đáp ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nguyên nhân căn bản của thực trạng này là trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa định hướng rõ giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng còn hạn chế, dẫn đến người học chỉ tập trung vào học kiến thức, nhẹ phần năng lực thực tế, thực hành. Mới đây, Bộ GD và ĐT đã phối hợp tham mưu, tư vấn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 80 về giáo dục phân luồng và định hướng phân luồng cho học sinh giai đoạn 2018-2025. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp, vấn đề quan trọng hàng đầu là chất lượng đào tạo theo chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường lao động phải đặt lên hàng đầu. Bộ vừa ban hành quy chế tạo điều kiện cho một số ngành được đào tạo gắn với thị trường lao động. Mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các nội dung của quá trình đào tạo, nâng cao chuỗi giá trị...
Trả lời câu hỏi chung quanh lộ trình đổi mới căn bản GD và ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc đổi mới không nóng vội mà cần có sự quá độ với bước đi phù hợp. Thí dụ, về đào tạo đại học, Bộ đẩy mạnh giải pháp mang tính đột phá là giao quyền tự chủ cho các trường để tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao nhằm giải quyết những nút thắt về thị trường lao động. Hạn chế dần việc can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản, giúp các trường được tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng trước xã hội.
Về ý kiến đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chung quanh lộ trình triển khai Nghị quyết 88 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Bộ trưởng cho biết, đã chỉ đạo thẩm định xong chương trình từng môn học và cuối tháng 6-2018 sẽ ban hành hệ thống chương trình học mới. Để triển khai hiệu quả, Bộ sẽ bồi dưỡng giáo viên cốt cán, chú trọng giáo viên tiểu học, vì theo kế hoạch từ năm 2019 sẽ thực hiện chương trình sách giáo khoa mới với lớp 1, tập trung xây dựng phương thức tổ chức hoạt động giáo dục, theo hướng lấy học trò làm trọng tâm, ứng dụng các phương thức tiến bộ để tăng tính chủ động của giáo viên, học sinh, khắc phục tính bị động, tăng kỹ năng cho học sinh.
Phát biểu ý kiến giải trình trước QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để giải quyết tốt tình trạng thất nghiệp, cần đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ THCS; nâng cao chất lượng đại học, bằng cách đẩy mạnh tự chủ đại học. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác phân tích tuyển sinh để có định hướng ngành nghề cho người học. Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc đổi mới hệ thống, khung trình độ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định, đánh giá và thi cử, cơ sở vật chất, quản lý Nhà nước, quản trị các trường, các cơ sở giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục, đào tạo liên thông để mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng tham gia làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng hợp đồng với giáo viên với số lượng rất lớn để làm công tác chuyên môn và có những đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng hợp đồng. Các nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Những nơi nào thiếu giáo viên thì cần tuyển thêm để đáp ứng yêu cầu, cân đối trong số biên chế đã được giao. Đối với những trường hợp tuyển dụng viên chức thừa so với được giao thì giao các địa phương rà soát và bố trí giải quyết công việc cho những giáo viên này trước, sau đó, nếu trường hợp không đáp ứng được thì thực hiện tinh giản biên chế.
Nhiều đại biểu phản ánh, thời gian qua, trong khi phần lớn các thầy giáo, cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo, thì cũng xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc, phát huy dân chủ trường học, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường... Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các cơ sở GD và ĐT phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức...
Về giải pháp dẹp nạn bạo hành trẻ em mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả nước có 15 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, với 337 nghìn giáo viên mầm non. Bộ đã có nhiều chỉ đạo kiên quyết, yêu cầu những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất phải bị đưa ra khỏi ngành. Các cơ sở để xảy ra bạo hành trẻ em phải bị đình chỉ, đóng cửa.
Quyết tâm vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế bền vững
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu QH.
Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày Báo cáo của Chính phủ cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt hơn 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Nông nghiệp được mùa, giá bán tăng, nông dân có lãi, đời sống được cải thiện; riêng sản lượng lúa đông xuân phía nam ước đạt 13,3 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn; sản lượng thủy sản tăng 6,7%. Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,7%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đạt hơn 6,7 triệu lượt, tăng 27,6%. Trong 5 tháng, có hơn 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tạo việc làm cho hơn 640 nghìn lao động, trong đó đưa 48 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.
Báo cáo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày cũng giải trình thêm về 4 nhóm vấn đề đại biểu QH và cử tri quan tâm. Về vấn đề đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách về đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tăng cường quản lý và hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai... Về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phổ thông, quản lý giáo dục mầm non và đạo đức, lối sống trong nhà trường, Chính phủ sẽ quyết liệt sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Trình QH cho ý kiến các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tự chủ tài chính, có lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ chi phí đối với dịch vụ giáo dục, y tế, gắn với giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường... Về thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng dạy nghề, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm liên thông, minh bạch, gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH chung quanh những vấn đề khắc phục khó khăn, thách thức để phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.
Nhiều đại biểu QH chất vấn Phó Thủ tướng về hiệu quả của liên kết vùng chưa hiệu quả và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới. Về nội dung này, Phó Thủ tướng cho biết, cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng theo hướng không chỉ phát huy tiềm năng lợi thế từng tỉnh mà cần phát huy lợi thế so sánh từng tỉnh trong tương quan cả vùng. Muốn vậy, trước hết phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, phải huy động hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn vùng, ưu tiên lĩnh vực có tính kết nối và lan tỏa, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị của vùng. Việc này chỉ doanh nghiệp mới làm được.
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho biết qua kiểm toán phát hiện có nhiều vi phạm trong đầu tư công, kiến nghị thu hàng nghìn tỷ đồng. Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong các dự án đầu tư công có nhiều dự án thực hiện tốt nhưng không ít dự án yếu kém, sai sót, sai phạm. Khi lập dự án thì chi phí đầu vào khiêm tốn, nhanh nhưng thi công kéo dài, có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư cao gấp 36 lần. Trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, trong đầu tư công. Chính phủ mong muốn sửa đổi Luật Đầu tư công trình QH dự kiến kỳ họp cuối năm nay, sẽ sửa một số nghị định liên quan Luật này và đã trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong tháng 6. Về những sai phạm, thất thoát trong những dự án tại nhiều nơi, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Khi kiểm toán không chỉ xử lý tài chính mà có những vụ, trường hợp nếu thấy cần thiết sẽ chuyển qua cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Đề cập việc Chính phủ ba lần “lỡ hẹn” cải cách tiền lương, đến nay Trung ương đã có Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bày tỏ còn băn khoăn về việc không đủ nguồn lực để thực hiện. Chung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Vừa qua, dư luận phấn khởi khi Trung ương ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương, nhưng tăng thế nào, nguồn đâu để tăng lương, tăng lương liệu có ảnh hưởng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay không cần được xem xét thấu đáo. Chính phủ có tính toán cân nhắc trình lộ trình các giải pháp thực hiện để Trung ương thảo luận và quyết định. Theo Phó Thủ tướng, biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Hơn nữa thực hiện giải pháp tài chính theo hướng chú trọng tăng thu, chống thất thu, tiết kiệm chi tiêu, dành tỷ lệ tăng thu để cải cách tiền lương... Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cho biết quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang rất cao? Phó Thủ tướng trả lời: Về tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, “đụng chạm” đến hàng chục triệu người. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm nhưng có lộ trình chặt chẽ, không gây “sốc” cho thị trường lao động, cần xem xét tổng thể nhiều yếu tố.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu nêu thực trạng công tác quy hoạch, chính sách thu hồi, hỗ trợ tái định cư tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập, dẫn tới việc tỷ lệ khiếu kiện liên quan đất đai rất cao, đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên. Về nội dung này, Phó Thủ tướng cho biết: Hiện nay, tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, trong đó khoảng 70% số vụ khiếu kiện khiếu nại liên quan đất đai. Trước đây, theo thống kê tồn đọng hơn 500 vụ khiếu kiện kéo dài. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp và chỉ đạo nhiều tỉnh xảy ra nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, và giao Bộ TN và MT thống kê, báo cáo và lộ trình giải quyết dứt điểm. Theo đó công tác tiếp dân cần được thực hiện tốt hơn. “Vừa qua có nhiều vụ việc phần lớn Chủ tịch UBND các cấp thường giao các Phó Chủ tịch tiếp dân, cho nên nhiều vấn đề không giải quyết được tại gốc, nên Thủ tướng chỉ đạo và tới đây sẽ có kết quả báo cáo đại biểu QH”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phát biểu ý kiến kết luận kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH nêu rõ: Sau 3 ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, QH đã hoàn thành các nội dung của phiên chất vấn và trả lời tại kỳ họp thứ năm. Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước về cách thức chất vấn “hỏi ngắn - đáp gọn” tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được đại biểu QH và cử tri đồng tình đánh giá cao. Có hơn 250 lượt đại biểu QH chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết các nội dung câu hỏi đặt ra. Mặc dù QH dành 3 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu QH đặt câu hỏi mà chưa đủ thời gian, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên, một số nội dung đã được QH chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến chậm chưa đạt yêu cầu. Do vậy thời gian tới cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ dự thảo nội dung nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ năm để trình QH xem xét thông qua tại cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát, triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các cấp, bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu QH, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém...
Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát thực hiện pháp luật về bạo hành trẻ em
Sáng 7-6, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2019.
Căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH chủ trì về nội dung).
Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì về nội dung). Thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc của QH chủ trì về nội dung). Thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH chủ trì về nội dung).
Để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018.
Theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), dân tộc thiểu số nước ta với hơn 13,6 triệu người (chiếm trên 14% dân số cả nước), trong đó có khoảng 10 triệu đồng bào sinh sống ở biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng hiện nay, đây vẫn là nơi khó khăn, lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước, nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao...
Đại biểu Âu Thị Mai chỉ rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra. Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị QH thực hiện giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018” nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót để có những chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng này.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề xuất QH giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2011-2018. Theo đại biểu, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Việc sử dụng các nguồn năng lượng như xăng, dầu, điện, khí đốt tăng mạnh kèm theo quá trình đô thị hóa, nhiều khu chung cư, nhà cao tầng xây dựng; thời tiết biến đổi khó lường, nắng nóng khô hạn... Bên cạnh đó, tình hình cháy nổ có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Trong khi đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC còn nhiều hạn chế, cụ thể công tác quản lý Nhà nước về PCCN có hiện tượng buông lỏng, thiếu chặt chẽ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc; điều kiện về an toàn, PCCN chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, xử lý vi phạm còn hình thức. “Tôi đề nghị QH thực hiện chuyên đề giám sát này năm 2019 nằm rà soát lại quy định pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về PCCC trong thời gian tới”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho biết.
Đề cập đến nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh, đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng.
Đại biểu phân tích, theo số liệu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH), tính đến cuối năm 2017 ở Việt Nam trung bình có 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an cũng cho thấy, khoảng 50% trẻ em phải vào trại giáo dưỡng có tuổi thơ từng sống trong sự hà khắc của bố mẹ. Trong 5 tháng đầu năm 2018 có trên 600 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. Cả nước có hơn 10 cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó cơ quan đầu mối là Bộ LĐ-TB và XH, nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra rất phức tạp. Hậu quả để lại cho các em rất nặng nề cả về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ khi đến tuổi trưởng thành.
“Qua trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi thấy chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tập trung giải quyết vụ việc kịp thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy sẽ không hiệu quả, vì đơn giản những giải pháp này đã triển khai trong thời gian qua, xong hiện tượng này vẫn xảy ra, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề triệt để cần bổ sung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Buổi chiều 7-6, QH thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Chăn nuôi và Luật Công an nhân dân (sửa đổi)./.
Theo chinhphu.vn