Nâng cao chất lượng và tính kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh

07:06, 01/06/2018

Sáng 30-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

QH đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (XDL, PL) năm 2018; nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự án Luật Giáo dục và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình XDL, PL năm 2019, điều chỉnh Chương trình XDL, PL năm 2018. Theo báo cáo, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác XDL, PL được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được QH cho ý kiến.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ, việc lập và triển khai Chương trình XDL, PL vẫn còn những hạn chế: hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên: năm 2017, bổ sung sáu dự án, lùi thời gian trình năm dự án, rút khỏi Chương trình ba dự án, hai dự án được thông qua theo quy trình ba kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình ba dự án, bổ sung 10 dự án... Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều đại biểu QH băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức đối với nhiều dự án còn hình thức...

Tham gia ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu phản ánh những năm qua diễn ra tình trạng “nay xin rút, mai xin lùi” đối với một số dự án luật; nhiều dự án luật chưa sát thực tiễn cuộc sống, nhiều dự án luật mới chỉ đưa ra dự thảo đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, dư luận xã hội. Chung quanh vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng dự án luật còn hạn chế chính là phương thức và đối tượng lấy ý kiến dự án luật còn mang tính hình thức, chưa đầy đủ, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Thời gian tới cần đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác tham mưu XDL, PL.

Một số đại biểu cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Công đoàn. Phân tích sự cần thiết xây dựng luật, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay, cơ cấu người lao động ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực trong Nhà nước đang thay đổi. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng lên rất nhanh, số lượng người lao động ở ngoài khu vực quốc doanh lớn hơn rất nhiều so với người lao động trong khu vực quốc doanh. Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện hành đang nghiêng về người lao động trong khu vực quốc doanh mà chưa tập trung đúng mức vào việc bảo vệ người lao động ngoài quốc doanh.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDĐH. Nội dung sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp năng lực của cơ sở GDĐH và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, quy định trong dự thảo luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở GDĐH, nhất là về công tác tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản.

Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các dự án luật nêu trên. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, thành công lớn nhất của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là việc tách bạch giữa công tác quản lý Nhà nước và quản trị nội bộ. Cụ thể, nếu như trước đây, nhiều nhà trường lúng túng khi muốn mua máy móc, thiết bị hay bổ sung nhân sự bằng nguồn lực tài chính tự chủ đều phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì trong dự án luật mới, vấn đề này đã được giải quyết. Cùng với công tác kiểm tra của Nhà nước, dự án luật mới đã chỉ rõ trách nhiệm giải trình với xã hội về các khoản thu, chi từ nguồn ngân sách tự chủ. Dự án luật quy định rõ ràng, chi tiết hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường - vốn đã xuất hiện trong luật từ năm 2012 nhưng chủ yếu mang tính hình thức. Điển hình thể hiện ở việc thay vì luôn phải “đi hỏi, đi xin”, thì nay các Hội đồng trường được tăng thêm thẩm quyền, trong đó có việc xem xét, bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH theo hướng phù hợp hơn. Dẫn Điều 20 của Luật GDĐH hiện hành, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, quy định về việc xét tiêu chuẩn của người ứng cử chức danh Hiệu trưởng phải có đủ 5 năm làm công tác quản lý ở cấp phòng, khoa trở lên là không cần thiết bởi có thể gây ra lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu có chung quan điểm rằng, sự đổi mới nhất trong những nội dung quan trọng của dự án luật lần này là việc không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm và thay thế bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Một số đại biểu khẳng định, sự thay đổi này sẽ giải quyết vấn đề tư duy sai lầm của nhiều thanh niên về việc đăng ký, thi tuyển vào ngành sư phạm để học... không mất tiền. Đây không những là tư tưởng gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ của một bộ phận người dân, mà còn góp phần làm phức tạp hơn tình trạng thừa giáo viên vốn nhức nhối lâu nay.

* Ngày 31-5, QH nghe Chính phủ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Đầu phiên họp sáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Dự thảo Luật trình QH lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH tại kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo, công khai báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến QH để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm... 

Tiếp theo nội dung này, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật này. 

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com