Trong 2 ngày 9 và 10-5, tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ KH và CN, UBND tỉnh Bình Định và hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về chủ đề “Khoa học để phát triển”.
Hội nghị “Khoa học để phát triển” đã nhận được sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế của UNESCO, Bộ KH và CN Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu về hạt nhân châu Âu (CERN) và Viện Solvay, cũng như sự ủng hộ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Các chuyên đề thảo luận sẽ đề cập tại hội nghị bao gồm: “Tác động về kinh tế và xã hội của khoa học lên xã hội”; “Khoa học phục vụ hoạch định chính sách”; Khoa học và chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững”; “Các mô hình khoa học và phát triển”; “Khoa học, tác nhân thúc đẩy đối thoại”; “Khoa học và cách mạng 4.0”; “Khoa học, lĩnh vực đưa ra những cảnh báo và cung ứng giải pháp”.
Hội nghị này tiếp nối hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” đã diễn ra tại ICISE vào tháng 7-2016, trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII. Tiếp tục các thảo luận diễn ra năm 2016, hội nghị này sẽ thực hiện một bước tiến mới thông qua việc thảo luận về vai trò của khoa học - cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng - đối với sự phát triển bền vững của xã hội.
Mặc dù khoa học nhìn chung được thừa nhận rất hữu ích đối với xã hội nhưng thường các nhà khoa học chưa tham gia đầy đủ vào việc thảo luận và hoạch định các chính sách liên quan tới các vấn đề lớn của xã hội. Để vượt qua điều này, cần phải tạo dựng các mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách. Từ đó xã hội có thể rút ra được những lợi ích từ khoa học, dù đó là những giải pháp cho các vấn đề đặc thù hay những mô hình giúp giải quyết các vấn đề phức tạp.
Cuộc gặp gỡ này là một yếu tố rất quan trọng của tiến trình hội nhập của Việt Nam đã được tiến hành trong cộng đồng khoa học quốc tế, với những lợi ích rõ ràng trong việc tăng cường tầm vóc quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và phát triển bền vững.
Hội nghị đón tiếp khoảng một trăm đại biểu, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, 4 nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel, đại diện các bộ và các đối tác về hợp tác quốc tế./.
Theo dangcongsan.vn