Sáng 23-5, tại Nhà Quốc hội (QH), QH thảo luận tại hội trường về nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày báo cáo của Ủy ban TVQH nêu rõ: Ngay sau kỳ họp thứ tư, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, Thường trực các Ủy ban của QH và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH để chỉnh lý dự thảo luật này; tổ chức một số hội nghị, hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách. Ủy ban TVQH đã nghe các cơ quan báo cáo, thảo luận tập thể, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật tại hai phiên họp; xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số vấn đề lớn của dự án luật...
Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo bổ sung trong dự thảo luật một số ngành, nghề: Dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Ðồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, quy định về nhà đầu tư chiến lược đã được chỉnh lý bổ sung các tiêu chí để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với yêu cầu, mục tiêu phát triển của đặc khu; đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, bổ sung quy định về nghĩa vụ, điều kiện được hưởng ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng đủ điều kiện... Phát biểu ý kiến tại hội trường, các đại biểu: Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội), Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), Võ Ðình Tín (Ðác Nông) và nhiều đại biểu khác đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu QH cũng như ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trình QH tại kỳ họp này. Dự thảo lần này được ban soạn thảo chuẩn bị công phu, chặt chẽ, bảo đảm cả nội dung và hình thức, được bổ sung, sửa đổi những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau một cách nghiêm túc, thận trọng. Mục tiêu đặt ra là việc ban hành luật giúp tạo động lực mới cho sự phát triển, xây dựng niềm tin và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng dự án luật đáp ứng tinh thần cải cách về thể chế nhằm đổi mới và tạo bước đột phá về kinh tế trong những năm tới, bảo đảm tính vượt trội, tính cạnh tranh quốc tế, tuân thủ tinh thần Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Các đại biểu đã nêu nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy các cơ hội thu hút đầu tư, tạo tăng trưởng mới để phát triển kinh tế đất nước. Ðề cập các nội dung liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, theo đại biểu Nguyễn Văn Thắng, khi triển khai ba đặc khu phải dành một nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn. Việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực mang tính quyết định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ðại biểu nêu kinh nghiệm tại nhiều đặc khu trên thế giới đều dành những điều kiện ưu đãi và quy hoạch những vị trí trung tâm dành cho các ngân hàng, các định chế tài chính. Vì vậy, đề xuất đưa lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch xây dựng khu tài chính, ngân hàng cho cả ba đặc khu.
Về tính khả thi của huy động nguồn lực triển khai các dự án, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai và một số đại biểu cho biết, hiện nay, theo ước tính để đầu tư cho ba đặc khu cần khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Bài toán là phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực ấy, Nhà nước sẽ phải đầu tư bao nhiêu, tính khả thi của phương án huy động nguồn lực thực hiện, thời gian thực hiện, mọi khoản chi đều phải nằm trong dự toán. Các quy định của luật phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính khả thi. Ðại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan dịch vụ kinh doanh casino, dịch vụ kinh doanh đặt cược, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử, phù hợp thông lệ quốc tế.
Ủng hộ cần có nhiều chính sách vượt trội cho ba đặc khu, các đại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu định hướng xây dựng ba đặc khu hướng tới trở thành “ba đầu tàu” lưu ý quy định ưu đãi cho nhà đầu tư thuê đất đến 99 năm phải hết sức thận trọng. Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, thu hút nhà đầu tư công nghệ cao chứ không chỉ chú trọng thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casino. Vì vậy, đề nghị quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước.
Cho rằng dự án luật hiện nay còn thiếu các nội dung về luận chứng kinh tế, đánh giá lợi ích, chi phí tại từng đặc khu, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị đối với từng địa bàn, cần có các số liệu về số thu ngân sách hằng năm, hiện nay, số thu dự kiến trong thời gian tới, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ dự kiến cần có từ ngân sách Trung ương, tỉnh. Nguồn lực ngân sách Nhà nước để lại cho các nhà đầu tư do thực hiện các ưu đãi về tài chính, thuế; làm rõ nguồn lực đầu tư dự kiến từ các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, các nguồn lực khác... Ðại biểu bày tỏ băn khoăn việc có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính trung lập, công bằng của chính sách thuế. Ưu đãi quá lớn lại được áp dụng cho các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển lợi nhuận, chuyển giá gây khó khăn cho quản lý, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị QH thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ năm và trong kỳ họp tới đưa ra nghị quyết ban hành thành lập ba đặc khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới. Buổi sáng, Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình những vấn đề đại biểu QH nêu.
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. Theo quy định tại khoản 3 Ðiều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 5 Ðiều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp Luật Quy hoạch và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Về tên gọi của dự án luật, Tờ trình của Chính phủ đề nghị tên gọi là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Diện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Ðầu tư, Luật Ðầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Ủy ban Kinh tế tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ, thể hiện trực tiếp được các luật cần bổ sung, sửa đổi, dễ theo dõi và phù hợp thông lệ đặt tên của các dự án luật. Tên gọi này cũng loại trừ được khả năng trùng lặp với tên gọi của dự án luật sẽ được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ sáu tới đây với cùng mục tiêu thống nhất với Luật Quy hoạch. Về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Ðối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì cần báo cáo, giải trình với QH.
Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung của dự thảo luật này và dự án Luật Trồng trọt.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV, sáng 24-5, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo; điều kiện thụ lý tố cáo; thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; rút tố cáo; cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo… Các quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Ðảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo, bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.
Các đại biểu đều cho rằng, việc thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH đưa ý kiến là về hình thức tố cáo. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại... vì hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý Nhà nước. Nhiều nội dung tố cáo, phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hay mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, nhiều đại biểu QH đề nghị không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ là văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói.
Loại ý kiến thứ hai lại đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo như luật hiện hành là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Bởi vì, nếu mở rộng hình thức tố cáo có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, việc mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, nhất là tố cáo qua điện thoại là phức tạp, có thể gây quá tải cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Một số đại biểu đồng tình với loại ý kiến thứ hai là tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Theo đại biểu Cúc, quy định như vậy các cơ quan chức năng mới có thể xử lý được. Nếu quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử... có thể dẫn đến tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết và cũng khó xác định trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật. Mở rộng hình thức tố cáo trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi trong thực hiện khi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian gần đây là vẫn quá tải, nhiều tố cáo kéo dài, chưa được giải quyết triệt để.
Tranh luận về hình thức tố cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lại không đồng tình với việc chỉ giữ quy định hai hình thức tố cáo bằng văn bản và lời nói như hiện hành; đồng thời đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử... như dự thảo Luật Tố cáo quy định.
Ðại biểu dẫn ra quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 tại khoản 1, Ðiều 15: cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo, trực tiếp gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. “13 năm rồi, QH đã chấp nhận các hình thức tố cáo này, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn nhiều khó khăn, tại sao lại bỏ các hình thức tố cáo này đi” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ, đồng thời cho rằng “đừng thấy khó cho cơ quan Nhà nước thì không làm”.
Bên cạnh hình thức tố cáo, nhiều đại điểu cho rằng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo hiệu quả công tác giải quyết tố cáo; quy định chặt chẽ, hợp lý quyền lợi, nghĩa vụ của người tố cáo và người giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết tố cáo hiện nay.
Về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ 4 quy định đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo. Như vậy, quy định về đối tượng và lĩnh vực được bảo vệ thu hẹp hơn so với quy định của luật hiện hành. Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm động viên người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu QH, Ủy ban TVQH đề nghị không nên thu hẹp đối tượng bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Ðảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo. Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo hiện hành, đối tượng được bảo vệ tại khoản 1 Ðiều 48 của dự thảo Luật được quy định rõ, chặt chẽ hơn: “Người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo”. Ðối với nội dung bảo vệ, Ủy ban TVQH nhận thấy, các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đều được bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật như đối với mọi công dân khác, nên việc bảo vệ trong quá trình giải quyết tố cáo cần tập trung vào các biện pháp mang tính tức thời, khẩn cấp, có cơ sở cụ thể để tránh việc bảo vệ tràn lan, thiếu căn cứ.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đưa ý kiến để hoàn thiện nhiều nội dung, quy định của dự thảo Luật Tố cáo như: Bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc rút tố cáo; Giảm thời gian giải quyết tố cáo để phù hợp với xu thế cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý Nhà nước hiện nay; Làm rõ vai trò đầu mối, xuyên suốt của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong quá trình bảo vệ người tố cáo; Sửa đổi thẩm quyền giải quyết tố cáo của TAND, Viện KSND, Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp với quy định mới của các luật về tổ chức của các cơ quan này; Không quy định thêm về thời hiệu tố cáo trong luật này mà thực hiện theo các quy định đã có của pháp luật có liên quan về thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật để tránh chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật.
Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)./.
Theo chinhphu.vn