Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở xã, phường, thị trấn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào nền nếp. Qua đó góp phần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, không ngừng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Làng quê xã Xuân Phú (Xuân Trường). |
Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, hằng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC; MTTQ, các đoàn thể, ngành chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan. Các xã, phường, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản thực hiện dân chủ đến người dân. Đồng thời gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua là thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tất cả những vấn đề có liên quan đến người dân đã được các địa phương, ban, ngành công khai bằng nhiều hình thức như qua đài phát thanh, tổ chức họp dân, niêm yết công khai tại trụ sở UBND… Qua đó, nhân dân được biết và tham gia đóng góp vào những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến nhân dân như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán thu chi ngân sách hằng năm; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các loại quỹ theo quy định những quy định về mức thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ của công dân, các khoản huy động nhân dân đóng góp, kết quả bình xét hộ nghèo; công khai danh sách nguồn thanh niên sẵn sàng nhập ngũ, chế độ chính sách xã hội, người có công, các dự án, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị các xã, phường, thị trấn… Qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp trong các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, quốc phòng - an ninh tại địa phương. Điển hình trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, để đảm bảo dân chủ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp xã, thôn để nhân dân trực tiếp nghe, bàn bạc và tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất các phương án thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định mức huy động nhân dân đóng góp, các nguồn lực do nhân dân hiến, tặng… đều được thông báo công khai tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 200/209 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 18,8 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm 2010. Có 4 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Hải Hậu được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã góp phần tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Công tác cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm triển khai ở các địa phương. 100% xã, phường, thị trấn đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, hộ tịch, công chứng, chứng thực... được công khai, giải quyết nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân; 100% xã, phường, thị trấn đã có phòng tiếp dân được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, niêm yết đầy đủ các nội quy, quy trình, quy định, hướng dẫn phục vụ cho việc tiếp công dân được thuận lợi. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ công dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiều chuyển biến; trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn xóm, tổ trưởng tổ dân phố được nâng lên. Từ năm 2017 đến nay, các xã, phường, thị trấn đã tiếp 1.778 lượt người; tiếp nhận 635 đơn thư, 52 vụ việc; đến nay đã cơ bản giải quyết xong các vụ việc theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân cũng được các xã, phường, thị trấn quan tâm thực hiện, nhiều cấp ủy chính quyền đã tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của nhân dân, đồng thời tiếp thu những đóng góp của nhân dân trong việc ban hành chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách cụ thể, tiêu biểu như các huyện Ý Yên, Nam Trực và Thành phố Nam Định đã có nhiều xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân. Cùng với đó, vai trò giám sát của nhân dân được phát huy, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hoà giải ở các xã, phường, thị trấn và khu dân cư đã kịp thời tham gia, phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Ngay từ đầu năm, các đơn vị đã tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp với các quy định và tình hình thực tiễn tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 229/229 Ban thanh tra nhân dân; 209/229 Ban đầu tư giám sát cộng đồng; 3.495 Ban công tác mặt trận; 3.773 tổ hòa giải cơ sở; 2.790/3.690 thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước. Từ đầu năm 2017 đến nay, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong tỉnh đã tổ chức giám sát trên 700 cuộc; các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận giải quyết trên 1.425 vụ việc, chủ yếu trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai và mâu thuẫn nhỏ; tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 85%. Thông qua hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng và hòa giải ở cơ sở, những kiến nghị, đóng góp của nhân dân với chính quyền địa phương đã được Ủy ban MTTQ các địa phương tiếp nhận và gửi đến chính quyền cùng cấp xem xét, giải quyết… Mặc dù vậy, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức; công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số địa phương, đơn vị chưa được thường xuyên, sâu rộng. Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở một số xã, phường, thị trấn chưa tích cực tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Một số thành viên trong Ban chỉ đạo hoạt động thiếu chủ động, chưa sâu sát với nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hiệu quả chưa cao, nhiều nơi còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp; Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở. Tăng cường thanh tra, giám sát tại cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, các công trình xây dựng NTM có sự đóng góp của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC Trung ương xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ để các đơn vị cơ sở đánh giá, xếp loại chính xác và thống nhất; chỉ đạo thống nhất bằng văn bản việc cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng