Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 23-3-1973 - 23-3-2018) giữa Việt Nam và I-ta-li-a, phóng viên TTXVN tại Rô-ma đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại I-ta-li-a Cao Chính Thiện về quan hệ giữa hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - I-ta-li-a khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ đánh giá những thành tựu nổi bật giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013?
Quan hệ Việt Nam và I-ta-li-a đang trải qua thời kỳ tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Có thể nói, trong 5 năm qua, sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Về chính trị: Hai nước đã tích cực trao đổi các đoàn cấp cao nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau. Trong hai năm liên tiếp 2014 và 2015, Thủ tướng I-ta-li-a Mát-tê-ô Ren-di và Tổng thống I-ta-li-a Séc-giô Mát-ta-rê-la đã đến thăm Việt Nam.
Điều đặc biệt là lãnh đạo I-ta-li-a đã chọn nước ta làm điểm đến đầu tiên ở châu Á. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao I-ta-li-a khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp I-ta-li-a từ nay cho đến năm 2020.
Việt Nam thể hiện sự coi trọng quan hệ với I-ta-li-a thông qua các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (năm 2014), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (năm 2015), chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (năm 2016). Ngoài ra, nhiều đoàn ở các cấp của hai nước đã có các chuyến thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực chuyên ngành. Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương và quốc tế.
Về kinh tế: Trong 5 năm qua, trao đổi thương mại hai chiều đã tăng trưởng tích cực, chạm mốc gần 5 tỷ USD mỗi năm. Chỉ trong 10 năm, từ vị trí thứ tư, Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn nhất của I-ta-li-a trong khối các nước ASEAN. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp I-ta-li-a ở các lĩnh vực sản xuất khác nhau quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư thành công điển hình của I-ta-li-a tại Việt Nam như Piaggio, Bonfiglioli, Ariston… sẽ mở đường cho các doanh nghiệp I-ta-li-a khác đến Việt Nam.
Về văn hoá xã hội và giao lưu nhân dân: Hợp tác văn hoá, du lịch, khoa học, giáo dục đã được mở rộng. Các trường đại học nổi tiếng của I-ta-li-a đều định kỳ sang Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giáo dục với các đối tác, thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam sang I-ta-li-a học tập. Nhiều sự kiện quảng bá văn hoá hai nước được tổ chức ở cả Việt Nam và I-ta-li-a khiến người dân I-ta-li-a ngày càng biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Năm 2017, lần đầu tiên số lượng du khách I-ta-li-a đến Việt Nam đạt mức 50 nghìn lượt người và trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Cộng đồng người Việt tại I-ta-li-a, với sự giúp đỡ tận tình, vô tư và tâm huyết của những người bạn I-ta-li-a, cũng rất tích cực gìn giữ và quảng bá văn hoá Việt Nam, góp phần đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Về hợp tác giữa các địa phương: Bên cạnh các hiệp định hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành; các vùng, tỉnh, thành phố của Việt Nam và I-ta-li-a cũng đã và đang triển khai những thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực. Vùng Ê-mi-li-a Rô-ma-nơ và tỉnh Bình Dương đã ký thỏa thuận hợp tác vào ngày 16-10-2013 tại Bình Dương nhân chuyến công tác của bà Pan-ma Cốt-ti, Chủ tịch Ủy ban lập pháp vùng Ê-mi-li-a Rô-ma-nơ.
Ngày 11-9-2015, Văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ê-mi-li-a Rô-ma-nơ tại Bình Dương đã được thành lập. Thành phố Tu-rin và Thành phố Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác kết nghĩa vào ngày 8-9-2015 tại Tu-rin nhân chuyến công tác của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân. Và sắp tới là thỏa thuận hợp tác giữa vùng Vê-nê-tô và Bà Rịa - Vũng Tàu trong lĩnh vực du lịch; thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Ca-ra-ra và Yên Bái trong lĩnh vực khai thác đá.
Thưa Đại sứ, hai nước đã có các kế hoạch hành động để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018. Xin Đại sứ cho biết thêm về những kế hoạch này, nhất là các chương trình, sự kiện của Việt Nam ở nước sở tại?
Trong năm nay, hai nước sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có một số hoạt động chính do Việt Nam chủ trì tổ chức tại nước sở tại như sau:
+ Các hoạt động chính trị, trao đổi đoàn: Tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiện có như triển khai khoá họp lần thứ 5 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - I-ta-li-a (quý IV-2018 tại I-ta-li-a), trao đổi đoàn các bộ, ngành, địa phương.
+ Các hoạt động xúc tiến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch: Tuần hàng Việt Nam tại I-ta-li-a, đoàn doanh nghiệp I-ta-li-a sang khảo sát thị trường Thành phố Hồ Chí Minh (quý III-2018)…
+ Các hoạt động văn hoá: Tuần Văn hoá Việt Nam tại I-ta-li-a (quý II - III-2018), triển lãm ảnh giới thiệu Việt Nam và Hội thảo du lịch quảng bá Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - I-ta-li-a trong thời gian qua đã tiến triển một cách rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực và tiềm năng hợp tác của hai nước vẫn còn rất lớn. Đại sứ có thể đánh giá triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới. Hai bên cần tăng cường thực hiện các biện pháp gì để quan hệ hai nước được nâng lên một tầm cao mới?
I-ta-li-a là đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới. Chúng ta luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ của hai nước đã có chiều dài 45 năm và có thể đánh giá là đã đạt đến một ngưỡng thành công nhất định. Điều quan trọng hiện nay là cần làm mới để nâng tầm hơn nữa quan hệ hai nước cũng như khai thác hết tiềm năng của mỗi nước.
Một người bạn I-ta-li-a của tôi cho biết ông thích đến Việt Nam vì ông thấy ở Việt Nam hình ảnh của I-ta-li-a mấy mươi năm về trước. Bản thân tôi cũng thấy ở con người Việt Nam và I-ta-li-a có nhiều điểm tương đồng trong tính cách như sự sôi nổi, nhiệt tình và hào sảng. Vì vậy, I-ta-li-a và Việt Nam, hai nước từ hai châu lục khác nhau, tưởng như hoàn toàn mang tính bổ trợ cho nhau, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng và chính sự tương đồng là điều kiện thuận lợi để hai bên thấu hiểu và làm sâu sắc hơn, thắt chặt hơn mối quan hệ hai nước.
Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành, củng cố những cơ chế hợp tác chính trị song phương, những kênh hợp tác kinh tế sẵn có giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, chúng ta cần khai mở những kênh hợp tác mà cả hai bên đều có nhu cầu thúc đẩy như hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hỗ trợ tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp này tại mỗi nước; tiếp tục quảng bá văn hoá, du lịch, tăng cường hợp tác khoa học, giáo dục và giao lưu nhân dân trên cơ sở kết nối sự quan tâm và nhu cầu thực sự của mỗi bên.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã trả lời phỏng vấn TTXVN!
Theo TTXVN