Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam hình thành từ năm 1999, đã phát huy vai trò là cơ chế gắn kết giữa 3 nước láng giềng thân thiết, duy trì môi trường hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khái niệm “Tam giác phát triển”, theo Bộ KH và ĐT, là khu vực được hình thành giữa các vùng tiếp giáp giữa một số nước nhằm tận dụng khả năng khai thác các luồng hàng hoá, lao động và vốn bằng cách sử dụng các nhân tố sản xuất bổ sung lẫn nhau.
Ở khu vực Đông Nam Á, một số tam giác phát triển đã hình thành và đi vào hoạt động, như: Tam giác phát triển In-đô-nê-xi-a - Ma-lai-xi-a - Xinh-ga-po; In-đô-nê-xi-a - Ma-lai-xi-a - Thái Lan; vùng lãnh thổ phát triển Bru-nây - In-đô-nê-xi-a - Ma-lai-xi-a - Phi-líp-pin…
Thủ tướng ba nước Căm-pu-chia, Lào, Việt Nam ký Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLV 9. Ảnh: VGP |
Sự ra đời của Tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt
Ý tưởng về “Tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt” (CLV) được hình thành tại cuộc gặp giữa Thủ tướng 3 nước Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam vào tháng 12-1999 tại Viêng Chăn và tháng 1-2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại cuộc gặp lần thứ 3 ở Xiêm Riệp (Căm-pu-chia, tháng 7-2004), Thủ tướng 3 nước đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước. Đến tháng 11-2004, tại Lào, Tuyên bố Viêng Chăn về việc thiết lập Tam giác phát triển và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước đã được phê chuẩn.
Tam giác phát triển CLV là khu vực ngã ba biên giới của ba nước. Phạm vi bao gồm 13 tỉnh, đó là: Ra-ta-na-ki-ri, Stung-cheng, Môn-đun-ki-ri, Ca-ra-ti-ê (thuộc Căm-pu-chia); Át-ta-pư, Sa-la-van, Sê-công, Chăm-pa-sắc (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam).
Mục tiêu
Mục tiêu phát triển khu vực hướng tới việc khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, các nguồn nội lực của từng tỉnh trong khu vực vào phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hoá.
Cùng với đó là tăng cường liên kết kinh tế trong nội bộ vùng, thông qua các chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng; hợp tác mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; gắn quá trình phát triển của mỗi nước với sự phát triển của từng địa phương trong khu vực Tam giác phát triển biên giới ba nước…
Phát huy ưu thế đầu mối cửa ngõ ra biển của Việt Nam tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn giao lưu kinh tế, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế đẩy mạnh hợp tác phát triển để hỗ trợ lẫn nhau cùng lợi thế bổ sung và phối hợp để có sự phát triển tốt hơn cho khu vực và đảm bảo cho cả khu vực có được sự an ninh và phát triển.
Hội nghị Cấp cao CLV
Trong cơ chế hoạt động, Hội nghị Cấp cao là nơi các quyết định quan trọng nhất về hợp tác phát triển khu vực được Thủ tướng Chính phủ 3 nước đưa ra.
Tính đến nay, đã có 9 Hội nghị Cấp cao CLV được tổ chức (1999 tại Lào; 2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; 2004 tại Căm-pu-chia; 2006 tại Đà Lạt, Việt Nam; 2008 tại Lào; 2010 tại Căm-pu-chia; 2013 tại Lào; 2014 tại Lào; 2016 tại Căm-pu-chia).
Trong khoảng thời gian nói trên, Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam cũng đã 2 lần tổ chức Hội nghị Cấp cao CLV với Nhật Bản (năm 2004 tại Lào; năm 2005 tại Ma-lai-xi-a trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 11). Phía Nhật Bản đã hỗ trợ một số dự án sử dụng vốn ODA trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế và kết nối mạng điện 3 nước trong khu vực Tam giác phát triển.
Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31-3-2018. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức sự kiện lớn này.
Đánh giá chung về hợp tác trong Tam giác phát triển CLV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết thành tựu lớn nhất là Tam giác phát triển đã khẳng định đây là một cơ chế hợp tác rất hiệu quả giữa ba nước láng giềng hữu nghị Căm-pu-chia, Lào và Việt Nam.
Chính sách thông thoáng, đồng nhất đã tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch… giữa các nước trong khu vực CLV phát triển năng động. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt hằng năm 2-3 tỷ USD; thương mại Việt Nam - Căm-pu-chia dao động khoảng trên 3 tỷ USD. Hàng trăm dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào (gần 5 tỷ USD) và Căm-pu-chia (gần 3 tỷ USD, con số năm 2016) cho thấy tính kết nối mạnh mẽ của ba nền kinh tế…
Hợp tác CLV, tạo sự kết nối toàn diện, đưa tới phát triển kinh tế của khu vực Tam giác phát triển và hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân của khu vực.
Chính vì vậy, cơ chế hợp tác này đã khẳng định vai trò quan trọng không chỉ đối với khu vực Tam giác phát triển mà còn với cả sự phát triển chung của Lào - Căm-pu-chia - Việt Nam./.
PV (tổng hợp)