Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từ ngày 2 đến 4-3 tới, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Đây là chuyến thăm của một Chủ tịch nước Việt Nam sau bảy năm, kể từ khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ năm 2011.
Đây cũng là chuyến thăm Nhà nước cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam tới Ấn Độ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi năm 2016.
Chuyến thăm cho thấy lãnh đạo Việt Nam rất coi trọng Ấn Độ và dành sự quan tâm sâu sắc tới việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước đánh giá những kết quả hợp tác trong thời gian qua, xác định phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sâu sắc và thực chất hơn.
Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác và tăng cường sự tin cậy về chính trị; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ quốc phòng, an ninh; mở rộng hợp tác về kinh tế, đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa và khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - công nghệ...
Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên tổng kết Năm hữu nghị 2017 và đưa quan hệ hai nước bước sang năm thứ 46 với một loạt hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ”. Do đó, chuyến thăm sẽ là một cột mốc mới, rất quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Trong những năm qua, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển rất mạnh mẽ, trên cả chiều rộng và chiều sâu. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao.
Trong năm năm qua, có năm chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo Việt Nam tới Ấn Độ, trong đó đáng chú ý là các chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 12-2016, chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tháng 7-2017 và mới đây là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ vào tháng 1-2018.
Về phía Ấn Độ có hai chuyến thăm quan trọng là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pra-náp Mu-kha-gie năm 2014 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mô-đi năm 2016.
Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác giữa hai nước cũng được nhóm họp đều đặn, nhất là Tham khảo Chính trị và Đối thoại Chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại Chiến lược giữa hai Bộ Quốc phòng, góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế cũng như hợp tác rất hiệu quả trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên đã ký kết Chương trình Hành động nhằm triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện nhân dịp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ năm 2017.
Cũng trong năm 2017 vừa qua, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Các hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và chuyến thăm cấp Nhà nước sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Có nhiều lý do để tin tưởng vào triển vọng tươi sáng và khả năng phát triển toàn diện của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.
Thứ nhất, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có một nền tảng vững chắc qua những mối liên hệ từ lịch sử văn hóa và được lãnh đạo hai bên qua các thời kỳ không ngừng củng cố và vun đắp.
Thứ hai, hai nước dành sự tin cậy chính trị cao đối với nhau, có nhiều điểm tương đồng, sự song trùng về lợi ích chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh mới của tình hình thế giới.
Thứ ba, hai nước có rất nhiều tiềm năng, đang là hai nền kinh tế phát triển năng động và nhanh nhất thế giới và đều đang tích cực cải cách mở cửa, tận dụng các cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những lý do trên và những kết quả được các nhà lãnh đạo hai bên thống nhất, thể hiện rõ nét trong các thỏa thuận được ký kết, tôi tin chắc rằng quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ trong những năm tới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam!