Đảng bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh hiện có 38 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 7 chi bộ là các phòng, ban chuyên môn; Cty Phát triển, khai thác hạ tầng; Trung tâm Tư vấn hỗ trợ đầu tư KCN và Công đoàn các KCN tỉnh. Trong những năm qua, Đảng bộ luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh; đồng thời không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững các KCN của tỉnh.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Cty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá). |
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020), tổ chức Đảng cùng với lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch các KCN của tỉnh bảo đảm phân bổ hợp lý theo địa bàn hành chính cũng như các vùng kinh tế của tỉnh. Đến nay, Nam Định có 9 KCN đã được phê duyệt bao gồm: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông, Hồng Tiến, Trung Thành, Mỹ Thuận, Việt Hải, Xuân Kiên. Bước phát triển đột phá trong các KCN tiếp tục được thực hiện từ khi có Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Trần Minh Hoan, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của nghị quyết, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng đan xen những khó khăn, thách thức, đòi hỏi đơn vị phải không ngừng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân theo hướng doanh nghiệp chỉ phải giao dịch với một đầu mối khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, sau hơn một năm thực hiện nghị quyết, công tác hút đầu tư ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn ở trong và ngoài nước đã tìm đến các KCN và địa bàn dân cư của tỉnh tiến hành xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông đang được nỗ lực thực hiện trên tổng diện tích hơn 2.000ha. Đây là dự án lớn, trọng điểm nên được tỉnh quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng. Theo lý giải của chủ đầu tư, ngành Dệt may Việt Nam có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nút thắt thiếu vải đã tồn tại nhiều năm làm giảm đáng kể động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bởi Việt Nam luôn phải nhập khẩu hơn 5 tỷ mét vải, chiếm gần 65% nhu cầu vải của toàn ngành. Để khắc phục tình trạng trên, mục tiêu cần hướng đến trong 10 năm tới là sản xuất đủ vải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điều này có nghĩa là sản lượng vải nội địa cần được nâng từ gần 3 tỷ mét năm 2017 lên thành 18 tỷ mét vào năm 2025. Nam Định là tỉnh có bề dày lịch sử về phát triển ngành dệt, may do đó, việc xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông nhằm góp phần đưa tỉnh nhà sớm trở thành trung tâm dệt, may của miền Bắc như định hướng của Trung ương đã phê duyệt. Trên diện tích hơn 2.000ha, Rạng Đông sẽ được xây dựng thành KCN dệt may xanh, sạch, bền vững và phát triển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2022, các nhà máy ở đây sẽ sản xuất khoảng 1 tỷ mét vải, sử dụng diện tích đất 519,6ha. Giai đoạn 2 từ 2023 đến 2030 nâng sản lượng vải tại Rạng Đông lên 1,5 tỷ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850ha. Giai đoạn 3 từ 2031 đến 2035, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may, thời trang Rạng Đông hiện đại trên diện tích 675ha. Dự án KCN Dệt may Rạng Đông hoàn thành đi vào hoạt động dự kiến tạo ra 150 nghìn việc làm, là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, góp phần tăng GRDP của tỉnh lên trên 3 tỷ USD vào năm 2030. Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I sau gần 10 năm nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý đã được Bộ KH và ĐT cấp phép vào ngày 15-6-2017. Xây dựng tại xã Hải Châu và Hải Ninh (Hải Hậu) trên tổng diện tích đất 242,71ha, dự án do Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) liên doanh với Cty Acwa Power (Ả-rập Xê-út) thực hiện. Nhiệt điện Nam Định I là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay với 2 tổ máy, công suất khoảng 1.109,4 Mê-ga-oát (MW), vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD. Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I khi đưa vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Nam Định, vừa bổ sung nguồn năng lượng cho khu vực đồng bằng sông Hồng và cho cả nước. Theo kế hoạch, khoảng giữa năm 2018, nhà máy chính thức khởi công xây dựng và đến cuối năm 2022 sẽ vận hành thương mại, bán điện ra thị trường. Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nam Định có ý nghĩa quan trọng, kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nguồn thu cho ngân sách, từng bước hình thành diện mạo mới, đánh thức tiềm năng khu vực ven biển, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Cùng với các dự án lớn này, trong năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng nguồn vốn đăng ký là 25,9 triệu USD và 84,7 tỷ đồng; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 29 lượt dự án với số vốn đăng ký tăng thêm là 19,1 tỷ đồng và 52,23 triệu USD. Cả năm 2017, số vốn đăng ký đầu tư đạt 2.154,23 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 16.500 tỷ đồng, tính theo giá so sánh 2010, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 600 triệu USD, bằng 102% kế hoạch năm. Tổng số lao động có việc làm thường xuyên là 37.389 người với thu nhập bình quân đầu người đạt 4,8 triệu đồng/tháng.
Phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Ban Quản lý các KCN tỉnh đang không ngừng khẳng định vị thế của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng, phát triển các KCN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nhằm thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, trong năm 2017 Đảng ủy và lãnh đạo Ban Quản lý các KCN đã tham mưu cho Ban TVTU thực hiện các quy trình để bổ nhiệm mới đồng chí Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN; lãnh đạo chỉ đạo thực hiện bổ nhiệm đồng chí Phó chánh Văn phòng Ban; đồng chí Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ đầu tư KCN. Quy trình bổ nhiệm cán bộ tuân thủ đúng nguyên tắc, đảm bảo đúng quy định. Trong thời gian tới, Đảng bộ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời lấy hiệu quả công việc làm thước đo và phục vụ doanh nghiệp là mục tiêu; tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào các KCN; tăng cường nắm bắt, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về cải cánh hành chính của tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu