Phát biểu của đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp

07:12, 08/12/2017

Kính thưa:

- Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ;
- Chủ tọa kỳ họp;
- Các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp;
- Thưa toàn thể nhân dân!

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; những kết quả đã đạt được trong năm 2017. Đồng thời các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế; tôi xin tiếp thu và làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong kế hoạch năm 2018:

I - MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG NĂM 2017:

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2017, kinh tế - xã hội cả nước cũng như tỉnh ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhưng cũng là năm tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn như dịch sốt xuất huyết ở người bùng phát kéo dài trên diện rộng, bệnh lùn sọc đen trên lúa; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão, lũ, lụt... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh; sự phối hợp của các ban, cơ quan của Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự giám sát, ủng hộ của cử tri và nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển (18/22 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Thu hút vốn FDI trong năm 2017 đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 1.400 triệu USD tăng 23,7% so với năm 2016, cơ cấu dư nợ cho vay tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng phục vụ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh..., cụ thể một số lĩnh vực như sau:

1. Sản xuất công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp:

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,2% so với năm 2016. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đứng thứ hai cả nước, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 16 dự án FDI đầu tư mới và điều chỉnh 8 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 2.200 triệu USD. Cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 49 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 là trên 800 tỷ đồng).

- Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, là đơn vị đầu mối tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đầu tư, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh.

- Tổ chức đánh giá, phân tích các nguyên nhân để đề ra các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính.

- Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), UBND tỉnh đã mời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức gặp mặt, đối thoại, giải đáp, làm rõ những nội dung doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

2. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào 4 huyện: Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ. Năm 2017 đã công nhận thêm 64 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến nay có 176/209 xã, thị trấn (bằng 84,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Nghĩa Hưng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 24-11-2017. Hội đồng thẩm định Trung ương đang thẩm tra để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Trực Ninh, huyện Xuân Trường đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Giao Thuỷ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đã hoàn thành lập Quy hoạch vùng huyện của 9 huyện để phục vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung chỉ đạo, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 4, số 10 và lũ, lụt để ổn định sản xuất và sinh hoạt nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thành lập Hiệp hội nông sản sạch tỉnh với 28 doanh nghiệp tham gia, tạo cơ hội phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ sản phẩm, thiết lập thêm nhiều kênh phân phối ổn định. Một số doanh nghiệp nông nghiệp có thương hiệu trên thị trường như gạo Toản Xuân, rau củ quả VinEco, ngao sạch xuất khẩu..., Công ty Biển Đông mở rộng quy mô sản xuất, dây chuyền giết mổ hiện đại với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

3. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn cả năm ước đạt trên 36 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Các cấp, các ngành đã tập trung cao độ cho công tác GPMB, cơ bản hoàn thành các dự án tỉnh lộ 487, tỉnh lộ 488, triển khai xây dựng các khu đô thị thị trấn trung tâm huyện, khu dân cư tập trung tại các huyện, một số khu đã đấu giá quyền sử dụng đất.

Các công trình trọng điểm được tập trung thực hiện. Đã khởi công Dự án Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cầu Thịnh Long, tỉnh lộ 489C; ngày 23-12-2017 sẽ khởi công xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 2.596 tỷ đồng. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 tại huyện Hải Hậu đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.072,2 triệu USD.

Đang trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định theo hình thức PPP.

4. Hoạt động thương mại, tài chính, ngân hàng tiếp tục có chuyển biến tích cực: Thu ngân sách đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay ước đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Cơ cấu cho vay tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng phục vụ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả: Chế độ chính sách xã hội được giải quyết kịp thời, an sinh xã hội được đảm bảo. Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức trang trọng, thành công Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đoàn vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao, trong đó đạt 7 huy chương vàng, chiếm 12% tổng số huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 ở Ma-lai-xi-a. Câu lạc bộ bóng đá Nam Định thăng hạng, giành quyền thi đấu tại giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League 2018). Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục đạt thành tích, thứ hạng cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, điểm bình quân thi THPT quốc gia các khối A, B, D của tỉnh cao nhất toàn quốc...

6. Quốc phòng, An ninh, Nội vụ:

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành giao nhận quân năm 2017 đảm bảo công khai, công bằng, đúng luật.

- Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chỉ đạo giải quyết. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân cho cán bộ, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan. Đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, có kế hoạch giải quyết các vụ việc tồn đọng, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài.

- Tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh. Hoàn thành công tác tổ chức kỳ thi tuyển công chức của tỉnh đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, đúng luật, với 203 công chức được tuyển đạt chất lượng cao.

Bên cạnh những thành tích đạt được, những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra tại kỳ họp trước đã làm được thì vẫn còn hạn chế, tồn tại như báo cáo đã nêu, trong đó có một số nội dung sau:

- Do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen và lũ, lụt nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản giảm nhiều so với năm 2016.

- Một số dự án trọng điểm chậm tiến độ và vướng mắc nhưng chưa được giải quyết như Dự án Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử văn hoá Trần, Khu công nghiệp Mỹ Trung, Bệnh viện 700 giường, các dự án do Công ty cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư...

- Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhất là giao thông đường sắt, tai nạn giao thông tăng 2 tiêu chí so với năm 2016.

- Cải cách hành chính đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp khi giải quyết công việc chưa tốt. Một số cán bộ, công chức (trong đó có cả công chức lãnh đạo) còn phiền hà, sách nhiễu với người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan như Báo cáo đã nêu cũng như ý kiến thảo luận, tham gia của các vị đại biểu. Với trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin nghiêm túc tiếp thu và sẽ cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.

II - CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018

Dự báo năm 2018, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với chúng ta. Ở trong nước cũng như tỉnh Nam Định, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa về tài chính ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn rất hạn hẹp. Do đó sẽ tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2018 cũng như những năm tiếp theo.

Để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 (là năm bản lề của giai đoạn 2015-2020), cùng với các giải pháp đồng bộ đã nêu trong báo cáo, cần có sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với một số nhiệm vụ chính sau:

1. Công tác quy hoạch:

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, phê duyệt các quy hoạch: Quy hoạch đô thị mới thuộc địa bàn 4 xã huyện Ý Yên; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông gắn với xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Quy hoạch phân khu hai bên đường dẫn cầu Tân Phong, Quy hoạch hai bên đại lộ Thiên Trường...

- Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch còn thiếu, không phù hợp; trong đó có điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nam Định và các quy hoạch phân khu. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch để nâng cao hiệu quả của quy hoạch.

2. Lĩnh vực Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới:

- Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp về đầu tư tại nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ban hành cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị. Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Nâng cao chất lượng việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và dịch bệnh có xu hướng phức tạp.

- Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, có phương án phòng, chống thiên tai trước những diễn biến bất thường của thời tiết và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

- Chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung cao Chương trình xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; phấn đấu năm 2018 có ít nhất thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thu hút, tạo thuận lợi để đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sạch khu vực nông thôn theo hình thức xã hội hoá; đôn đốc tiến độ các dự án đang triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2020 có trên 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư:

- Chỉ đạo thực hiện hiệu quả nghị quyết, kế hoạch, chương trình đã ban hành trong việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là việc giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai cho doanh nghiệp, thông qua đầu mối là Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.

- Khuyến khích xã hội hoá đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo quy hoạch, để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, khẩn trương thực hiện các thủ tục để đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

- Báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xử lý tồn tại, để chuyển giao Khu công nghiệp Mỹ Trung cho nhà đầu tư có năng lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

- Tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính về đầu tư trên địa bàn tỉnh cả về hạ tầng cũng như sản xuất kinh doanh.

4. Đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm:

- Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công tỉnh lộ 489C, cầu Thịnh Long. Tập trung GPMB, thi công dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Chỉ đạo các huyện việc đầu tư xây dựng các khu đô thị trung tâm, khu dân cư tập trung.

- Hoàn thành các thủ tục để khởi công Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hoá Trần, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh; tập trung GPMB, phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để khởi công Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 tại huyện Hải Hậu.

- Triển khai các thủ tục đầu tư Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định theo hình thức PPP theo quy định.

- Đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành xây dựng khách sạn 20 tầng tại Khu đô thị Hoà Vượng để đưa vào khai thác, sử dụng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu đô thị Dệt. Tiếp tục đôn đốc các dự án chậm tiến độ như Khu đô thị mới Thống Nhất, Khu đô thị mới Mỹ Trung... Có giải pháp cụ thể để xử lý những tồn tại của dự án Bệnh viện 700 giường.

5. Tài nguyên và Môi trường:

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện xử lý, khắc phục các sai phạm về quản lý đất đai tại các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 17-7-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các huyện, thành phố. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dân sinh và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng...

- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; có giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Trong đó thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hoà Xá đồng thời đầu tư xây dựng giai đoạn 2; thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hoá đầu tư khu xử lý rác thải trên khu đất tại xã Mỹ Thành với diện tích trên 9ha đã được GPMB, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Từng bước có giải pháp, cơ chế để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn các huyện theo hướng xã hội hoá.

6. Xây dựng thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nam Định; tiếp tục rà soát, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp. Chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư lớn có năng lực về đầu tư trên địa bàn thành phố, trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hạ tầng đô thị...

- Thực hiện các thủ tục, công việc, lập Đề án thành lập các phường Lộc Hoà, Lộc An, Mỹ Xá để trình, duyệt theo quy định.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường trục phía Nam sông Đào, Trường tiểu học chất lượng cao khu đô thị mới Hoà Vượng; khởi công xây dựng khu đô thị phía Nam sông Đào... Có giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập về hạ tầng đô thị như việc ngập khu đô thị Hoà Vượng khi có mưa lớn... Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn Thành phố Nam Định;

- Duy trì, tuyên truyền nâng cao ý thức, nếp sống văn minh đô thị; quan tâm chỉnh trang đô thị bằng nhiều nguồn vốn, đảm bảo thành phố luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

7. Tài chính - Ngân sách: Việc bố trí ngân sách năm 2018 cũng như giai đoạn 2018-2020 theo hướng phục vụ mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính, ngân sách thì các cấp, các ngành phải tăng cường các biện pháp quản lý để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN; phấn đấu thu vượt dự toán NSNN năm 2018. Thắt chặt chi tiêu và quản lý tài sản công, tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2018 tối thiểu bằng mức chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

8. Văn hoá - Xã hội:

- Chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.

- Quan tâm, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá - xã hội, chính sách cho người có công, an sinh xã hội, đảm bảo an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, để người dân hiểu, thực hiện tốt việc mua bảo hiểm y tế đồng thời là điều kiện để chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt hơn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh bằng nguồn bảo hiểm y tế.

- Đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng trường chuẩn ở tất cả các cấp học gắn với xây dựng xã, huyện nông thôn mới. Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, các khoản thu ngoài quy định tại các nhà trường.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới. Triển khai Kế hoạch xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho đoàn vận động viên của tỉnh tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII và Câu lạc bộ bóng đá Nam Định thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League 2018).

9. Công tác Nội vụ, Thanh tra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính:

- Chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

- Khi tiến hành thanh tra các lĩnh vực nếu phát hiện sai phạm, trong kết luận phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và biện pháp xử lý, chuyển cơ quan điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu...Thực hiện nghiêm Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

10. An ninh - Quốc phòng:

Thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, hoàn thành chỉ tiêu giao quân. Tập trung chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo đông người, không để phát sinh điểm nóng. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, nỗ lực kiềm chế, giảm tai nạn giao thông cả ba tiêu chí. Tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá 18, với tinh thần cầu thị UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết 4 lĩnh vực mà đại biểu HĐND kiến nghị, 9 vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn 8 đồng chí thủ trưởng các sở, ngành và các kiến nghị chính đáng của các cử tri, nhân dân theo quy định, thể hiện ở báo cáo số 211/BC-UBND ngày 6-11-2017, báo cáo số 212/BC-UBND ngày 6-11-2017 và báo cáo số 236/BC-UBND ngày 23-11-2017 của UBND tỉnh đã gửi tới các đại biểu. Qua đó có nhiều kiến nghị đã được giải quyết, có kiến nghị đang trong quá trình thực hiện, có kiến nghị cần thời gian thực hiện. Thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục xem xét, giải quyết những kiến nghị tại kỳ họp lần trước chưa giải quyết và những kiến nghị tại kỳ họp lần này, nhất là những kiến nghị chính đáng, liên quan đến quyền lợi người dân.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Những vấn đề tôi trình bày ở trên đã bao hàm một số nội dung mà các đại biểu HĐND và cử tri quan tâm. Mặt khác các đại biểu HĐND tỉnh cũng nhận được báo cáo giải trình của UBND tỉnh và các sở, ngành và nghe trả lời chất vấn trực tiếp của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành. Thay mặt UBND tỉnh tôi xin báo cáo, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu chất vấn, các cử tri quan tâm như sau:

1. Việc ứng phó với bão, lũ, lụt, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp:

Nam Định là tỉnh nông nghiệp, có 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 274km đê sông, 91km đê biển) và 298km đê dưới cấp III, 160km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển. Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh huy động các nguồn lực, đến nay đã xây dựng, nâng cấp được 186km đê sông, 80km đê biển, 68km kè và nhiều công trình thuỷ lợi..., góp phần quan trọng thực hiện công tác phòng chống thiên tai và phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng những công trình này không đáp ứng được trong điều kiện bão to, mưa lớn, biến đổi khí hậu, như đê biển mặc dù đã kiên cố nhưng chỉ chịu được bão cấp 10 không phải lúc triều cường, các trạm bơm phía Bắc tỉnh chỉ bơm được tối đa 167mm lượng mưa trong một ngày.

Trong năm 2016 tâm bão số 1 vào tỉnh Nam Định với gió giật trên cấp 12 thời gian lưu bão kéo dài. Năm 2017 ảnh hưởng của bão số 2, số 4, số 10, lũ, lụt, với lượng mưa bình quân có thời điểm 235mm, có nơi gần 300mm đã làm nhiều đoạn đê kè bị hư hỏng, sập, sạt, nhiều khu vực bị ngập lụt; gây thiệt hại nặng nề trong đó có sản xuất nông nghiệp. Sau 8 năm, năm 2017 bệnh lùn sọc đen tái bùng phát ở diện rộng trên địa bàn tỉnh với hơn 17 nghìn ha bị nhiễm bệnh, làm thiệt hại lớn về năng suất lúa, ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung xử lý, khắc phục kịp thời các vị trí đê, kè xung yếu bị hư hỏng nặng, từng bước đầu tư các công trình đê, kè, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh và tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương đầu tư các công trình đê, kè, thuỷ lợi. Sau khi phát hiện ra bệnh lùn sọc đen, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc chống dịch để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân, tổ chức họp với các địa phương, mời chuyên gia đầu ngành thảo luận về nguyên nhân, biện pháp phòng, chống và chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, để ứng phó với bão, lũ, lụt, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong điều kiện nhu cầu đầu tư các công trình đê điều, thuỷ lợi vượt quá khả năng của ngân sách tỉnh; Trong thời gian tới UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành liên quan tập trung một số nội dung sau:

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp không chủ quan, có kiến thức, chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

- Xác định nguyên nhân, có giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nếu ngoài khả năng về kỹ thuật phải tranh thủ ý kiến, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, chuyên gia đầu ngành.

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng như ứng phó với bão, lũ lụt, nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

- Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh từ khâu chọn giống, thời vụ, cách thức chăm sóc, phòng dịch, với mục tiêu không để dịch bệnh, nếu có không lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

- Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Theo điều kiện nguồn lực, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, kiên cố các công trình đê, kè, thuỷ lợi; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ngân sách Trung ương, vốn ODA để từng bước đầu tư các công trình đê, kè, thuỷ lợi để phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Việc sử dụng đất đai có hiệu quả và xử lý vi phạm về đất đai:

2.1. Việc sử dụng đất của các doanh nghiệp:

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện cần cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở nước ta đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về đất đai đã góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tạo thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định để đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có thủ tục về đất đai. Đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, là cơ sở, điều kiện thu hút đầu tư. Đa số các doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 70 doanh nghiệp, đơn vị có vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng đất không đúng mục đích, còn để hoang hoá hoặc tiến độ triển khai chậm. Về nội dung này, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp. Để sử dụng đất đai có hiệu quả, thời gian tới giao ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, các ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có 70 dự án có vi phạm theo hướng:

- Đối với các dự án thực hiện trước Luật Đất đai năm 2013: Đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện đầu tư xây dựng theo nội dung đã được duyệt, thời gian thực hiện đã hết nhưng chưa hoàn thành hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu gia hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp đơn vị không có khả năng thực hiện, hoặc cố tình không thực hiện, để đất hoang hoá, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

- Đối với các dự án thực hiện từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực: Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đảm bảo theo quy hoạch, đúng mục tiêu, quy mô dự án đã được phê duyệt; kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Trường hợp dự án đã được gia hạn nhưng hết thời gian gia hạn vẫn chưa hoàn thành, để đất hoang hoá, kiên quyết tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi theo quy định của pháp luật.

Giao UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn đảm bảo đủ thủ tục, mục tiêu, quy mô, tiến độ đã được duyệt, xử lý vi phạm (nếu có), đề xuất phương án xử lý với UBND tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện việc sử dụng đất các quy định hiện hành của pháp luật.

2.2. Việc vi phạm trong quản lý đất đai:

Để tăng cường công tác quản lý, từng bước xử lý, từng bước khắc phục hậu quả do vi phạm về đất đai, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17-7-2012, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại; nhiều địa phương để xảy ra những vi phạm mới, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn diễn biến phức tạp. Một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh vi phạm quản lý đất đai ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về nội dung này.

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đề nghị Huyện uỷ các huyện, Thành uỷ Nam Định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17-7-2012 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 2-10-2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện, có nhiều cán bộ, công chức vi phạm bị truy tố, kỷ luật. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác xử lý vi phạm ở một số nơi còn chưa quyết liệt, còn nhiều vụ việc tồn đọng, vướng mắc, cá biệt có nơi còn buông lỏng.

Đây là vấn đề khó, phức tạp; để từng bước tháo gỡ, giải quyết theo quy định và đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân. Trong năm 2018, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thanh tra tỉnh, các ngành liên quan thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị phương án xử lý, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có kế hoạch, phương án giải quyết các vụ việc vi phạm tồn đọng, vướng mắc; tăng cường công tác quản lý đất đai, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh, trước pháp luật nếu để phát sinh vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu (xã, thôn) khi để xảy ra vi phạm về đất đai trên địa bàn.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về chính sách, pháp luật Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ, đồng thuận với việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, hợp tác giải quyết các vi phạm quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.

3. Về tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu các khoản ngoài quy định:

Như chúng ta đã biết, Nam Định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đào tạo trong 23 năm liên tục. Trong những năm qua tỉnh đã tập trung nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, tuy nhiên do nguồn lực còn hạn hẹp nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đồng thời tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục đào tạo không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường quản lý Nhà nước, trong đó có việc dạy thêm, học thêm và các khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên thời gian qua dư luận nhân dân cũng như một số phương tiện thông tin truyền thông phản ánh, trên địa bàn tỉnh còn có tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định và lạm thu các khoản ngoài học phí.

UBND tỉnh xin tiếp thu và nhận thấy nội dung này chưa được giải quyết triệt để, còn gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian tới, giao ngành Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước về giáo dục đào tạo, các khoản đóng góp theo quy định. Hướng dẫn, giám sát các cơ sở giáo dục đào tạo về các khoản thu, trong đó có các khoản thu ngoài học phí theo thoả thuận, đảm bảo mức thu theo quy định, không được lạm thu. Tất cả các khoản thu phải được đưa vào sổ sách kế toán để theo dõi và chi đúng mục đích theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng chất lượng giáo dục trong giờ chính khoá, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về dạy thêm, học thêm. Quy trách nhiệm người đứng đầu, nhất là hiệu trưởng các trường học nếu để tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định và lạm thu các khoản ngoài quy định.

4. Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức trong thực thi công vụ:

Ngoài những mặt tích cực, nền kinh tế thị trường có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã, có thể bị biến chất đạo đức, trong đó có một bộ phận công chức. Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26/CT-CP ngày 5-9-2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 9-9-2016 về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh Nam Định. Kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ bước đầu được chấn chỉnh, có chuyển biến, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên so với yêu cầu đề ra vẫn còn tồn tại; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, dư luận phản ánh còn gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp, chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, làm thước đo mức độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ ở một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo chất lượng, còn đùn đẩy sợ trách nhiệm. Để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; UBND tỉnh giao Thủ trưởng các cơ quan hành chính rà soát, có quy chế làm việc công khai, minh bạch, phân công, phân nhiệm rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức vi phạm; điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức có dư luận gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi, giải quyết công việc, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức công vụ, có kế hoạch luân chuyển vị trí công tác, làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm công chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra việc thực thi công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Nam Định. Từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá lại công chức, cán bộ đơn vị mình, đánh giá lại việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

 Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể nhân dân.

Thay mặt UBND tỉnh, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết của kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XVIII đã đề ra và nghiêm túc tiếp thu, tập trung giải quyết những ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, kiến nghị của cử tri có liên quan đến ngành mình, địa phương mình.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, ngoài sự cố gắng của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, của các cấp chính quyền; UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo thường xuyên của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh; sự phối hợp của các ban, cơ quan của Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự giám sát, ủng hộ của cử tri và nhân dân trong tỉnh để UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2018; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020.

Cuối cùng kính chúc các đồng chí, các vị đại biểu, cùng toàn thể nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com