Điện Biên Phủ trên không - Điểm hẹn lịch sử và tinh thần bất diệt

04:12, 29/12/2017

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hoà bình,“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trải qua 73 năm xây dựng, trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta luôn gắn với những chiến công vang dội và đi vào lịch sử không thể phai mờ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là một trong những dấu son chói lọi, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở một thời điểm có tính bước ngoặt cơ bản trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, một lần nữa ôn lại, tôn vinh, khơi dậy sức mạnh tinh thần to lớn để các thế hệ hôm nay suy ngẫm, thể hiện rõ trách nhiệm đối với các thế hệ cha anh, đối với lịch sử, đối với hiện tại và tương lai đất nước.

Vào những năm cuối của thập kỷ 60 và những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX, thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam thể hiện rõ ưu thế cho thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã có nhiều thay đổi phương kế chiến lược, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ.

Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Tư liệu
Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Tư liệu

Sự thách đố lịch sử ở chiến trường Quảng Trị năm 1971 tưởng như sẽ khôi phục lại vị thế làm chủ chiến trường, nhưng chúng đã thất bại. Sự ngoan cố của kẻ xâm lược, Mỹ vẫn chưa chịu thất bại và muốn cứu vớt trong ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam có lợi thế cho chúng. Mỹ đã đẩy tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh ở Việt Nam đến đỉnh cao nhất lúc bấy giờ, thực hiện chiến dịch tiến công bằng pháo đài bay B52 đánh phá miền Bắc Việt Nam để có hy vọng cuối cùng. Chúng còn huênh hoang về đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá; các phi công B52 dạo mát trên bầu trời Hà Nội”.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo từ trước: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Công tác chuẩn bị đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tiến hành từ sớm về mọi mặt, cả sức người, sức của; cả vật chất và tinh thần; đồng thời sẵn sàng cho cuộc đối đầu lịch sử trên không. Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trở thành “điểm hẹn lịch sử trên không” giữa quân và dân miền Bắc với sức mạnh của không lực Hoa Kỳ lúc đó.

20h18 phút ngày 18-12-1972, chiến dịch tiến công miền Bắc Việt Nam bằng pháo đài bay chiến lược B52 của Mỹ phát hỏa. Những loại vũ khí chiến lược tối tân, hiện đại đã có và được huy động, tập trung vào một thời gian ngắn, không gian hẹp, cho nên tính chất ác liệt của cuộc chiến lên đến đỉnh cao nhất.

Cuộc đối đầu lịch sử này không chỉ về lực, về vũ khí, phương tiện chiến tranh, mà còn là sự thử thách lòng dũng cảm, sự đấu trí, đấu sức sáng tạo giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng; chính nghĩa và phi nghĩa một cách quyết liệt nhất. Nhiều học giả quân sự tư sản, thậm chí cả những nhà chiến lược các nước xã hội chủ nghĩa đều có những nhận định và mong muốn khác nhau. Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý thế giới thót tim ngóng đợi. Còn quân, dân cả nước và đặc biệt là ở miền Bắc càng đánh càng mạnh, càng vững tin, càng thắng lớn.

Với 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 quân và dân miền Bắc đã hạ thủ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B52, đồng thời đã đánh gục ý đồ của Mỹ, mở đường rộng lớn cho ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam ngày 27-1-1973.

Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là đỉnh cao nhất của sự đối đầu quân sự giữa quân Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân với các lực lượng cách mạng ở Việt Nam khi đó. Nó là nấc thang cuối cùng của sự ngoan cố và tội ác, bắt buộc quân Mỹ phải ra khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời tạo ra tiền đề cho giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là chiến thắng của đường lối chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng; chiến thắng của ý chí kiên cường, lòng quả cảm và của trí tuệ sáng tạo (đặc biệt trong cải tiến tên lửa SAM - 2) của con người Việt Nam. Với sức mạnh của lưới lửa phòng không nhiều tầng, dày đặc; với những tên lửa đất đối không vượt qua vùng gây nhiễu tiến sâu vào B52; với những chiếc máy bay tiêm kích phục sẵn và quần đảo trên không, làm cho không lực Hoa Kỳ lạc vào “thiên la, địa võng” của chiến tranh nhân dân Việt Nam và bị thất bại thảm hại. Đó là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sức mạnh tổng hợp trong tạo nên chiến thắng; về vai trò chính trị tinh thần là nhân tố quyết định trong sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Đây còn là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hoà bình, với chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã đi vào lịch sử 45 năm, nhưng nó vẫn đang sống động và còn nguyên giá trị, tinh thần bất diệt trong lịch sử dân tộc cũng như sự ngưỡng mộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải thường xuyên sẵn sàng đối phó với những cuộc chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao thì hơn lúc nào hết phải khơi dậy giá trị, ý nghĩa lịch sử và hiện thời của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Qua đó để tôn vinh đức tính hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí quật cường, trí tuệ sáng tạo của mỗi con người Việt Nam một cách thiết thực.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” và thực hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đối với cách mạng nước ta. Với truyền thống hào hùng, đặc biệt là giá trị bền vững của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 sẽ hun đúc sức mạnh cho cả dân tộc để tiếp tục làm thất bại âm mưu của chúng.

Các thế lực thù địch vẫn ngoan cố, chưa từ bỏ âm mưu xâm lược, cho nên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn phải sẵn sàng đối phó với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Mặc dù không muốn để nó diễn ra, nhưng nếu phải chấp nhận thì các thế hệ con người Việt Nam hiện nay, hoàn toàn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân và sức mạnh từ ý chí, trí tuệ, sức sáng tạo để tiếp tục làm nên những chiến công oanh liệt, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh.

Các thế hệ hôm nay tôn vinh lịch sử, phát huy truyền thống hào hùng và với sức sáng tạo để tiếp tục làm nên những Điện Biên Phủ, không chỉ ở mặt đất, ở trên không, mà còn có thể ở bất kỳ một vùng miền thuộc lãnh thổ Việt Nam./.

TS Nguyễn Văn Thanh - Trần Mạnh Quân,
Học viện Chính trị , Bộ Quốc phòng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com