Trong phiên thảo luận sáng qua 20-11, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Mở đầu phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người lớn nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất của cả nước, nhưng hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển cho thành phố chỉ tương tự như các địa phương khác.
Với cơ chế, chính sách hiện tại không còn phù hợp, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế, sự năng động, chủ động, sáng tạo. Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, Quốc hội đang xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố và cơ chế đặc thù đó phải là “đặc thù của đặc thù”.
Theo đại biểu này, Dự thảo Nghị quyết đề ra 5 nội dung để thành phố thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. Trong các chính sách đặc thù có vấn đề để giải quyết trước mắt như tăng nguồn lực, hệ thống chống ngập, giao thông...; có nội dung cần thời gian và lộ trình như việc điều chỉnh các sắc thuế. Nhưng dù trước mắt hay lâu dài, thuận lợi hay khó khăn thì đây là những việc làm cần được ưu tiên. Việc Quốc hội trao cho thành phố cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ là tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho thành phố hưởng lợi mà còn là giao nhiệm vụ.
Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), hiện Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 21% GDP của cả nước, đóng góp 28% ngân sách cả nước nhưng tỷ lệ để lại ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước (18%). Nếu thành phố làm được 100 đồng thì điều tiết về Trung ương 82 đồng, để lại thành phố 18 đồng để chi thường xuyên, chi trả nợ và các khoản chi khác. Con số này là khá ít ỏi so với nhu cầu đầu tư, tồn tại và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của thành phố.
Việc trao cho thành phố cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo sung lực để thành phố phát triển. Việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cần được thực hiện “mạnh dạn” và “dũng cảm, tự tin”.
“Quốc hội không quá lo với quyết định “phá rào” này. Dù có 5, 10 hay 20 cơ chế, chính sách đi nữa thì đây vẫn chỉ là cơ chế để thành phố thí điểm, sau 5 năm, Quốc hội vẫn có quyền quyết định”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh rất cần thiết. Theo đó cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho HĐND thành phố.
“Tôi thống nhất 8 nhóm vấn đề theo Dự thảo Nghị quyết. Trong đó, thống nhất thí điểm tăng thuế suất và thí điểm thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng, thống nhất không tăng tất cả các loại thuế. Đối với thu thuế tài sản thì đề xuất Chính phủ cần thí điểm tại Thành phố Hà Nội”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng tán thành để HĐND Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất lúa (từ 10ha trở lên - PV), nhưng cần quy định giới hạn tối đa mức diện tích đất được chuyển.
Về việc thí điểm về thuế tài sản, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định về thuế. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết, trong đó Luật Thuế tài sản. “Vì vậy, đề nghị nên cân nhắc có đưa nội dung này vào Nghị quyết hay không. Nếu Quốc hội quyết định đưa nội dung này vào thì cần cân nhắc về thời điểm thực hiện cho phù hợp”, đại biểu đề xuất.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, về thí điểm tăng một số chính sách thuế, để đảm bảo sự ổn định đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động khi tăng chính sách thuế, tăng ở mức độ nào; vì nếu tăng tràn lan thì sẽ giảm khả năng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư vào thành phố.
Riêng với quy định HĐND quyết mức thu nhập tăng thêm như trong Dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng tán thành giao cho HĐND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mức tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ trên năng suất, chất lượng công việc và nguồn thu của thành phố để khuyến khích thu hút nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, Dự thảo hiện khống chế mức trần về thu nhập tăng thêm (không vượt trần 1,8) thì rất khó cho thành phố. Do đó, đề nghị không nên quy định mức trần để thành phố chủ động hơn. Nếu việc thí điểm này thực hiện có hiệu quả, thì đề nghị cho phép nhân rộng ở một số nơi có điều kiện để chính sách này được lan toả.
Cuối buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh - cho hay bà rất cảm kích và cám ơn các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đóng góp quý báu trong thời gian vừa qua.
Với tư cách là Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tâm cũng xin chia sẻ để cung cấp thêm thông tin trước khi Quốc hội quyết định một trong những quyết sách quan trọng cho thành phố.
Theo bà Quyết Tâm, khi có cơ chế, chính sách, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thể hiện sự tự trọng của mình để thực thi chính sách. Từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh có thể có cơ hội để chúng ta nhân rộng ra cả nước.
“HĐND được giao 4/5 nhiệm vụ để thực hiện chính sách này. HĐND hiện có 115 đại biểu được nhân dân bầu với trình độ và năng lực 97% đại học và trên đại học, rải đều ở các lĩnh vực chuyên sâu. Vì vậy việc quyết định các lĩnh vực chuyên sâu là có điều kiện và có thực tiễn để thực hiện được”, bà nói.
Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định thành phố luôn lắng nghe ý chí nguyện vọng của nhân dân và các nhà khoa học để đưa thành phố phát triển hơn.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi)./.
Theo TTXVN