Tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tố cáo; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

08:11, 10/11/2017

Sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về nội dung này. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu QH cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, có tính chất phức tạp, cần được nghiên cứu sâu thêm để có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm đóng góp ý kiến là về những quy định đối với hình thức tố cáo. Theo đó, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Về vấn đề này, có đại biểu nhất trí với hai hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật, qua đó tránh tình trạng tố cáo tràn lan, lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác… Tuy nhiên, một số đại biểu chưa thống nhất với quan điểm nêu trên và cho rằng, cần bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại và các hình thức khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin.

Nhiều ý kiến đồng ý quan điểm: Không xem xét, giải quyết đối với tố cáo mạo danh, nặc danh vì không có cơ sở để xem xét, ràng buộc trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo. Tuy nhiên, nhất trí với việc bổ sung quy định trong trường hợp tố cáo mạo danh, nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, có kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, tổ chức xác minh, xử lý.

Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, các đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình); Nguyễn Hồng Thái (Phú Thọ) cùng một số đại biểu QH ủng hộ chủ trương đầu tư, tuy nhiên, cần cân nhắc và nghiên cứu cụ thể quá trình, phương thức đầu tư. Có những đoạn đường theo đánh giá của Bộ GTVT có mật độ giao thông rất lớn nhưng lại xây dựng bằng vốn Nhà nước là chưa phù hợp vì những khu vực này có thể thu hút được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, một số ý kiến nêu ý kiến băn khoăn khi xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lãng phí; đồng thời đề nghị, nếu QH thông qua chủ trương, sau khi chọn được nhà đầu tư, cần phải tính giá một cách công khai minh bạch, không để lặp lại các hạn chế, sai sót của BOT.

Liên quan đến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Cao Đình Thường (Phú Thọ) và một số đại biểu khác cho rằng, một số quy định, chính sách đối với thể dục, thể thao chưa phù hợp, một số điều khoản của luật chưa cụ thể, khó thi hành. Đáng chú ý, thời gian qua, có hiện tượng cá cược bóng đá diễn ra trên mạng, gây nhiều hệ quả tiêu cực đối với đời sống nhân dân nhưng các cơ quan liên quan không quản lý, không điều chỉnh được. Bởi vậy, cần nghiên cứu cho phép đặt cược thể thao, nhưng có quản lý để thu thuế và hạn chế các vụ việc tiêu cực. Về vấn đề này, một số đại biểu bày tỏ lo ngại, nếu quy định được cá cược thể thao thì cần có giải trình, quy định cụ thể trong luật về đơn vị nào được phép kinh doanh, tổ chức. Bên cạnh đó, cần làm rõ hình thức cá cược, phương thức quản lý, không thể quy định chung chung…

Sáng 9-11, QH thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Theo đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Việt Nam đang có sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. Năm 2006 tỷ lệ này là 106 nam/100 nữ, tới năm 2013, tỷ lệ là 113,8 nam/100 nữ và ước thực hiện năm 2017 là 113 nam/100 nữ. Số tỉnh có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng nhanh, năm 2009 là 45/63 tỉnh, thành phố; tới năm 2015 là 55/63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của tâm lý xã hội về việc muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ. 

Hơn nữa, theo đại biểu Yến, tình trạng dư thừa nam giới là do mong muốn có con trai hiện nay lại dễ thực hiện hơn do khoa học phát triển, biết được giới tính trước khi sinh. Tới giữa thế kỷ này Việt Nam sẽ thừa 2,3-4 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Tình trạng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ví dụ như tại  Ấn Độ, Trung Quốc đã chỉ ra rằng, dư thừa nam giới sẽ làm gia tăng nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ, lừa đảo, bắt cóc phụ nữ…

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho biết, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn thể hiện ở quyền tài sản thừa kế, tỷ lệ trúng cử của phụ nữ chưa tương xứng, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không biết chữ, tỷ lệ phụ nữ vùng cao tử vong khi sinh cao gấp đôi các khu vực khác...

Do vậy, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) kiến nghị, cần tăng cường truyền thông về bình đằng giới, nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới. Xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi, đưa nội dung bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của cộng đồng, các dòng họ, đảm bảo sự bình đẳng của con gái với con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, bảo đảm sự công bằng về vai trò của nam và nữ trong hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị. Phấn đấu đạt mục tiêu bình đẳng giới là thực chất.

Về lĩnh vực lao động của phụ nữ, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho biết, qua thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may có tới 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định liên quan tới lao động nữ.  Trong 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương vi phạm về bình đẳng giới. Như vậy, có thể nói, vi phạm chính sách pháp luật với lao động nữ là khá phổ biến nhưng biện pháp xử lý chưa được nêu ra.

Trước tình trạng trên đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) kiến nghị, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đảm bảo quyền lợi của lao động nữ. Đào tạo cho lao động nữ, chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ, để tạo ra bình đẳng.

Về vấn đề lương hưu và nghỉ hưu của lao động nữ có sự khác biệt với nam giới, gây thiệt thòi cho lao động nữ. Hiện nay, lương hưu của lao động nữ chỉ bằng 87% so với nam giới. Do vậy cần có cách tính phù hợp để phụ nữ không bị thiệt thòi. Ngoài ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nên có quy định cho lao động nữ lựa chọn thời điểm nghỉ hưu từ 55-60 tuổi, để đảm bảo công bằng và bình đẳng giới.

Về giải pháp cụ thể, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, hằng năm QH cần thảo luận, giải trình để đưa ra các giải pháp cụ thể, làm rõ việc tỷ lệ đại biểu nữ không đạt yêu cầu. Đẩy mạnh giám sát về bình đằng giới, tuyên truyền ngăn chặn phân biệt đối xử, ngược đãi, buôn bán phụ nữ… 

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung đã giải trình những vấn đề đại biểu QH quan tâm.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phụ nữ Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, làm tốt vai trò người mẹ, người vợ. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ngày càng tăng. Công tác bình đẳng giới của Việt Nam đã có những bước tiến bộ, là một điểm sáng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, định kiến về giới còn dai dẳng do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phong kiến. 

Về giải pháp đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm tới vấn đề tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Ở nông thôn, phụ nữ sẽ cùng tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, có các chương trình về nói không với bạo lực, xâm hại và không để phụ nữ “lùi” lại phía sau. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ đơn thân, có chương trình về chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ… hôn nhân yếu tố nước ngoài. 

Về vấn đề sa thải phụ nữ sau 35 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, trực tiếp kiểm tra, đánh giá thực trạng. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã gặp gỡ Chính phủ và có nhiều đổi mới trong việc chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế thực thi chính sách với lao động có nơi vẫn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ có doanh nghiệp phát thẻ đi vệ sinh cho công nhân, 100 người chỉ có 3 thẻ. Do vậy, trong thời gian tới doanh nghiệp nào sai phạm sẽ bị xử phạt. 

Theo báo cáo của Chính phủ, số liệu tổng hợp của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy có 14.790 vụ bạo lực gia đình với tổng số nạn nhân là 13.524 người, tổng số người gây bạo lực là 14.177 người.

Mặt khác, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn. 

Theo số liệu báo cáo trong năm 2016 có 1.627 trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục (416 em bị bạo lực và 1.211 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 1.369 em (chiếm 84%); 8 tháng đầu năm 2017 có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục (116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 765 em (chiếm tỷ lệ 92%). 

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, TAND cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho biết, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề cần được quan tâm, theo thống kê năm 2010, cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có 1 người bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần. 58% phụ nữ đã kết hôn bị bạo lực tình dục, thể xác hoặc tinh thần; 27% cho rằng từng bị cả 3 loại bạo lực trên. Đây chỉ là con số thống kê, thực tế số liệu này có thể lớn hơn nhiều. 

Do vậy, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) kiến nghị, cần tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp với vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt là thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đằng giới. Phân công trách nhiệm cụ thể, phân bổ nguồn lực bổ sung về bình đẳng giới. 

Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), hiện Việt Nam đứng 69/114 nước về bình đẳng giới, giảm 27 bậc so với năm 2015, cho thấy chỉ số này không ổn định và có xu hướng tụt giảm. Phụ nữ chủ yếu làm trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong khi lĩnh vực cơ khí, chế tạo… lại ít tham gia. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào mọi khu vực để tăng thu nhập và cơ hội công việc.

Buổi chiều, 9-11, QH nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại hội trường; sau đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật này./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com