Chiều 24-11, tại Nhà Quốc hội (QH), kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV thành công tốt đẹp và bế mạc. Đến dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; nhiều đại biểu QH các khóa trước và các đại biểu QH khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn bế mạc kỳ họp. |
Đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, hôm nay, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Kỳ họp thứ tư diễn ra trong thời điểm Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, tình hình trong nước chịu tác động ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, lũ lụt. Là kỳ họp cuối năm, QH đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018-2020...
QH yêu cầu Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới...
Trước khi bế mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau khi nghe Phó Tổng Thư ký QH Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với 464 đại biểu tán thành, bằng 94,50% tổng số đại biểu QH.
Sau nội dung này, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV với 461 đại biểu tán thành, bằng 93,89% tổng số đại biểu QH.
Quang cảnh t |
* Trước đó, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án này. QH biểu quyết thông qua Nghị quyết với kết quả 449 đại biểu tán thành, bằng 91,45% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, với 462 đại biểu tán thành, bằng 93,69% tổng số đại biểu.
* Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch. Sau đó, QH biểu quyết thông qua luật nêu trên với 433 đại biểu tán thành, bằng 88,19% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) và nhiều đại biểu đồng tình Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH về dự án luật nêu trên và cho rằng, dự án Luật được chuẩn bị công phu, đúng quy trình, bố cục phù hợp; việc sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) và một số đại biểu cho rằng: Cần bổ sung quan điểm sửa đổi Luật Quốc phòng lần này theo hướng xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống. Cũng theo đại biểu, đề cập chính sách của Nhà nước về quốc phòng như trong Điều 4 của dự thảo chưa thể hiện được yêu cầu xây dựng quốc phòng và yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay. Đại biểu đề nghị, chính sách phải có một khoản về xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ, chính quy và hiện đại; phải xây dựng được lực lượng đặc nhiệm đặt ở các quân chủng, binh chủng...
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật mới chỉ tập trung vào việc quy định về trách nhiệm kết hợp, nội dung kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng của Bộ Quốc phòng với các cơ quan, tổ chức liên quan. Do vậy, đề nghị Ban Soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về phạm vi, nội dung, phương pháp kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, để việc thực hiện các nội dung này có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đúng theo quy định của pháp luật.
Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham gia báo cáo giải trình ý kiến đại biểu nêu.
* Chiều 24-11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH, chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV. Đến dự có đại diện các cơ quan của QH, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng QH cho biết, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; tại kỳ họp này, QH đã hoàn thành chương trình đề ra, với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Tại kỳ họp, QH đã thông qua sáu luật; nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công; phát triển ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới… QH xem xét, cho ý kiến chín dự án luật và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Nhìn lại hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những vấn đề được QH lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án TAND Tối cao nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, QH đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện, QH giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân...
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời các câu hỏi và nội dung liên quan kỳ họp được các phóng viên báo chí quan tâm./.
Tin, ảnh: TTXVN