Đối với Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười mãi là niềm tự hào. Mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là một dịp để Đảng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về những bài học lớn có tính chất phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, cổ vũ phong trào quần chúng cách mạng, củng cố niềm tin vào Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh, chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản. Từ đây, giai cấp vô sản ở các nước, dù ở trình độ phát triển như thế nào, nếu được tổ chức lại, được một đảng mácxít - Lê-ninnít chân chính và dũng cảm lãnh đạo, liên minh chặt chẽ được với nông dân, thì nhất định trở thành một lực lượng cách mạng vô địch, có thể giải phóng toàn thể quần chúng lao động và các dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột.
Cách mạng Tháng Mười để lại nhiều bài học quý giá, khẳng định tính sáng tạo trong luận điểm của Lê-nin, rằng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cách mạng vô sản, dưới hình thức này hay hình thức khác, có thể nổ ra và giành thắng lợi ở một nước. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra khả năng cho những nước chậm phát triển về kinh tế, sau khi thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ, có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Quảng trường Đỏ, Thủ đô Mát-xcơ-va, Liên bang Nga. Ảnh: Internet |
Người Việt Nam đầu tiên tiếp thụ được chân lý của chủ nghĩa Lê-nin và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười là Nguyễn Ái Quốc, cũng là người Việt Nam đầu tiên đọc Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, với hơn nửa thế kỷ đấu tranh quên mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp và dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã bắc cây cầu vĩ đại giữa Cách mạng Tháng Mười với cách mạng Việt Nam, giữa phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện chiến đấu không mệt mỏi theo con đường mà Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã vạch ra; không ngừng học tập và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta liên tục dấy lên các cao trào cách mạng, vượt qua không biết bao nhiêu tình huống hiểm nghèo, gian khổ, hy sinh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những kinh nghiệm mang tính phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, những kinh nghiệm phong phú của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những điều kiện cụ thể của đất nước, để vạch ra đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn, nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Hồ Chí Minh nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.
Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Ngay từ đầu, Đảng đã giành lấy và “giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc”*.
Được sự chỉ dẫn bởi chủ nghĩa Lê-nin, những người cộng sản Việt Nam hiểu rõ: Nếu trước kia dân tộc gắn liền với giai cấp tư sản, phong trào dân tộc gắn liền với thắng lợi của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến, thì trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, dân tộc gắn liền với giai cấp vô sản và do giai cấp vô sản đại biểu - là giai cấp duy nhất có khả năng giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, ngọn cờ độc lập và chủ quyền dân tộc, tiến bộ, phồn vinh, hạnh phúc. Nhận thức được chân lý gắn liền dân tộc với giai cấp vô sản, đường lối cách mạng Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của thời đại mới. Cách mạng Việt Nam hòa nhập vào dòng tiến hóa chung của thời đại.
Trong thời kỳ đầu, khi cả nước chỉ làm một nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong thời kỳ phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và cả trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn giữ vững và không ngừng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Trên cơ sở quán triệt học thuyết Mác - Lê-nin về cách mạng không ngừng, Đảng ta nhận thức rõ độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH không thể tách rời nhau.
Với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn cả nước làm nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN. Những người cộng sản Việt Nam nhận thức một cách sâu sắc rằng, độc lập dân tộc và CNXH là một.
Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đó là sức mạnh, là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với đường lối đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã động viên và kết hợp được sức mạnh của CNXH với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước; đã phát huy cao độ truyền thống bất khuất từ nghìn xưa của dân tộc; đã động viên và tập hợp một cách vừa vững chắc, vừa rộng rãi mọi sinh lực của cả dân tộc; kết hợp được sức mạnh của cách mạng Việt Nam với sức mạnh thời đại. Dù đất không rộng lắm, người không đông lắm, đời sống còn nghèo, trình độ khoa học - kỹ thuật còn thấp, nhưng nhờ kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh của quy luật lịch sử; được sự giúp đỡ chí tình của các nước XHCN anh em…, nên chúng ta đã giành chiến thắng trước những thế lực đế quốc đầu sỏ và hung bạo nhất.
Giành được độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, nhân dân Việt Nam quyết giữ vững độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Độc lập dân tộc vẫn là một vấn đề sống còn của tất cả các dân tộc yêu tự do. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chẳng những là thắng lợi của đường lối chiến lược đúng đắn, mà còn là thắng lợi của phương pháp cách mạng đầy sáng tạo. Nghiên cứu về Lê-nin, chúng ta càng thấy rõ, Lê-nin là thiên tài trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng; hết sức sáng suốt trong việc dự đoán tình huống, quyết đoán một cách nhanh chóng và hết sức đúng đắn trong những trường hợp cấp bách và hiểm nghèo. Rắn như thép và nguyên tắc, nhưng hết sức uyển chuyển về sách lược. Tất cả những đặc điểm ấy ở Lê-nin, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười, là những bài học quý báu đối với Đảng Cộng sản Việt Nam về phương diện chỉ đạo chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu cao tinh thần cách mạng triệt để, tinh thần cách mạng tiến công, luôn xuất phát từ tình hình so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng trong từng thời kỳ mà thay đổi phương châm chỉ đạo chiến lược, thay đổi những phương pháp cách mạng một cách thích hợp, nhằm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong quá trình đấu tranh, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng phát triển bản lĩnh sáng tạo và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của mình, vừa bằng cách thường xuyên phân tích, đúc kết những kinh nghiệm cách mạng Việt Nam, vừa bằng cách học tập cẩn thận, có chọn lọc những kinh nghiệm về phương pháp cách mạng của các nước.
Trước kia, khi khẳng định những kinh nghiệm cơ bản có tính chất phổ biến của Cách mạng Tháng Mười, Lê-nin đồng thời cho thấy, sau này khi đi lên CNXH, mỗi dân tộc tất nhiên sẽ sáng tạo ra những hình thức, biện pháp, bước đi đặc thù của mình. Điều đó có nghĩa là cương lĩnh xây dựng CNXH của đảng mácxít - Lê-ninnít ở mỗi nước khác nhau thì phải lấy những nguyên lý chung của CNXH khoa học làm nền tảng, nhưng lại phải biết xuất phát từ tình hình cụ thể của nước mình để vận dụng những nguyên lý chung đó một cách thích hợp và có hiệu quả nhất./.
GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
............
* Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, tr.407.