Đảng bộ tỉnh Nam Định hiện có hơn 107 nghìn đảng viên, sinh hoạt ở 5.673 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và 1.045 tổ chức cơ sở Đảng của 16 Đảng bộ trực thuộc. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng khá; an ninh quốc phòng được giữ vững; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đạt được những kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực chung của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, trong đó đội ngũ báo cáo viên góp phần quan trọng tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị đã đề ra.
Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên là hình thức tuyên truyền đặc thù mà các loại hình khác không thể thay thế; là kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá sâu rộng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của địa phương; các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, các vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, sự đồng thuận trong xã hội. Vì vậy, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đưa hoạt động tuyên truyền miệng đi vào nền nếp, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Hoạt động này được chú trọng hơn sau khi Ban Bí thư ra Chỉ thị số 17, ngày 15-10-2007 “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Để Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư phát huy hiệu quả cao và thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên, Ban TVTU đã ban hành Quy chế cung cấp thông tin trong Đảng bộ tỉnh. Theo đó, Ban TVTU quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, mục đích, nội dung, hình thức và nguyên tắc cung cấp thông tin; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Đảng trong việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin. Trong đó, Ban TVTU đã quy định rõ: Đối với Đảng bộ tỉnh định kỳ 6 tháng/lần tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho cán bộ chủ chốt đương chức và nghỉ hưu; cấp huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội tối thiểu 3 tháng/lần tổ chức cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên; cấp cơ sở cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên theo định kỳ hằng tháng.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chú trọng năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, có cơ cấu và số lượng hợp lý. Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ, các cấp ủy đều ra quyết định công nhận đội ngũ báo cáo viên và kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng. Ban TVTU đã chỉ đạo các cấp ủy thống nhất giao cho Ban Tuyên giáo các cấp giúp cấp ủy thường xuyên quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; kịp thời tham mưu cho cấp ủy kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, có hiểu biết chung về các lĩnh vực, có ý thức tổ chức kỷ luật, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, được đảng viên và nhân dân tin tưởng. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có tổ chức lực lượng tuyên truyền viên đến các chi bộ. Đây là cánh tay nối dài trong tổ chức và hoạt động báo cáo viên ở cơ sở. Để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên, Ban TVTU đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Tài chính kịp thời hướng dẫn việc thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí báo cáo viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đội ngũ báo cáo viên các cấp còn được cấp ủy tạo điều kiện về phương tiện hoạt động, trang bị phương tiện làm việc; cung cấp tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền như Báo Nam Định, Tạp chí Báo cáo viên, Bản tin Thông tin nội bộ. Định kỳ hằng tháng, báo cáo viên các cấp được họp để cung cấp thông tin, tài liệu chuyên đề, đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các cấp biên soạn; được tham dự một số hội nghị do cấp ủy tổ chức để nắm thông tin.
Thời gian gần đây, phương pháp công tác tuyên truyền miệng trong tỉnh được đổi mới khá đa dạng, phong phú, không chỉ sử dụng phương pháp độc thoại, tuyên truyền một chiều mà còn thông qua các hội nghị trao đổi, đối thoại, tọa đàm, hội thi. Đặc biệt, các cấp ủy trong tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò của đồng chí Bí thư và Thường trực cấp ủy trong việc chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt nội dung thông tin, nghị quyết của Đảng ở địa phương, đơn vị. Vì vậy, việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng nói chung và việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói riêng, nhất là việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết ở trong tỉnh diễn ra nghiêm túc và có chuyển biến rõ rệt. Đối với những nội dung cần tuyên truyền rộng rãi, công khai, nhanh gọn, tỉnh đã dùng phương pháp truyền hình trực tiếp. Đây là phương pháp mới khá hiệu quả, được dư luận đánh giá cao vì người nghe được tiếp cận thông tin từ báo cáo viên có trình độ, kinh nghiệm; việc tổ chức cung cấp thông tin thuận lợi, nhanh gọn hơn.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 15 ngày 30-3-2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về việc “Tổ chức Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2017”, các huyện, thành uỷ và Đảng ủy trực thuộc trong toàn tỉnh đã tổ chức nghiêm túc, có chất lượng Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp cơ sở và cấp huyện. Hội thi các cấp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo báo cáo viên tham gia. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, khí thế quyết tâm ở các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đó, tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Ở vòng thi sơ khảo Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh, 15 thí sinh đã trải qua 2 phần thi soạn đề cương và thi thuyết trình. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng từ đề cương đến phần thi thuyết trình, các thí sinh đều cơ bản thực hiện tốt phần thi của mình về các chuyên đề Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị. Nhiều thí sinh có phong cách tự tin, diễn đạt mạch lạc, truyền cảm, lôi cuốn, giàu sức thuyết phục đối với người nghe. Phần liên hệ từ thực tiễn khá sâu sắc và có sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin hiện đại làm nổi bật các luận điểm của nội dung chuyên đề. Sau vòng thi sơ khảo, ban tổ chức đã lựa chọn 10 thí sinh có thành tích xuất sắc nhất từ 16 Đảng bộ trực thuộc tỉnh vào chung khảo. Vòng chung khảo Hội thi Báo cáo viên giỏi của tỉnh năm 2017 có nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là đánh giá khách quan kết quả cuộc thi, tổng kết, trao giải thưởng cho các báo cáo viên tiêu biểu. Cùng với các hoạt động thường xuyên đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ báo cáo viên, Hội thi lần này tiếp tục góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên của tỉnh trong tình hình hiện nay./.
Xuân Thu