Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 11%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 25,6%. Tuy nhiên báo cáo cho thấy số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết, nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo đã lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện về tình hình nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế tồn tại, đồng thời đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Các ý kiến cũng cho rằng, báo cáo chưa tập trung phân tích đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là đánh giá phân tích nguyên nhân tăng, giảm; các số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số nguyên nhân và giải pháp còn chung chung, chưa thể hiện rõ tình hình đặc thù của năm 2017; những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo.
Các đại biểu đề nghị, báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình khiếu nại, tố cáo trong những năm qua, nhất là tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự. Kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát bất cập của chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường cùng một số lĩnh vực khác phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo nhằm kịp thời bổ sung, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng, báo cáo cần đi sâu làm rõ, phân tích trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để công tác này vào nền nếp, hiệu quả. Đề cập trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đánh giá: Tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc nghiêm trọng, nhất là xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người liên quan tới lĩnh vực đất đai, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng an ninh, trật tự, làm xấu hình ảnh quốc gia. Điều này cũng là sự phản ánh bức xúc của người dân đối với chính quyền. Đại biểu Đỗ Văn Đương chỉ rõ “người đứng đầu” chịu trách nhiệm giải quyết là Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời đề nghị cần đưa nội dung này ra Quốc hội thảo luận để Quốc hội đưa ra một nghị quyết về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Nơi nào giải quyết dứt điểm khiếu nại từ ban đầu, nơi đấy sẽ không để xảy ra điểm nóng. Khi có điểm nóng, người đứng đầu trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo giải quyết sẽ đạt kết quả cao hơn là việc ủy quyền cho cấp dưới.
Các đại biểu kiến nghị, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hằng năm, rà soát, lập danh sách các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài để giải quyết dứt điểm. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, kịp thời cán bộ, công chức sai phạm. Đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời đối với cá nhân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật. Nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đưa vào khai thác và sử dụng có hiệu quả./.
Theo nhandan.com.vn