Xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu mạnh, xứng danh quê hương của người chiến sĩ cộng sản Song Hào

07:08, 10/08/2017

Đoàn Hồng Phong
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Nam Định tự hào là quê hương của Thượng tướng Song Hào - Người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục, được rèn luyện, thử thách qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Thượng tướng Song Hào (1917-2004), tên thật là Nguyễn Văn Khương, sinh ra và lớn lên ở làng Trung Nghĩa, xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh) huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Là người con trong một gia đình có 6 anh chị em, ngay từ thuở ấu thơ, đồng chí Song Hào đã tận mắt chứng kiến cảnh sống tối tăm, lam lũ, khổ cực của những người lao động và dân nghèo thành thị; cảnh sống xa hoa, bạo ngược của bọn thực dân, quan lại. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng ngay từ năm 19 tuổi, đã tham gia các phong trào quần chúng, các tổ chức: Thanh niên dân chủ, Hội tương tế, Hội cứu hỏa; thông qua các hoạt động đọc sách báo, truyền bá quốc ngữ, hoạt động cứu trợ, thể dục thể thao...

Tháng 4 năm 1939, khi chưa tròn 22 tuổi, đồng chí Song Hào được kết nạp vào Đảng, được cử làm Bí thư chi bộ Đảng ở xã Hào Kiệt - Là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản, một tổ chức cơ sở Đảng hoạt động ngay sát Thành phố Nam Định, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống liên lạc của Đảng. Trên cương vị này, đồng chí đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Hào Kiệt phát triển mạnh mẽ, các tổ chức quần chúng được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Để có kinh phí cho Đảng hoạt động và có tiền nuôi giấu cán bộ, đồng chí Song Hào đã cùng với vợ tích cực làm kinh tế cho Đảng: từ buôn dầu, bán nước mắm, buôn bông đến đổi tiền rách, tiền lẻ... Không chỉ tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong địa bàn; đồng chí Song Hào còn phân công các đảng viên trong chi bộ đi tuyên truyền đấu tranh đòi thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh ở các làng Vân Cát, Bảo Ngũ, Trình Xuyên, Dương Lai, Quả Linh… Chỉ đạo Đoàn Thanh niên dân chủ treo cờ Đảng, rải truyền đơn dọc đường 10 sang cả các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc.

Đầu năm 1940, địch khủng bố mạnh ở khu C (Hà Nam - Nam Định - Thái Bình) và tiến hành bắt giam hàng loạt cán bộ, đảng viên; nhiều cơ sở Đảng liên tiếp bị vỡ. Tháng 4-1940, do cơ sở bị lộ, đồng chí Song Hào cũng bị địch bắt. Trước những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù, đồng chí đã kiên cường không khai nhận, địch đành phải chuyển sang giam giữ ở Đề lao Nam Định. Trong thời gian ở Đề lao Nam Định, đồng chí đã cùng các đồng chí trong tù kiên cường đấu tranh, tỏ rõ ý chí bất khuất, khí phách hiên ngang trước tòa án của đế quốc, thực dân được mở vào tháng 6-1940. Tại phiên tòa này, các đồng chí đã cùng nhau thể hiện thái độ: Nhất thiết không khúm núm thưa bẩm; khi bị kết án kiên quyết không ký nhận; khi phiên tòa kết thúc, tất cả đều hô to khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đả đảo khủng bố”, “Đảng Cộng sản muôn năm”. Sau phiên tòa, đồng chí Song Hào đã bị kết án 15 năm tù và 10 năm quản thúc(1).

Trong quãng đời tuổi trẻ gắn bó sinh tử với phong trào cách mạng ở quê hương Nam Định; đồng chí Song Hào đã anh dũng, đem hết nhiệt huyết, trí lực, vật lực phục vụ Đảng và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng quê nhà. Chính những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, không quản khổ ải hy sinh trong phong trào cách mạng của quê hương đã tôi rèn bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ cách mạng, là hành trang quan trọng để sau này đồng chí Song Hào trở thành một trong những người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà chính trị, nhà quân sự tài năng của Đảng và quân đội. Tháng 8-1945, đồng chí là đại biểu Hội nghị Cán bộ Đảng toàn quốc, Đại hội quốc dân tại Tân Trào, phụ trách giành chính quyền ở hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí là Chính ủy Khu 10, Chính ủy Khu Tây Bắc, Bí thư Ban Cán sự Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào, Chính ủy Chiến dịch Lê Hồng Phong 1. Từ năm 1951-1954, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 308, Ủy viên Ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1955-1960, đồng chí là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Tổng Quân ủy. Năm 1960, đồng chí là Ủy viên Ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, kiêm Trưởng Ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương. Từ năm 1962-1976, đồng chí là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Từ năm 1972-1973, đồng chí là Chính ủy Chiến dịch Quảng Trị. Từ năm 1976-1982, đồng chí là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Từ năm 1982-1986, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội. Đồng chí Song Hào là Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1986; Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1976 đến năm 1982; đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa VI.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Song Hào vô cùng phong phú và sôi nổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, do bận nhiều công tác, đồng chí Song Hào ít có dịp về thăm quê hương. Nhưng những lần về thăm quê, đồng chí luôn để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định, nhất là nhân dân quê hương Vụ Bản ấn tượng khó phai về tình cảm thắm thiết, sâu sắc của một người con xa quê. Trong những lần về thăm quê hương, Thượng tướng Song Hào luôn chân thành đóng góp ý kiến nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương nhân dân và biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Khi về thăm chòm xóm, đồng chí thường đi thăm hỏi khắp làng, nhắc nhở bà con họ hàng, dân làng phải luôn phát huy truyền thống quê hương, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cố gắng lao động, sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương văn hiến, anh hùng.

Nhớ lời chỉ dạy của Thượng tướng Song Hào và các bậc cách mạng tiền bối quê Nam Định như: Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch... Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có sự phát triển: Quy mô kinh tế tăng gấp hơn 2,5 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 2,74 lần; giá trị sản xuất công nghiệp gấp hơn 2,7 lần…

Lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển đổi mạnh về tư duy sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác gia tăng liên tục; năm 2016 đạt 107 triệu đồng/ha. Một số sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh như gạo chất lượng cao của Cty TNHH Toản Xuân; rau, củ, quả của các Cty VinEco, Ngọc Anh, Hải Đăng... đã tạo được thương hiệu và tiêu thụ ổn định trên thị trường. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn của Cty TNHH Cường Tân, Đình Mộc và nhiều mô hình liên kết sản xuất khác xuất hiện, từng bước tạo ra sự chuyển đổi mạnh về phương thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thu được kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã có 163/209 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (78%); huyện Hải Hậu đã được công nhận là huyện nông thôn mới; dự kiến đến hết năm 2017 sẽ có thêm từ 2-4 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, đã đề ra mục tiêu, Nam Định đạt tiêu chí là “Tỉnh nông thôn mới” trước năm 2020.

Về lĩnh vực công nghiệp của tỉnh: Luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 22,3%/năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Nam Định đã chủ động đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tích cực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020”; theo đó trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu thu hút được trên 3 tỷ USD vốn FDI và trên 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; chỉ số PCI thường xuyên duy trì trong tốp đầu hạng khá và phấn đấu sớm nằm trong các tỉnh có PCI xếp loại tốt. Để thực hiện được mục tiêu này, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Nam Định đã tiến hành khởi công xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông có diện tích gần 600ha; tập trung thu hút đầu tư (đạt 726 tỷ đồng và 92 triệu USD). Đặc biệt là vào ngày 15-6 vừa qua, Bộ KH và ĐT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, với tổng mức đầu tư 2,07 tỷ USD, đã đưa Nam Định lọt vào tốp 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm 2017.

Việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai, thực hiện tích cực. Tính đến nay, toàn bộ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai đầu tư; trong đó có nhiều công trình giao thông huyết mạch đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, cầu Tân Phong... Đồng thời, tỉnh đang tích cực hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công cầu Thịnh Long, tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về chủ trương đầu tư 2 dự án giao thông chiến lược cấp vùng đi qua địa phận tỉnh là: tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Cùng với việc xây dựng hệ thống giao thông huyết mạch; việc nâng cấp Thành phố Nam Định lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thành vượt mức kế hoạch về thời gian. Tiếp tục thực hiện mục tiêu "Xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Tập trung xây dựng phát triển Thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020”.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định còn đặc biệt chú trọng tới việc phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Kết quả là: Trong những năm vừa qua, ngành GD và ĐT 22 năm liên tiếp luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước và được Bộ GD và ĐT tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”. “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hệ thống các cơ sở y tế, cả công lập và dân lập từng bước được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển rộng khắp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định; BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” với mục tiêu là: Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm chú trọng và giành được nhiều kết quả nổi bật. Công tác chính trị, tư tưởng được nâng cao theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay”. Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên được quan tâm, chăm lo, tạo được mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Hiện nay, trước yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu “Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Để cụ thể hóa mục tiêu này, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có năng lực, trình độ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính kiến tạo, năng động, hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế.

Với tấm lòng thành kính và tự hào là mảnh đất đã sinh ra đồng chí Thượng tướng Song Hào, người cộng sản kiên trung, mẫu mực; trong thời gian tới, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nam Định sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng danh là mảnh đất đã sinh ra những anh hùng, hào kiệt như Thượng tướng Song Hào./.

------------------------

(1) Theo hồi ký “Trường học lớn đời tôi” của đồng chí Song Hào, in trong cuốn “Đề lao Nam Định, Những tháng năm thử thách”. Nam Định, tháng 7 năm 1997, tr. 71.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com