Cách đây 60 năm, trước yêu cầu của cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được, ngày 23-8-1957, Hội nghị Kỹ thuật hình sự (KTHS) toàn quốc lần thứ I đã khẳng định công tác KTHS là biện pháp nghiệp vụ có vai trò quan trọng trong điều tra, khám phá tội phạm. Hội nghị cũng ra Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, chế độ công tác của lực lượng KTHS. Theo đó, lực lượng KTHS ở Công an tỉnh Nam Định được thành lập với biên chế 4 đồng chí ở Ban Trị an dân cảnh. Đây là tiền thân của lực lượng KTHS sau này. Đồng thời, theo Quyết định số 245/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 23-8 được xác định là ngày truyền thống của lực lượng KTHS.
Lực lượng KTHS Công an tỉnh Nam Định ra đời khi Thành phố Nam Định được giải phóng hơn 3 năm. Trong bộn bề khó khăn, lực lượng còn mỏng, phương tiện còn thô sơ, song thế hệ đầu tiên của lực lượng KTHS Nam Định đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ trợ giúp đắc lực cho các cơ quan điều tra. Nhiệm vụ chủ yếu lúc đó của công tác KTHS là tàng thư căn cước và khám nghiệm hiện trường, truy tìm tiền án, tiền sự, phát hiện nội gián, phản động và do thám. Thời kỳ này, cán bộ làm công tác KTHS biên chế ở Ban Trị an dân cảnh.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, để phục vụ nhiệm vụ diệt tề trừ gian, trấn áp bọn phản cách mạng ở vùng tạm chiếm và bảo vệ trật tự trị an ở vùng tự do, lực lượng Công an tỉnh nhà cũng đã cử một số đồng chí làm nhiệm vụ lập căn cước, phục vụ cho việc cấp giấy thông hành, chứng minh cho nhân dân đi lại và lập biên bản hiện trường, điều tra các vụ án mạng xảy ra.
Năm 1957, Hội nghị KTHS lần thứ I được tổ chức. Trong hội nghị này đã thông qua nghị quyết về công tác KTHS, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công an nhân dân, công tác KTHS chính thức được ghi nhận là một biện pháp khoa học nghiệp vụ có vai trò rất quan trọng trong công tác Công an. Thực hiện nghị quyết hội nghị, lực lượng KTHS Công an tỉnh từng bước được kiện toàn, đi vào hoạt động chuyên sâu, làm nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường, giám định tài liệu, dấu vết phục vụ công tác đấu tranh trấn áp và phòng ngừa tội phạm. Giai đoạn này, cán bộ làm công tác KTHS từ huyện đến tỉnh thường xuyên được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong và nước ngoài.
|
Cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS khám nghiệm hiện trường, truy tìm dấu vết một vụ trộm đồ thờ cúng. |
Năm 1981, Phòng KTHS chính thức được thành lập với biên chế hơn 10 đồng chí. Ở Công an các huyện, thành phố có từ 1-2 đồng chí chuyên trách làm công tác KTHS, biên chế trong Đội Cảnh sát điều tra. Ngay khi chính thức ra đời, lực lượng KTHS đã trực tiếp khám nghiệm và phục vụ yêu cầu điều tra hàng trăm vụ án mạng, hàng nghìn vụ trộm cắp, cháy nổ, nghi kẻ địch phá hoại. Có nhiều vụ án khó khăn, thông qua công tác khám nghiệm hiện trường, thu dấu vết, nghiên cứu quy luật hình thành dấu vết, giám định mẫu vật, lực lượng KTHS đã phát hiện chứng cứ quan trọng, định hướng cho cơ quan điều tra nhanh chóng phá án. Tiêu biểu như vụ phát hiện bộ xương người ở thung lũng Ba Sao ngày 30-1-1970. Khám nghiệm hiện trường và dấu vết để lại trên bộ hài cốt, lực lượng KTHS đã phát hiện dấu vết tác động ngoại lực có thể gây cái chết cho nạn nhân. Với các vật chứng thu thập được, trinh sát đã truy tìm được tung tích nạn nhân, từ đó đi sâu, xác minh làm rõ các mối quan hệ. Sau 4 năm điều tra, hung thủ gây án cũng lộ diện…
Bước vào thời kỳ đổi mới, theo quy định của Bộ Công an, Phòng KTHS tách bộ phận Tàng thư căn cước can phạm sang Phòng Hồ sơ nghiệp vụ. Thời kỳ này, Phòng KTHS có cán bộ được công nhận là giám định viên cao cấp, bác sĩ pháp y, đủ điều kiện làm công tác giám định KTHS và pháp y. Giai đoạn này, bọn tội phạm rất ma mãnh sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, lợi dụng công nghệ để gây án và che dấu hành vi phạm tội. Để công tác khám nghiệm hiện trường, giám định dấu vết, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều tra, lực lượng KTHS đã không ngừng đúc rút kinh nghiệm kỹ thuật, vừa chiến đấu vừa nghiên cứu áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn, góp phần điều tra khám phá hàng nghìn vụ việc các loại, hàng trăm vụ án phức tạp nghiêm trọng. Như vụ tên Nguyễn Đình Xiếm giết người cướp tài sản, vụ án giết người cướp tài sản dã man tàn bạo ở chợ Mụa (Ý Yên), vụ giết người phân xác thành nhiều khúc ở Trung Thành (Vụ Bản), vụ giết người nhét xuống cống tại Lộc An (TP Nam Định)…
Năm 2012, Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua, đây là mốc ghi nhận và khẳng định giá trị công tác KTHS trong hoạt động tố tụng. Lực lượng KTHS tiếp tục hoàn thiện về chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, trau dồi bản lĩnh chính trị để thực thi công vụ được hiệu quả hơn.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ khi chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên trách, đến nay, lực lượng đã lớn mạnh cả ở Công an tỉnh và cán bộ chuyên trách làm công tác KTHS, biên chế trong Đội Cảnh sát điều tra ở Công an các huyện, thành phố. Phương tiện làm việc cũng được trang cấp và đổi mới. Phòng KTHS Công an tỉnh Nam Định có 32 cán bộ, chiến sĩ ở 4 đội công tác về khám nghiệm hiện trường và giám định KTHS, giám định pháp y, kỹ thuật phòng chống tội phạm và tham mưu. Hiện nay, đơn vị đã mở rộng nhiều lĩnh vực giám định KTHS và pháp y, như giám định các chất ma túy, giám định kỹ thuật số và điện tử. Ngoài công tác khám nghiệm hiện trường và công tác kỹ thuật phòng chống tội phạm, công tác giám định tư pháp được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đến nay đã có 8 lĩnh vực giám định được triển khai. Một số lĩnh vực giám định được triển khai sớm so với toàn quốc và đạt hiệu quả cao, như giám định ma túy, giám định KTHS, giám định cháy nổ…
Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã khám nghiệm và giám định 15.079 vụ việc, không có vụ nào kết luận sai, yêu cầu giám định lại. Khi có những vụ thảm án, trọng án xảy ra; công tác khám nghiệm hiện trường đều giúp cơ quan điều tra nhận định tính chất vụ việc, đối tượng gây án, công cụ, phương tiện và thủ đoạn gây án. Hoặc những vụ tai nạn giao thông; giả mạo chữ ký, con dấu, những vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân hay những vụ trộm cổ vật nơi thờ tự, những dấu vết mà lực lượng KTHS truy tìm được tại hiện trường đã quyết định hướng điều tra và rút ngắn thời gian phá án, truy tìm tài sản, đồ vật bị trộm, trao trả cho người mất.
Lực lượng làm công tác KTHS không chỉ là phục vụ lực lượng làm án mà còn trực tiếp làm án. Với lực lượng KTHS, những dấu vết tưởng chừng vu vơ lại chính là nút thắt để giải án. Phương châm “thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan, toàn diện” giúp lực lượng KTHS, bắt dấu vết lên tiếng để cái ác lộ diện, sự thật được sáng tỏ.
Chặng đường 60 năm, ghi dấu nhiều chiến công của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ KTHS Công an tỉnh Nam Định. Nhiệm vụ của những người lính KTHS lặng thầm, gian nan, vất vả nhưng tự hào, vì đã góp phần đưa những tên tội phạm ra trừng trị trước pháp luật, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân./.
Bài và ảnh:
Bích Mận
(Công an tỉnh)