(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017
của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Chế độ bồi dưỡng áp dụng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân được quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 64/2014/NĐ-CP).
Riêng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 và các đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.
Riêng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không thuộc đối tượng áp dụng.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc theo quy định đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.
2. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với các đối tượng khác quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.
Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng quy định tại Điều 4 Quy định này.
Điều 4. Mức chi
1. Các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 và các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 120.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 90.000 đồng/1 ngày/1 người.
2. Các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 60.000 đồng/1 ngày/1 người.
Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gồm:
a) Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành;
b) Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Các nguồn kinh phí khác (nếu có).
2. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 20 và các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả.
3. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP do cơ quan có thẩm quyền mời, triệu tập phối hợp chi trả./.