Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" - 70 năm nhìn lại

06:07, 08/07/2017

"Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù ?...’’. 

Câu hỏi thiêng liêng và vang vọng ấy chính là đoạn mở đầu trong Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc", được đăng trang trọng trên Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27-7-1947.

Trong thư, Người ân cần căn dặn, nhắc nhủ đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người cùng các nhân viên của Phủ Chủ tịch, để tặng thương binh. 

Xuyên suốt 70 năm, cho dù trong khói lửa chiến tranh hay khi bầu trời đã xanh một sắc thanh bình, lời kêu gọi của Người vẫn luôn là Lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân Việt Nam vốn mang truyền thống nhân ái, nghĩa tình cùng nhau đồng tâm, hiệp lực trong cuộc vận động ‘’Đền ơn, đáp nghĩa’’, biết tri ân và đền đáp công lao, cống hiến của hàng triệu thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, 29-1-1957. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, 29-1-1957. Ảnh: Tư liệu

Chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa

Ngược dòng lịch sử, cho thấy chỉ chưa đầy ba tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Có thể coi đây là văn bản pháp quy đầu tiên của nước Việt Nam mới về việc đền ơn, chăm sóc người có công. 

Tiếp đó, vào tháng 6 cùng năm, tại Đại Từ (Bắc Thái), Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền đã họp, ra Nghị quyết thống nhất chọn 27-7 là Ngày “Thương binh toàn quốc”. Tháng 7-1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Tháng 7-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 223/CT-TW, quy định ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước…

Những sự kiện trên cho thấy, ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Trong các chặng đường tiếp theo của lịch sử cách mạng, điểm lại các nghị quyết và chiến lược, cương lĩnh phát triển đất nước… được thông qua tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc từ Đại hội IV đến Đại hội XII, đều xác định trách nhiệm của các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Gần đây nhất, Đại hội XII của Đảng lại một lần nữa khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”… 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, BCH Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng các khóa đều dành thời gian nghiên cứu, khảo sát, bàn bạc đi tới những quyết sách cụ thể, để lại dấu ấn đáng nhớ trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. 

Điển hình như Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác mộ nghĩa trang liệt sĩ, giải quyết một bước cơ bản việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ; Chỉ thị số 80-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào ‘’Đền ơn đáp nghĩa’’... 

Đây là những chỉ thị quan trọng góp phần đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội; chăm lo, bảo đảm cho tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên…

Về mặt Nhà nước, hệ thống các văn bản pháp quy về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân. 

Từng bước, từng bước, những điều bất cập, do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế, những tồn tại về chính sách sau chiến tranh đã lần lượt được đề xuất, nghiên cứu, xử lý. Đó là những phần việc về xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng... được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết khá triệt để. 

Đặc biệt, việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã đưa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thực sự bước sang giai đoạn mới. 

Như cây đại thụ sâu rễ, bền gốc trong cuộc sống

Đúng đạo lý, hợp lòng dân, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã thực sự đi vào cuộc sống. Tính đến nay, toàn quốc đã có khoảng 9 triệu người có công đã được xác nhận; trong đó, trên 1,4 triệu người có công, thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí khoảng 29 nghìn tỷ đồng/năm. Trong 10 năm 2007-2016, tổng kinh phí trợ cấp đối với người có công với cách mạng là 133.306 nghìn tỷ đồng. Hằng năm, lượng kinh phí dành cho việc thực hiên Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là khoảng gần 30 nghìn tỷ đồng. 

Theo kết quả của đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 do Bộ LĐ-TB và XH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành, hiện số đối tượng người có công được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là gần 2 triệu người (chiếm 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm 4,16%), trong số này đã giải quyết được 54.299 trường hợp. Số đối tượng hưởng sai chính sách còn 1.872 người (chiếm 0,09%). 

Được sự hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân, ở khắp các ban, ngành, địa phương, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng phát triển, như những cây đại thụ tươi tốt, sâu rễ, bền gốc trong lòng người, trở thành truyền thống, nền nếp, nét đẹp văn hóa đáng ghi nhận trong cuộc sống hằng ngày, với những việc làm thiết thực như: xây dựng Quỹ, tặng nhà, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.

Tính trong 10 năm (từ 2007 đến 2017), cán bộ, nhân dân cả nước đã góp hơn 3.481 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; xây dựng gần 90 nghìn căn nhà, sửa chữa gần 75 nghìn căn với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159 nghìn sổ tiết kiệm trị giá gần 955 nghìn tỷ đồng cho gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ 80 nghìn hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở. 

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ, đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN, giúp cho việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được chú trọng, quan tâm. Thời gian gần đây, thông qua các phương pháp thực chứng, giám định ADN, các cơ quan chức năng đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp, góp phần phục vụ tích cực cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. 

Đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ, an táng tại 3.077 nghĩa trang trong cả nước. Cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ; trong đó, có nhiều công trình có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống, như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc...

Hoạt động tình nghĩa của các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn dân đã giúp các gia đình chính sách phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cơ chế mới. 100% các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 

Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt…, trong đó có nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân.

Huy động các nguồn lực chăm sóc người có công

Ngày 22-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng… đã được ban hành từ các nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng giao các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả, nhất là những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành Luật Ưu đãi người có công với cách mạng; hoàn thiện Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công… để năm 2018 trình cơ quan có thẩm quyền; tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. 

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác nhận, thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Bộ LĐ-TB và XH đang tích cực xây dựng Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng để trình Ban Bí thư xem xét thông qua.

Song song với các giải pháp hiện hành, Bộ chủ quản trong lĩnh vực hoạt động này rất quan tâm việc tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, đặc biệt là sớm nghiên cứu, sửa chữa những vướng mắc, bất cập hiện nay. Các nhà quản lý cũng đề xuất việc tiếp tục ưu tiên các nguồn lực, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, có các giải pháp thiết thực nhằm huy động nguồn lực xã hội vào việc chăm sóc người có công. 

Trước mắt, thực hiện tốt công tác xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với những hồ sơ còn tồn đọng, những trường hợp không có giấy tờ, căn cứ xác nhận; đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, xác nhận danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong hoạt động quản lý Nhà nước, ngành mong muốn sự đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính Nhà nước; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ trợ cấp đối với người có công…

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com