Hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

07:06, 16/06/2017

Ngày 14-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 18. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng. Các thành viên Chính phủ đã trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn nội dung liên quan.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu buổi sáng, tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL, tham gia trả lời tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề khu du lịch quốc gia Sơn Trà liên quan trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Chính phủ không để Đà Nẵng tự quyết định về khu du lịch Sơn Trà, bởi nếu Chính phủ để Đà Nẵng tự quyết thì đã không có việc bàn về quy hoạch, việc trao đổi cụ thể về những vấn đề liên quan khác. Trước đây, vì chưa có quy hoạch du lịch cho nên Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền của mình cấp phép các dự án với nhà đầu tư. Bây giờ, khi có quyết định khác ảnh hưởng nhà đầu tư thì Đà Nẵng cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư. Khi Đà Nẵng chủ động vào cuộc thì sẽ tìm được giải pháp, tạo được sự đồng thuận. Cuối cùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này và trên tinh thần phát triển du lịch phải bền vững.

Trả lời chất vấn về quản lý, bảo vệ, khai thác, trùng tu bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa của các đại biểu: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện nay nước ta có hơn 3.329 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 85 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt…; di sản văn hóa ở nước ta có số lượng rất lớn và đây là tài sản lớn của quốc gia và đất nước. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Trách nhiệm quản lý Nhà nước là của Bộ VH, TT và DL và trong những năm qua đã làm khá tốt, đặc biệt công tác kiểm kê về xếp hạng. Nhưng vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy vẫn còn những hạn chế.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời chất vấn.

Phát biểu ý kiến kết thúc chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm cấp phép biểu diễn nghệ thuật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Có biện pháp cụ thể trong việc sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao...

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một số đại biểu nêu vấn đề: Thời gian qua, tình trạng lạm dụng, lợi dụng, trục lợi BHYT có xu hướng ngày càng gia tăng. Một số cơ sở y tế có những biểu hiện tiếp thị trong khám, chữa bệnh, xuất hiện tình trạng người có bảo hiểm đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng để lấy thuốc. Cơ sở khám, chữa bệnh tăng chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, điều này làm tăng chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời gây quá tải tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh và gây bội chi quỹ BHYT. Các đại biểu đề nghị, Bộ Y tế có biện pháp mạnh nào để chấm dứt tình trạng này?

Giải đáp nội dung nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ vừa tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các địa phương và đơn vị trực thuộc y tế về BHXH và BHYT, thấy có tình trạng lạm dụng từ hai phía, một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân. Việc thông tuyến đã khiến một số người dân lạm dụng đi khám rất nhiều, có những người khám từ 20 đến 30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám... Đối với các cơ sở y tế, do cơ chế tự chủ tài chính cho nên muốn tăng nguồn thu từ kỹ thuật xét nghiệm, từ dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi đối với người bệnh…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, giải pháp của Bộ là sẽ làm quy trình khám, chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát và cùng với BHXH sẽ có những định mức chi, trong đó chú trọng quyền lợi của người dân. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tự chủ, nhưng có sự quản lý chặt của Nhà nước và đổi mới toàn diện mô hình tự chủ. Hiện nay, Bộ đã ban hành thông tư để hướng dẫn, quy định công nhận kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác. Trước mắt, từ tháng 6 này, các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh phải công nhận các kết quả xét nghiệm của nhau và lộ trình này đến năm 2018 sẽ hoàn thành.

Đề cập thực trạng tuyến y tế cơ sở hiện nay, một số đại biểu chất vấn: Đội ngũ y tế ở cơ sở vừa thiếu lại vừa yếu, chất lượng chuyên môn kém, dẫn đến trạm y tế xã chỉ đảm nhiệm được 50% công việc. Nhất là, nhiều nơi y tế xã không có cả nhân lực lẫn trang, thiết bị. Các đại biểu đề nghị, thời gian tới Bộ Y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Giải đáp về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Y tế cơ sở đang được ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là khắc phục những vấn đề còn yếu kém. Ngoài ra, về tài chính đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng thực tế chỉ chiếm 3 đến 5%, trong khi nhu cầu cần lên đến 30%. Các nguồn tài chính, trong đó có trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA đã đầu tư cho tuyến bệnh viện huyện, tỉnh và các cơ sở, nhưng trạm y tế xã thì chưa có… Do vậy, Chính phủ đã ban hành nghị quyết và sắp tới Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về bộ máy, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và hoạt động cho y tế xã. Trong đó, Bộ sẽ phối hợp Tổ chức Y tế thế giới xây dựng đội phản ứng nhanh, hiện đang vẽ bản đồ hơn 10 nghìn trạm y tế xã trong toàn quốc và sẽ giao cho Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện vẽ bản đồ và chọn những trạm cần đầu tư. Đồng thời, tranh thủ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại của EU thông qua các dự án ODA để đầu tư hạ tầng cho trạm y tế xã ở địa bàn Tây Nguyên và một số địa phương miền núi phía Bắc…

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về giá thuốc chữa bệnh hiện nay quá cao, đồng thời đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng này là cần tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam, vận động người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam, từ đó có thể sản xuất thuốc phục vụ khám, chữa bệnh và xuất khẩu thuốc… Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Y tế cho biết, Bộ đã có chương trình vận động người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam và có nhiều hoạt động ưu tiên thuốc chữa bệnh do Việt Nam sản xuất. Về phát triển công nghiệp dược, đây là nội dung đã được quy định trong Luật Dược và Bộ Y tế đang tích cực phối hợp Bộ Công thương để triển khai các công việc liên quan.

Tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề chung quanh BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã báo cáo thêm về Quỹ BHYT - vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Theo đó, BHYT hiện nay đang phát huy khá hiệu quả vai trò trong đời sống của người dân, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế, mỗi năm khám, chữa bệnh cho 150 triệu lượt người; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên… Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT đang diễn ra tương đối phổ biến. Để Quỹ BHYT không bị bội chi, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả BHYT để Quỹ BHYT thật sự có tác dụng đối với người bệnh; những đối tượng, trường hợp lạm dụng BHYT sẽ không được thanh toán.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn. Bộ trưởng Bộ Y tế nắm chắc tình hình, thực trạng, những vấn đề bức xúc thuộc ngành mình quản lý. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình, hài lòng của nhiều đại biểu QH, tuy nhiên, một số nội dung trả lời, trao đổi còn chưa rõ ràng. Chủ tịch QH nêu rõ những hạn chế của ngành Y tế hiện nay, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan liên quan cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, từ đó có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo, khắc phục những hạn chế.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Thu Hà (Lào Cai) nêu vấn đề: Thời gian qua, công tác phân bổ, bố trí vốn cho từng dự án ở các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều bất cập, kéo theo hệ quả là thời gian hoàn thiện kéo dài, quá trình tổng hợp và giao kế hoạch không đáp ứng thời hạn theo quy định, giao vốn làm nhiều lần... Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn cũng dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư, bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí vốn dàn trải. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành và nêu rõ giải pháp khắc phục.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước kia, việc quản lý pháp luật chưa chặt chẽ cho nên hiệu quả đầu tư công còn hạn chế, nhất là sự dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn (gấp khoảng ba lần). Để khắc phục, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng các giải pháp, triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng cơ cấu lại đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong đầu tư công để các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch phát triển đô thị là căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công.

Đối với chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, Luật Đầu tư công được ban hành đã quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ với sự liên quan của nhiều cơ quan, tổ chức nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí, khắc phục những hạn chế. Tuy nhiên, do Luật Đầu tư công lần đầu được ban hành và áp dụng cho nên còn nhiều bất cập và hạn chế, nhất là sự bất cập về đáp ứng thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án, dẫn tới hệ quả là giao vốn chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn và hiệu quả dự án.

Nhận trách nhiệm khi chưa kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, cũng như Nghị quyết của QH và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành; chủ động khắc phục những khó khăn, bất cập về quy định pháp lý để đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo quy định, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục, phương án phân bổ... Đổi mới phương pháp quản lý đầu tư công, trong đó triển khai áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý đầu tư công trực tuyến nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan cũng như khắc phục những sai sót.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt đã được đưa ra, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án FDI phù hợp định hướng phát triển của Việt Nam.

Trong phiên chất vấn sáng 15-6, các đại biểu QH đã đặt hàng loạt câu hỏi về việc huy động, sử dụng vốn còn bất cập với Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: Thời gian qua còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư công. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây lãng phí trong thời gian qua.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) băn khoăn về cơ chế thanh toán cho dự án đầu tư theo hình thức BT được tính từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, thấp hơn nhiều so với khi dự án được hoàn thành. Điều này dễ làm thất thoát quỹ đất. “Các bộ, ngành có liên quan có giải pháp gì trong thời gian tới”, đại biểu Hiền hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng đồng ý rằng thời điểm thanh toán các dự án BT đang có nhiều vấn đề. “Khi ký kết hợp đồng BT thì giá đất khác, còn khi hoàn thành dự án thì giá đất khác. Do vậy, cần xây dựng cơ chế thích hợp để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và các địa phương”, Bộ trưởng Dũng cho biết. 

Các đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân gốc rễ của việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tỏ ra lúng túng.

Nói thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng nêu: Do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp, vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.

“Việc phân bổ vốn không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ, ngành quyết định”, ông Dũng khẳng định.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận với Bộ trưởng. Ông Hàm không đồng tình khi Bộ trưởng Dũng cho rằng trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương chứ không có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch. Theo ông Hàm, Bộ KH và ĐT có chức năng thẩm định nguồn, cân đối nguồn. “Với lực lượng vài trăm người của Bộ có làm được không hay chậm nên ách tắc đầu tư?”, ông Hàm hỏi.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu thực tế địa phương kêu rất nhiều chuyện thiếu tiền đầu tư và phải cam kết. Nếu không cam kết thì không được đăng ký vốn. Ông Hàm lo lắng, nếu tình trạng bố trí vốn dàn trải tiếp diễn, khi chi phí tăng lên thì nhiều công trình sẽ thiếu toàn bộ vốn đầu tư ban đầu.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu QH về kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8-2014, sau đó đã được QH thông qua. Hiện nay, số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200 nghìn tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành…).

Theo Bộ trưởng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2018-2019.

Trả lời đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.

“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta có vấn đề. Nhiều dự án còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị. Một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết”, Bộ trưởng nêu thực tế.

Ông cho biết thêm: Nhiều năm trước, việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn có thể cân đối vốn thực hiện, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số dự án đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012-2013 có khoảng 15 nghìn dự án thì nay giảm chỉ còn 4.000-5.000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền đối với Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn đã ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tinh thần của luật không đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ với chuyện phân cấp cho các địa phương.

Theo Bộ trưởng, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách cần được thẩm định và xác định nguồn một cách kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát như trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ KH và ĐT. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương tự quyết định.

Chiều 15-6, QH chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com