Sáng qua (12-6), với 436/439 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt 88,80%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Theo đó, trong năm 2018, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.
Ðồng thời, theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
“Do đó, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2018, về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 6 để tập trung cho các nội dung nêu trên. Ðồng thời, bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 6 vào dự thảo Nghị quyết”.
Theo đó, Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 quy định: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật...
Cũng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Với 410/442 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt 85,50%), Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật có 4 chương, 35 điều, có hiệu lực từ 1-1-2018.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ðiều 4). Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Luật cũng quy định, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Ðiều 11). Theo đó, căn cứ điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt (khoản 1).
Căn cứ điều kiện ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng (khoản 2).
Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại khoản 2 Ðiều này được thực hiện thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để giảm giá cho thuê mặt bằng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Số tiền bù giá được trừ vào số tiền thuê đất hoặc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất không áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn Nhà nước.
Trước đó, trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, Luật ra đời sẽ góp thêm động lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Cũng tại phiên làm việc sáng 12-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Ðại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá nhiều năm nay, quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Ðại biểu phân tích nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn thuế. Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác, tuyệt đối số hoàn thuế.
Ðại biểu đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu theo 2 cách: Thứ nhất, kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế, để quyết toán chính xác số thu ngân sách. Cách thứ 2 là chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách Nhà nước thực sự được hưởng, là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế.
Ðề cập tới việc thực hiện kỷ luật ngân sách, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những vấn đề nổi cộm như chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn ứng không đúng quy định... vẫn diễn ra. Kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA còn bất cập, yếu kém, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm về tài chính ngân sách.
Ðại biểu Quang Hàm nêu: Hằng năm khi phê chuẩn quyết toán, Nghị quyết của Quốc hội đều có một điều ghi rõ việc phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình quyết toán năm sau. Tuy nhiên trong báo cáo quyết toán, nội dung này được thể hiện thiếu cụ thể, không rõ kết quả, mức độ xử lý. Ðể chấn chỉnh kỷ luật ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc có một Nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, giao cho cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ xử lý vi phạm.
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 21 về điều chỉnh dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014; trong đó giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về “thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra”, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương tổ chức thực hiện. Ðánh giá báo cáo của Chính phủ còn rất chung về nội dung này, đại biểu Mai Sỹ Diến thống nhất như kiến nghị của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là Chính phủ phải có một báo cáo riêng nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục. “Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương, nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch tỉnh nghiêm, chủ tịch tỉnh không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch huyện nghiêm...” - đại biểu nói.
Góp ý việc chấp hành quy định của pháp luật về thu ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng so với dự toán thu, nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là hơn 83.700 tỷ đồng; việc tăng thu chủ yếu lại từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân của vấn đề trên như báo cáo của Kiểm toán là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước thực hiện năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn…
“Một điều đặt ra là các địa phương tăng thu nhưng việc thu hồi vốn ứng trước dự toán năm 2015 là hơn 79 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn này qua nhiều năm chưa được thu hồi; việc ứng trước dự toán chưa bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết của Quốc hội, đó là việc điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao, không cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau. Trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm để tồn tại trên kéo dài, không đúng theo Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ”- đại biểu đánh giá.
Kết luật nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: việc sửa đổi, bổ sung Chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và dự thảo Luật Quản lý ngoại thương; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.
PV