Cần các giải pháp đồng bộ, căn cơ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng

07:06, 12/06/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV, ngày 9-6, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2017. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì; Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung.

Chương trình làm việc ngày 9-6 là một nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm theo dõi của các đại biểu QH, cử tri và nhân dân cả nước. Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu: Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và nhiều đại biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành nền kinh tế, nhất là quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính hành động và phục vụ. Chính phủ thời gian qua chỉ đạo, điều hành với những bước đi đúng đắn, tạo bước phát triển khả quan. Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cùng với sự ổn định trật tự, an toàn xã hội củng cố niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng của nước ta năm 2017 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tránh thất thoát, nâng cao chất lượng các dự án công trình. Điều này góp phần rất lớn trong việc huy động các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Bởi vì, trong điều kiện còn hạn chế như hiện nay, việc huy động nguồn lực trong dân cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là cấp thiết. Chính phủ cần tiếp tục đề ra các biện pháp kiềm chế lạm phát nhằm tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân, nhà đầu tư, tích cực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm thống nhất việc mở rộng, hình thành các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện gắn với cải cách, hoàn thiện bộ máy, nhất là xây dựng tác phong cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại với tinh thần cống hiến, phục vụ...

Bày tỏ băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm mà Chính phủ đưa ra trong Báo cáo KT-XH, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ giải thích rõ, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để bảo đảm tính khả thi cao. Theo đại biểu, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư là những giải pháp quan trọng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình đầu tư từ NSNN đang khó khăn, nhất là các công trình đầu tư từ ngân sách Trung ương. Do đó, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, tiếp tục bố trí vốn để triển khai dứt điểm những công trình đang thi công dở dang. Trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần thành lập các đoàn, tổ công tác kết hợp với địa phương do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn đang gặp khó khăn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để tháo gỡ khó khăn qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng, giải quyết việc làm...

Một trong những giải pháp Chính phủ cần quan tâm hơn nữa là chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành và quy hoạch vùng kinh tế, chú trọng gắn liên kết phát triển KT-XH theo vùng, thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu ban hành cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, từ đó điều phối giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm và với các vùng khác.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và các đại biểu: Thạch Phước Bình, Bùi Thị Quỳnh Thơ, Nguyễn Tuấn Anh, Phùng Đức Tiến... nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã cố gắng chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực như phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, quản lý tài nguyên, khoáng sản... Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua giúp tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị và quy mô sản xuất. Thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã giúp xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và hiện đại tại nhiều địa phương. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đồng tình cao với quan điểm của Chính phủ là cơ cấu lại nông nghiệp phải gắn với phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, lấy thị trường quốc tế là mục tiêu, bên cạnh coi trọng thị trường trong nước. Từ đó xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng và giá trị cao, bảo đảm tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời gắn với việc ứng phó có hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu, quan tâm phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân...

Về vấn đề này, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho rằng, trong những năm gần đây, cử tri rất phấn khởi trước những kết quả đạt được của nền nông nghiệp nước nhà, hàng hóa nông sản không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và giá trị của hàng nông sản. Trong thời gian qua, các biện pháp tình thế, “giải cứu” hàng nông sản lại được đặt ra chưa thể làm yên lòng người nông dân. Để tìm giải pháp “lối ra” về lâu dài, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Chính phủ vừa qua dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đây là chủ trương đúng đắn cần được triển khai kịp thời và giám sát chặt chẽ. Các đại biểu QH đề nghị tăng thời gian hỗ trợ lãi vay đối với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vì đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn, hơn nữa tạo điều kiện giao thêm quỹ đất cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.

Qua ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu đề cập về kết quả giảm nghèo vừa qua chưa bền vững. Tại nhiều địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa nội dung về phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực, đổi mới, xây dựng các mức đầu tư, phân bổ ngân sách, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, phát triển KT-XH phù hợp. Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Mùa A Vảng (Điện Biên), Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm người dân vùng tái định cư trong các công trình thủy điện về công tác bố trí đất sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm...

Tại hội trường, các đại biểu: Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Tống Thanh Bình (Lai Châu), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên)... phát biểu ý kiến thảo luận và chất vấn Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ chung quanh nhiều nội dung liên quan đổi mới cơ chế tài chính ngành giáo dục; cải cách giáo dục; chính sách đối với học sinh, sinh viên khó khăn; chế độ, chính sách, quy định đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác tại khu vực khó khăn...

Nêu những quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, đại biểu Tống Thanh Bình cho biết: Hiện đã có nhiều thôn, bản, xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a hoàn thành Chương trình 135, chuyển từ khu vực 3 sang khu vực 2. Do vậy, đối tượng học sinh là con hộ nghèo có hộ khẩu tại khu vực này sẽ không được tiếp tục hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định 116. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nghị định 116 quy định ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn nhưng trong quá trình một số xã thuộc Chương trình 30a thoát khó khăn, học sinh, sinh viên không được hưởng chế độ ưu đãi, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ. Trong phiên họp vừa qua, Chính phủ cũng thể hiện quan tâm đối với nội dung này, trong đó đối với đối tượng học sinh mầm non năm tuổi, không phân biệt người dân tộc, tất cả học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí bắt đầu từ năm 2018. Đối với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ có biện pháp hỗ trợ.

Trước tình trạng bạo lực học đường xảy ra với mức độ, hậu quả nghiêm trọng, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ cần có biện pháp để hạn chế tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Thực tế cho thấy một số cơ sở cai nghiện quá tải, vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội hóa công tác cai nghiện còn hạn chế. Đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện... Về giải pháp để giảm dần bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, ban hành các kế hoạch, chỉ thị, thông báo gửi cơ sở giáo dục, các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp giảm tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.

Nhiều đại biểu QH đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác: Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các đại biểu cũng đề cập việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước; cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước; cải cách thể chế kinh tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có những giải pháp giải quyết vấn đề tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu tham gia phát biểu, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Thứ bảy, ngày 10-6-2017, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.

Chủ nhật, ngày 11-6-2017, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 12-6-2017, QH làm việc tại hội trường, buổi sáng, biểu quyết thông qua một số nội dung và thảo luận về quyết toán NSNN năm 2015; buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, biểu quyết thông qua Luật Quản lý ngoại thương và thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com