Ngày 2-6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 10. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật nêu trên.
Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Đa dạng hóa việc chuyển giao công nghệ
Buổi sáng, các đại biểu QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật CGCN (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo luật trình QH tại kỳ họp thứ 3 gồm có sáu chương, 63 điều, tăng một điều so với dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ hai.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật CGCN (sửa đổi), đề cập vấn đề về chính sách của Nhà nước đối với việc CGCN, được nêu trong dự thảo Luật (tại Điều 4), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu cho rằng, chính sách của Nhà nước về CGCN đề cập khá toàn diện, phù hợp tình hình đất nước hội nhập và phát triển hiện nay. Do vậy, sẽ tạo sự đa dạng hóa trong CGCN trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo Luật cần bổ sung quy định ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc CGCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo; có chính sách khuyến khích CGCN trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như đã ưu tiên CGCN trong lĩnh vực y tế và môi trường.
Đồng thời, cần quy định chi tiết hơn trong dự thảo Luật về việc hạn chế tiếp nhận CGCN không phù hợp. Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật khi nghiên cứu xem xét quy định các hồ sơ cần phải đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường… Theo đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), dự thảo Luật cần quy định rõ quyền chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ khi các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp không tiếp tục sản xuất được do nguyên nhân khách quan, việc chuyển giao lại phục vụ lợi ích cộng đồng, tránh lãng phí...
Về vấn đề này, đại biểu K’ Nhiễu (Lâm Đồng) và một số đại biểu lại cho rằng, về chính sách Nhà nước đối với hoạt động công nghệ quy định tại Điều 4, trên thực tế, Luật CGCN đã được thực hiện 10 năm, nhưng việc hoạt động CGCN vẫn còn trầm lắng, chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách của Nhà nước đối với CGCN. Dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng thành quy định pháp lý. Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần bổ sung chính sách và cơ chế đồng bộ để khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, các trường, các sở công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, việc thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến là yêu cầu cấp thiết, chúng ta có động lực, có những tri thức đang làm chủ công nghiệp, công nghệ tiên tiến, cần có chính sách thu hút tiếp nhận CGCN từ nguồn lực này. Đồng thời, cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ và cơ chế hoạt động; bổ sung quy định chính sách của Nhà nước ưu tiên CGCN ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghệ sản xuất giống, cây trồng ở vùng ngập mặn, khô hạn.
Đề cập về việc thẩm định công nghệ dự án đầu tư (tại chương 2), đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên quy định về thẩm định công nghệ nên được thiết kế theo hướng quy định từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư và trong mỗi giai đoạn nên quy định cụ thể về hồ sơ trình tự thủ tục thực hiện.
Tại phiên làm việc, Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của đại biểu QH đã nêu trong dự án Luật CGCN (sửa đổi).
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vũ khí, vật liệu nổ
Buổi chiều, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Sau đó, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các đại biểu: Quàng Thị Vân (Điện Biên), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Sùng Thìn Cò (Hà Giang), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), Tô Văn Tám (Kon Tum)... và nhiều đại biểu cho ý kiến về quản lý, sử dụng vũ khí, qua hai phương án quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vũ khí; thủ tục xuất nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ trong hoạt động văn hóa theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ...
Chung quanh đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, nhiều đại biểu QH đồng tình việc quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, nên để Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng quy định cụ thể là phù hợp. Mặt khác, việc quy định cụ thể số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đơn vị quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, công an nhân dân thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định chung và giao Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng quy định cụ thể.
Về các quy định nổ súng (Điều 21 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ), một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành. Một số ý kiến khác cho rằng, Luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định nổ súng phải bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, tránh trường hợp lạm dụng hoặc nổ súng vượt quá giới hạn. Phần lớn ý kiến của đại biểu QH đồng tình với quan điểm được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định nguyên tắc chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra; đồng thời, các trường hợp cụ thể được nổ súng bảo đảm tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.
Vì vậy, đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo Luật. Đại biểu Tô Văn Tám và một số đại biểu cho rằng nên quy định nguyên tắc khi nổ súng không cần cảnh báo và nguyên tắc khi nổ súng cần cảnh báo, được đề cập rõ ràng hơn trong dự thảo Luật. Nhiều đại biểu đề nghị với nội dung quy định nguyên tắc chỉ nổ súng cần “hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra”, cần đề cập rõ “hạn chế thiệt hại về tính mạng con người và tài sản”.
Theo một số đại biểu, bên cạnh việc quy định một số hành vi cụ thể được phép nổ súng không cần cảnh báo phù hợp với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, bảo đảm thời cơ và yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự thảo Luật cũng cần quy định về các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Thứ bảy, ngày 3-6-2017, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.
Chủ nhật, ngày 4-6-2017, QH nghỉ.
Hôm nay, thứ hai, ngày 5-6-2017, QH làm việc tại hội trường, nghe trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 và thảo luận về nội dung này. Phiên làm việc của QH sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.
PV