Sáng 7-6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về XLNX của các TCTD, nhiều đại biểu cho rằng, đây là thời điểm cần ban hành Nghị quyết để phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong điều kiện chưa có văn bản pháp lý đồng bộ về XLNX. Nêu những vấn đề đặt ra trong dự thảo Nghị quyết mang tính khả thi, phù hợp thực tiễn, không trái quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan, các đại biểu: Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội), Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ)... cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH và báo cáo tiếp thu góp ý của Chính phủ về vấn đề triển khai thảo luận dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện ngay khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành; quan tâm đặc biệt đến việc TCTD phải tuân thủ các quy định để không đòi nợ, không tùy tiện chuyển nợ thường thành nợ xấu. Hơn nữa, quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do thực hiện cam kết, thỏa thuận giữa các bên và khi có sự vi phạm cam kết của bên bảo đảm; cấm các TCTD lạm quyền thu giữ, lạm dụng cơ quan Nhà nước trong việc thu giữ tài sản bảo đảm...
Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Nghị quyết cần có những quy định cụ thể, rõ ràng việc xử lý những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Về mặt khoa học, phải tìm được nguyên nhân mới có giải pháp triệt để. Thực tiễn hiện nay có nhiều khoản cho vay vượt quá giá trị của tài sản bảo đảm nhiều lần, nhiều khoản cho vay biết trước không thể thu nợ được nhưng vì những lý do khác nhau, TCTD vẫn cho vay.
Tại hội trường, các ý kiến đại biểu nhấn mạnh, việc XLNX phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản là không dùng ngân sách để XLNX; và cần xử lý nghiêm trách nhiệm của người hoặc tổ chức gây ra nợ xấu. Về thủ tục rút gọn, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật Dân sự và phối hợp cơ quan công quyền khi thực hiện thu giữ tài sản. Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đề cập cơ chế thu hồi về xử lý tài sản, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là một quá trình hết sức khó khăn, phức tạp do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản và những người có liên quan. Vì vậy QH phải có một cơ chế rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này, nhất là đối với trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thu giữ, xử lý tài sản của người Việt Nam, “nếu không sẽ không lường được những hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, trật tự xã hội”.
Nhiều đại biểu phản ánh, trong thực tế, giải quyết tranh chấp tài sản bảo đảm là những vụ án hết sức phức tạp, giá trị tài sản lớn, cần thẩm định, định giá, phát sinh nhiều mối quan hệ pháp luật, do đó vụ án thường kéo dài, không áp dụng các thủ tục rút gọn. Để xử lý tài sản bảo đảm, giải quyết nợ xấu đạt hiệu quả cao, theo đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần có nghị quyết để thống nhất áp dụng pháp luật trong toàn hệ thống tòa án liên quan xử lý tài sản bảo đảm.
Liên quan một số vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng báo cáo giải trình nhiều nội dung, trong đó nêu rõ: Không có một quy định nào trong dự thảo nghị quyết này có thể gây ra, hoặc tạo điều kiện cho các TCTD, các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, qua thanh tra, giám sát, cơ quan thanh tra giám sát của ngân hàng đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển và chỉ đạo các TCTD cũng như trực tiếp Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang cơ quan điều tra các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây tổn thất và nợ xấu cho ngân hàng. “Chúng tôi định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, tạo điều kiện tăng cường năng lực thanh tra, giám sát cũng như yêu cầu các TCTD tăng cường năng lực quản trị điều hành, để hạn chế phát sinh nợ xấu” - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn trong dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) chưa có những quy định liên quan bảo vệ nguồn nước ở sông, suối, ao, hồ nằm trên địa bàn rừng. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đây đều là những thực thể có ảnh hưởng trực tiếp đến rừng, cũng như hệ thực vật của rừng. Do đó, dự án Luật cần bổ sung một số điều, khoản, góp phần ngăn chặn các hành vi cố ý gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn rừng. Ngoài ra, khuyến khích người dân tạo ra những hồ nước cỡ nhỏ, bảo đảm nguồn nước để phát triển rừng, tránh tình trạng cạn kiện nước sau mỗi đợt mưa lũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho rừng.
Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình giữ nguyên tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng thay vì Luật Lâm nghiệp, bởi việc chuyển đổi tên gọi sẽ khiến Luật này không thể hiện được chủ trương của Đảng, mà cụ thể là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu quan điểm, trong dự án Luật có 8 trong tổng số 12 chương là về vấn đề bảo vệ rừng, trong khi đó chỉ có 4 chương nói về lâm nghiệp, vì vậy nên giữ nguyên tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng là phù hợp. Một số ý kiến khác cho rằng, khái niệm chủ rừng trong dự án Luật còn chưa rõ ràng, có thể tạo sơ hở, gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, cần có thêm những chính sách rõ ràng về bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, nên nghiêm cấm sử dụng, buôn bán gỗ quý với mục đích xây dựng, sinh hoạt hằng ngày, thay vì chỉ tập trung chặn bắt vận chuyển gỗ quý trái phép như hiện nay...
Đối với dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cần được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng. Một số đại biểu kiên quyết bày tỏ việc không đồng ý cho các cá nhân, đơn vị nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Đại biểu Lâm Quang Đại (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, đây còn là vấn đề liên quan quốc phòng - an ninh, cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia. Một số đại biểu dẫn ý kiến cử tri cho rằng, nên sử dụng khái niệm “tàu đánh bắt thủy hải sản” thay cho “tàu cá”, bởi ngữ nghĩa của cụm “tàu đánh bắt thủy hải sản” có phạm vi rộng hơn. Từ đó, tạo thêm điều kiện để ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền Tổ quốc.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 8-6, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi.
Cho ý kiến về chính sách Nhà nước về thủy lợi, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn chứng: hiện trạng thủy lợi nước ta với 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa; gần 7.000 hồ các loại; hơn 10 nghìn đập dân, với hàng nghìn km đê biển. Trong đó có nhiều công trình mới nhưng cũng có nhiều công trình đã xuống cấp cần nguồn vốn lớn để duy tu, bảo dưỡng và phát triển. Dự án Luật có 8 khoản chính sách, trong đó, 2 khoản quy định ưu tiên, ưu đãi, 5 khoản quy định hỗ trợ và 1 khoản quy định khuyến khích. Với nội dung như vậy, đại biểu thấy rằng dường như vẫn xác định vai trò đầu tư của Nhà nước là chính, chưa thể hiện được định hướng căn bản trong chính sách, phương thức quản lý đối với hoạt động thủy lợi.
Cần bổ sung một khoản trong chính sách là: đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Quy định như vậy nhằm để tương thích với một số điểm đã quy định về dịch vụ thủy lợi tại Chương 5: Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi.
Khi Luật có hiệu lực, cơ chế phí của thủy lợi giờ chuyển sang giá cơ chế thị trường, trong lộ trình chuyển đổi như vậy, việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xã hội cho việc đầu tư phát triển thủy lợi là hướng đi cần phải được đề cập ở đây - đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý về nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, một số ý kiến cho rằng cần quy định huy động chính sách đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để toàn xã hội thực hiện. Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng công trình thủy lợi cần nguồn vốn lớn, nhưng thu hồi vốn chậm và chịu nhiều rủi ro nên khó thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Do đó, các công trình thủy lợi lớn đảm bảo phục vụ phòng, chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp, quốc phòng, an ninh cần vốn đầu tư lớn cần quy định đầu tư bằng ngân sách Nhà nước; các công trình nhỏ, nội đồng do địa phương quản lý và tùy theo thực tế Nhà nước có cơ chế chính sách từng bước huy động xã hội hóa. Song, cần có lộ trình cụ thể vì hoạt động thủy lợi còn phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, tưới tiêu, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu...
Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định “người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng’’, bởi có hai tình huống có thể xảy ra. Đại biểu phân tích: Khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ chuyển từ thủy lợi phí sang giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi.
Các tổ chức, cá nhân phải trả tiền để sử dụng dịch vụ thủy lợi; ngoài ra họ phải chịu thêm phí đầu tư xây dựng công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Quy định như vậy sẽ tạo nên áp lực gánh nặng về kinh tế đối với người nông dân.
Tình huống thứ hai là trường hợp khu đất canh tác của người nông dân nằm cách xa công trình thủy lợi, đầu mối công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phải đi qua khu đất của người khác mà họ không đồng ý xây dựng công trình thủy lợi đấu nối đi qua, sẽ khó thực hiện. Vì vậy, Ban soạn thảo nên nghiên cứu theo hướng tạo thuận lợi hơn với người nông dân.
Đồng tình với quy định trong dự án Luật: đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải tính toán chặt chẽ các yếu tố, địa chất, địa chấn, đảm bảo an toàn cao nhất về công trình, tính mạng con người, tuy nhiên đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu rõ: Ngoài yếu tố an toàn công trình, việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi còn phải tính tới yếu tố rất quan trọng khác nữa đó là an toàn về tài sản của nhân dân, tính đến hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội để đảm bảo không lãng phí trong đầu tư xây dựng, khi nguồn lực của đất nước còn rất khó khăn.
Đại biểu đề xuất cần bổ sung và chỉnh sửa quy định này thành: “Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phải tính toán chặt chẽ các yếu tố, địa chất, địa chấn, hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội để đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình, tính mạng con người và hiệu quả của việc đầu tư’’.
Đối với quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi, đại biểu Dương Tuấn Quân nêu quan điểm: Dự án Luật đã quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhưng cần bổ sung thêm một khoản quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi phải được công bố, công khai rộng rãi để người dân, người sử dụng dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan có thể theo dõi, giám sát.
Thời gian qua không ít vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về tài sản, mùa màng của người dân vùng hạ lưu liên quan đến quy trình xả lũ nhưng qua kiểm tra đều cho rằng, vận hành đúng quy trình dẫn đến người dân, cử tri bức xúc và nghi ngờ rằng vận hành có sai phạm trong quy trình vận hành công trình thủy lợi.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để bảo đảm quy trình vận hành công trình thủy lợi được an toàn, đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp người nông dân biết rõ để điều tiết hoạt động cho phù hợp, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực thủy lợi.
Cùng ý kiến, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) khẳng định quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn có một số công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành vì vậy tại điểm d quy định đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là quy định mở để xử lý các trường hợp cụ thể này.
Nhưng khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, quy định như thế này sẽ dễ tạo ra sự lợi dụng khe hở của pháp luật để chây ì, đùn đẩy hoặc bỏ qua trong việc thực hiện xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi. Đại biểu kiến nghị cần xem xét quy định lại điểm d khoản 2 điều này theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi.
Từ trách nhiệm lập, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi, theo đại biểu Nhung, tại quy định về quản lý công trình thủy lợi, ngoài những nhiệm vụ mà điều Luật đã nêu ra, cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát vận hành công trình thủy lợi. Giám sát rất quan trọng đối với quy trình vận hành các công trình thủy lợi nhằm hạn chế sai phạm của các cơ quan chủ quản, tránh gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi.
Thực tế trong thời gian qua có những trường hợp các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi biết hậu quả của việc vận hành không đúng quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Lấy một số ví dụ điển hình, đại biểu cho rằng để bảo đảm các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi vận hành đúng quy trình cần giám sát chặt chẽ việc vận hành từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi.
Đại biểu Nguyễn Thị Vân (Yên Bái) nêu quan điểm: Ban soạn thảo cần quy định các chế tài đối với chủ quản lý khi công trình xảy ra sự cố vì đã có những trường hợp xảy ra sự cố do sự thiếu trách nhiệm trong thời gian qua tại một số địa phương.
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; thảo luận tại Hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.
PV