Sáng 19-6, với 408/424 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm 2 thẩm phán TAND Tối cao.
Theo đó, ông Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1966, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm là Thẩm phán TAND Tối cao.
Căn cứ Nghị quyết này của Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ bổ nhiệm 2 ông này từ ngày 1-7-2017.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 thẩm phán TAND Tối cao.
Sau đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cả 2 nhân sự đều được số phiếu cao từ các đại biểu Quốc hội.
Sau khi Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm 2 thẩm phán; với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.
Cũng trong sáng 19-6 tại hội trường Nhà Quốc hội, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Nhiều ý kiến băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời thống nhất đề nghị đổi tên dự luật thành Luật Lâm nghiệp.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) bày tỏ sự bức xúc khi rừng ngày càng bị tàn phá bởi bàn tay con người. Rừng tự nhiên tại Tây Nguyên ngày càng ít, thay thế bằng những rừng trồng cao su. Trong khi đó, “cây cao su không thể dùng phủ xanh đồi trọc được vì thải ra khí CO2, không con gì tồn tại được trong rừng cao su”, đại biểu Hà nói.
Thực tế tại Tây Nguyên, đất rừng còn bị đào bới mang đi bán. Đại biểu Ksor Phước Hà đề nghị cần xử lý việc lấy đất rừng như việc lấy cây rừng.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng dự thảo Luật chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cụ thể khi rừng bị phá, cháy rừng và mất rừng. Nên bổ sung thêm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ cháy rừng, phá rừng thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đồng tình cho rằng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp như dự thảo không hợp lý. Ông Thắng dẫn giải một nội dung còn băn khoăn về quy định thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
“Hiện nay, lực lượng kiểm lâm có chuyên môn, có chức năng quyền hạn rõ ràng, được trang bị công cụ hỗ trợ mà còn khó khăn trong việc bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với những quy định khái quát trong dự thảo sẽ không đủ thẩm quyền xử lý vi phạm. Họ không có công cụ hỗ trợ, hoạt động độc lập không có sự phối hợp với kiểm lâm thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu Phạm Tất Thắng nhận định.
Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho biết: Hoàn toàn không thấy quy định về vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể xã hội trong bảo vệ rừng. Nên nghiên cứu bổ sung các tổ chức này. Thứ 2, cần rà soát các điều khoản về trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, vai trò cụ thể của UBND cấp tỉnh, huyện, xã, chủ tịch tỉnh, huyện, xã; đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để có sự thống nhất.
Cũng liên quan đến việc phân trách nhiệm bảo vệ rừng, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng cần gắn trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng với việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư. Cần quy định cơ chế chia sẻ quyền lợi rừng với người dân để họ yên tâm bảo vệ rừng.
Hiện dự thảo Luật không có điều khoản riêng về chính sách phát triển rừng, ưu tiên với đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung điều này.
Liên quan đến tên gọi của dự thảo Luật, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ, đổi tên dự án luật thành Luật Lâm nghiệp để vừa ngắn gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phạm vi điều chỉnh được bao quát hơn.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tên Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, bao quát đủ các nội dung, các hoạt động của lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng, chế biến thương mại... với tư cách lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù.
Việc xác định tên như vậy cũng là thể chế hóa quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết 26/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham khảo luật pháp quốc tế, hầu hết quốc gia đều ban hành Luật Lâm nghiệp hoặc Luật về Rừng.
Về đề nghị của các đại biểu ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao rừng gắn với giao đất... Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để việc giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung và tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.
Chiều 19-6, Quốc hội họp riêng để biểu quyết thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào./.
Theo chinhphu.vn