Quản lý chặt chẽ nợ công

07:06, 19/06/2017

Ngày 16-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nghe Bộ Tài chính giải trình ý kiến của đại biểu; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Thẩm phán TAND Tối cao và thảo luận ở Đoàn về việc phê chuẩn bổ nhiệm nêu trên. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và nghe giải trình ý kiến của đại biểu về dự án luật này.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm việc quản lý chặt chẽ nợ công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Muốn vậy, trước hết phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật, để từ đó có những quy định cụ thể, chính xác, hiệu quả. Về vấn đề này, một số đại biểu nhất trí như Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành, theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) và một số đại biểu khác bày tỏ băn khoăn về phạm vi nợ công. Theo đó, Ban soạn thảo cần chỉ ra rõ ràng hơn, cụ thể hơn, minh bạch hơn các loại nợ công hiện nay để từ đó có những quy định cụ thể, phù hợp. Việc xác định đúng phạm vi nợ công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn tài chính quốc gia. Các đại biểu đề nghị bổ sung các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vì cho rằng, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Có đại biểu nêu rõ, việc quy định nợ của các DNNN trong phạm vi nợ công sẽ giúp Chính phủ, QH nhìn rõ hơn thực trạng nợ công và từ đó sẽ có những giải pháp quyết liệt để quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, luật cần có những quy định giám sát chặt chẽ cả những khoản không nằm trong phạm vi nợ công bởi những khoản nợ này khi tăng cao cũng sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh tài chính quốc gia.

Về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, nhiều đại biểu QH đồng ý với Dự thảo luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH và ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ... nhưng nêu rõ, dự thảo mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình thêm các vấn đề được các đại biểu QH nêu ra về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đồng thời nêu rõ: Ban soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục hoàn thiện luật này để trình QH trong thời gian tới. Tinh thần đặt ra yêu cầu về quản lý nợ công là hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách công cụ bộ máy quản lý nợ công, bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và cả hiệu quả của nợ công, nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Sau khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), QH đã nghe Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Thẩm phán TAND Tối cao và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nêu trên.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), với 397 đại biểu tán thành, bằng 80,86% tổng số đại biểu QH.

Thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) và nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo, như: qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, một số luật hiện hành đã ghi nhận các hình thức này, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo. Qua đó, đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

Một số đại biểu nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Quy định như vậy phù hợp điều kiện hiện nay, khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý cần quy định cụ thể, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo.

Nhiều đại biểu nêu rõ, công tác giải quyết tố cáo đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức liên quan, từ việc tiếp nhận, thụ lý, xác minh, ban hành quyết định giải quyết tố cáo, tạm đình chỉ, bảo vệ người tố cáo… Tuy nhiên, trong Dự thảo luật mới chỉ quy định chung về trách nhiệm phối hợp trong công tác này; do đó, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả.

Theo các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) và nhiều đại biểu, các quy định về bảo vệ người tố cáo trong Dự thảo luật còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ việc bảo vệ người tố cáo. Do đây là nội dung quan trọng, là một trong những trọng tâm trong sửa đổi luật, cho nên cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để có quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của luật.

Thứ bảy, ngày 17-6-2017, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.

Chủ nhật, ngày 18-6-2017, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 19-6-2017, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng tiếp tục xem xét, quyết định về công tác nhân sự và thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); buổi chiều, biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com