Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, Ban TVTU đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ như: Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy (khoá XVII) về “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy (khóa XVIII) về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bên cạnh đó, hằng năm Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đánh giá thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ hiện có, chủ động quy hoạch đào tạo cho từng chức danh gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn cán bộ trước mắt cũng như lâu dài. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ dự nguồn, cán bộ nữ, làm tốt công tác đánh giá hiệu quả sau đào tạo. Tiến hành rà soát diện cán bộ do tỉnh quản lý để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm thiếu tiêu chuẩn nào thì bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn đó. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hằng năm và 5 năm; quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho CBCCVC đi học; quy định chế độ thu hút, ưu đãi và sử dụng nhân tài, nhất là ở những lĩnh vực đặc biệt như y tế, khoa học công nghệ… Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở các quy định của các bộ, ngành Trung ương theo ngành dọc và của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của cơ quan, đơn vị; quan tâm, bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí, cử nhiều cán bộ đi học nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, phục vụ quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Trung bình mỗi năm, tỉnh cử 25-30 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời mở lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức ở tỉnh, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là những đồng chí nằm trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
|
Cán bộ xã Yên Cường (Ý Yên) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. |
Không chỉ quan tâm đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, tỉnh chú trọng cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của UBND tỉnh. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý và các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành theo yêu cầu nhiệm vụ cho đội ngũ CBCCVC; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kỹ năng thực hành công vụ cho các chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng để phù hợp với tình hình thực tiễn theo hướng chú trọng vào trang bị các kỹ năng thực hành công vụ cho đội ngũ CBCCVC. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh đã tăng cường phối hợp, liên kết với các trường đại học, các học viện Trung ương để đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp giữa đào tạo ngắn hạn với dài hạn, giữa đào tạo ở trường lớp với đào tạo qua thực tiễn..., qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các học viên đã áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết công việc hằng ngày tại cơ quan, đơn vị.
Với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ CBCCVC từng bước được nâng lên, phát huy được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cử 51 CBCCVC đi đào tạo sau đại học gồm 41 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 9 bác sĩ chuyên khoa cấp I; mở 9 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính cho 901 cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức 35 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thực hành công vụ với tổng số 4.324 học viên; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho 28 nghìn lượt CBCCVC. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức được tính cấp thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC nên không cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Một số CBCCVC chưa xác định được việc học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mỗi CBCCVC nên còn ngại tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên ở một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu kiến thức thực tiễn, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm ở các huyện, thành phố còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao... Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC thời gian tới tỉnh tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để CBCCVC tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đảm bảo trang bị đủ kiến thức quy định theo tiêu chuẩn cho công chức lãnh đạo quản lý, công chức các ngạch: cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp; trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, có khả năng hoàn thành có chất lượng công việc được giao, trang bị kiến thức văn hoá công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức cho công chức các ngạch; trang bị kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng phối hợp xử lý các vấn đề có tính chất liên ngành cho công chức lãnh đạo quản lý. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, trang bị lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp xã theo tiêu chuẩn quy định./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng